CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KỲ I (09 - 10) LỚP 10 NC

I.Nội dung ôn tập:
A.Phần văn học:
1.Văn học Việt Nam:
a) Văn học sử:
- Tổng quan văn học Việt Nam
- Khái quát văn học dân gian Việt Nam
- Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX
b) Văn bản văn học:
- Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ.
- Tấm Cám.
- Ca dao: Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa; Ca dao hài hước.
- Tục ngữ về đạo đức, lối sống
- Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão)
- Nỗi lòng (Đặng Dung)
- Cảnh ngày hè ( Nguyễn Trãi)
- Nhàn ( Nguyễn Bỉnh Khiêm )
- Đọc Tiểu Thanh kí ( Nguyễn Du )
B. Phần Tiếng Việt:
1. Văn bản văn học
2. Tóm tắt văn bản tự sự (theo chuyện của nhân vật chính)
3. Đặc điểm của văn bản nói và văn bản viết
4. Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu
5. luyện tập về nghĩa của từ
6. Luyện tập về biện pháp tu từ
C. Phần Làm văn:
1. Lập ý và viết đoạn văn theo những yêu cầu khác nhau
2. Cảm nhận tác phẩm văn học, quan sát thể nghiệm một hiện tượng đời sống
II. Cấu trúc đề thi:
1.Đề thi gồm hai phần:
a) Trắc nghiệm (3đ): gồm 15 câu. Nội dung: Văn học Việt Nam, Tiếng Việt và các bài văn học sử.
b) Tự luận (7đ): gồm 2 câu.
- Câu 1 (2đ): Viết một đoạn văn ngắn - khoảng 200 chữ - thể hiện cách hiểu của mình về một văn bản văn học.
- Câu 2 (5đ): Vận dụng kiến thức đời sống, kiến thức văn học và khả năng đọc hiểu văn bản để viết một bài văn nêu cảm nghĩ về một hiện tượng đời sống hoặc một tác phẩm văn học.
III. Dạng thức đề: (Những câu hỏi sau đây chỉ mang tính chất minh hoạ).
Phần tự luận:
Câu 1 (2đ):
1. Em hãy chỉ ra đặc trưng của kiểu truyện cổ tích thần kỳ trong truyện Tấm Cám. Vai trò của yếu tố kỳ ảo trong truyện.
2. Kinh nghiệm sống của cha ông ta trong tục ngữ về đạo đức, lối sống.
3. Em hãy trình bày tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện qua bài thơ Nhàn.
Câu 2 (5đ):
1. Vẻ đẹp trong đời sống tình cảm dân tộc được thể hiện qua những bài ca dao yêu thương, tình nghĩa.
2. Hình ảnh, khí thế và nỗi niềm của trang nam nhi đời Trần nói riêng và con người Đại Việt nói chung được thể hiện qua bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.
3. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi được thể hiện qua bài thơ Cảnh ngày hè ( Nguyễn Trãi).
4. Vẻ đẹp tình cảm nhân đạo của Nguyễn Du trong bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí
5. Cảm nhận của em về phẩm chất thanh cao của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhàn
(Đề cương ôn tập chung cho cả hai lớp chuyên văn và chuyên Anh)

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

Thư của thầy Võ Hải Bình

Con ơi thầy xin lỗi
Thật khó khăn để nói ra điều gì trước giờ tôi có thể phải chia tay với học trò của mình. Lớp 11A8, Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay cũng như bao lớp học trò cũ là nơi tôi dồn hết tâm huyết của mình, tình cảm thầy trò rất thân thiện.
Chỉ vì một phút yếu lòng, thương học trò bị trừ điểm hạnh kiểm, tôi đã chấp nhận lời năn nỉ của cả lớp cho em Phan Anh Tuấn ( HS lớp 11A8, Trường THPT Lê Quý Đôn) thụt dầu khi em phạm lỗi trong giờ học. Tôi chưa từng phạt HS trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thầy Võ Hải Bình
Thầy Võ Hải Bình
Tôi đã không lường được hậu quả của việc đó. Tôi đã làm tổn thương hình ảnh người thầy trong lòng không ít phụ huynh, làm tổn thương đồng nghiệp, gia đình và chính bản thân mình. Bản án kỷ luật của nhà trường buộc tôi phải bỏ ngang nghề dạy học cũng nặng nề như bản án của chính tôi khi nhìn lên di ảnh cha mình, một người thầy, người bạn lớn, người đồng nghiệp mẫu mực. Tài sản ông để lại cho tôi là các giáo trình toán học (ông là giáo sư chuyên ngành vật lý hạt nhân, thế hệ đầu tiên của Trường ĐHSP Hà Nội). Nhưng lời dạy của ông tôi đã không thực hiện được: "Hành trang suốt cuộc đời con người có thể mang theo là đức nhẫn nhịn" (câu nói được ông ghi cẩn thận và luôn để trong hộp viết). Mẹ tôi (và tôi cùng được đào tạo từ ĐHSP Hà Nội), cũng là một giáo viên, suốt đời gắn với sự nghiệp trồng người. Và những bài giảng trên lớp cho học trò của tôi hôm nay có sự vun trồng, chăm sóc, tình yêu thương trong mỗi bài học đối nhân xử thế của bà. Tôi cùng học trò có thể thức nhiều đêm, có thể thật khó nhọc để tìm cách giải cho một bài toán. Nhưng hôm nay, tôi không thể tìm ra đáp án cho người mẹ 72 tuổi của mình trước một câu hỏi đơn giản về nghề. Tôi cũng không trả lời được câu hỏi của cậu em trai duy nhất, đồng thời là đồng nghiệp, về tình yêu thương học trò như thế nào cho đủ?
Tôi luôn thấy hình ảnh của mình trong đám học trò hiếu động để chia sẻ, đồng cảm và vượt qua những "cửa ải" trong học tập. Tôi thấy hình ảnh của cha mình cặm cụi hàng ngày sau giờ lên lớp vừa nuôi gà lấy trứng chăm cho anh em tôi đi học, vừa nhận hàng may vá kiếm tiền, thực hiện mục tiêu duy nhất là được đứng trên bục giảng và nuôi dưỡng tình yêu của chúng tôi với sự nghiệp trồng người. Tôi hiểu, mỗi lần bị hạnh kiểm xấu (vì sự tinh nghịch nông nổi nào đó) tôi sẽ khiến cha mẹ lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Vì thế, tôi thật đau lòng khi nhìn thấy em Phan Anh Tuấn vào viện (bốn ngày sau sự cố thụt dầu). Tôi hoang mang, lo lắng, chỉ mong em không bị ảnh hưởng nào về thể chất và tinh thần.Tôi mong các học trò và nhiều phụ huynh khác không vì điều này mà nhìn nghề giáo khác đi, không vì một phút sơ tâm của tôi mà bớt đi cái nhìn thiện cảm với các thầy cô giáo, với môi trường sư phạm vẫn đầy ắp trách nhiệm và tình thương yêu. Và hơn hết, đừng nhìn sự cố này như một vụ bạo lực học đường, vì áp lực thành tích hay ghét bỏ học sinh.
Con ơi, thầy xin lỗi!
Tôi cũng muốn gửi lời hối lỗi này đến đấng sinh thành của mình, đến thầy cô của chính tôi và các đồng nghiệp. Bục giảng, bảng đen, phấn trắng và đám học trò, đó là tất cả những gì tôi có được sau 26 năm đứng trên bục giảng, là tình yêu mà tôi đã chung thủy suốt thời gian qua. Nghề dạy học là niềm đam mê, là truyền thống gia đình mà tôi nâng niu, phấn đấu, gìn giữ. Nếu ngày mai tôi phải rời bục giảng, tôi luôn mong mỏi học trò của mình sống tốt. Tôi mong đồng nghiệp của mình không vấp phải sai lầm như tôi, không phải chia xa những điều mình yêu thương và gắn bó, không phải từ bỏ một ước mơ và đi dang dở một hành trình.
TP.HCM ngày 10/12/2009
Võ Hải Bình
(Nguồn: http://tranquangdai.vnweblogs.com)

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Tính ước lệ trong "Chinh phụ ngâm khúc" và "Cung oán ngâm khúc"

  •  Hải Nguyên - Thanh Nhàn
      Văn học trung đại là một bộ phận lớn trong nền văn học Việt Nam, dòng văn học này phát triển theo qui luật vừa tiếp thu vừa dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài, chủ yếu là văn học Trung Quốc. Sự tiếp nhận một cách sáng tạo đã phát huy cá tính sáng tạo trong cả nội dung và hình thức biểu hiện. Hàng loạt những tác giả và tác phẩm lớn: Nguyễn Gia Thiều - Cung oán ngâm, Đặng Trần Côn - Chinh phụ ngâm, Nguyễn Du – Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương…là những minh chứng rõ nét cho việc sử dụng bút pháp ước lệ và việc sáng tạo, cái biến để xây dựng nền văn học dân tộc.
      Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn và Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều là những khúc ngâm nổi tiếng trong văn học dân tộc. Tuy đề tài có khác nhau nhưng cả hai tác phẩm đều là tiếng nói đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cá nhân của người phụ nữ. Cái tạo nên giá trị cho hai tác phẩm không đơn thuần là tiếng nói nhân đạo mà còn là giá trị nghệ thuật độc đáo. Vượt lên trên những công thức, những khuôn mẫu mang tính qui phạm, tác phẩm đã thể hiện tâm trạng của người phụ nữ bằng những dòng thơ mang sắc thái nội tâm hóa, giàu cảm xúc, khơi gợi âm điệu cảm thương.
      Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn là tác phẩm được viết bằng chữ Hán gồm 477 câu, được Đoàn Thị Điểm dịch ra chữ Nôm. Toàn bộ tác phẩm là nỗi lòng của người chinh phụ có chồng đi lính phương xa. Đề tài chiến tranh, chinh phu, chinh phụ vốn là một đề tài phổ quát và truyền thống của nhiều nền văn học Trong văn học Việt Nam, tiếng nói oán trách chiến tranh đã vang lên từ những câu ca dao trữ tình đầy oán hận. Từ thế kỷ XV, nhà thơ Thái Thuận cũng từng đặt bút với Bài thơ Chinh phụ ngâm. Thế kỉ XVII, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã viết về đề tài này. Thơ Đường đã xuất hiện những nhà thơ chuyên khai thác  đề tài này như Sầm Thang, Vương Xương Linh…
      Có thể tìm thấy trong Chinh phụ ngâm những công thức mang tính ước lệ về việc diễn tả thời gian: lấy sự việc thiên nhiên diễn tả bước đi của năm tháng:
Thưở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
Thưở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại rã bên sông ba xòa…
(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn)
       Hình ảnh những chim oanh, quyên, én chỉ mùa thu, mùa hạ, mùa xuân đã diễn tả bước đi theo chu kỳ của thời gian đồng thời thể hiện tâm trạng chờ mong mỏi mòn của người chinh phụ với lời hứa của chồng.
      Tâm trạng cô đơn mòn mỏi đợi chờ , sự thất vọng, lời oán trách lẫn nỗi lòng bức bối của người cung nữ trong Cung oán ngâm được Nguyễn Gia Thiều diễn tả trong không gian cung cấm lạnh lẽo, thâm nghiêm với “lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ, gác thừa lương thức ngủ thu phong.
      Ước lệ về thời gian không gian này xuất phát từ quan niệm thời gian tuần hoàn, không gian bất biến trong văn học trung đại.
      Tính ước lệ trong hai tác phẩm Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm còn được thể hiện ở việc xây dựng những mẫu hình nhân vật. Theo Trần Hà Nam trong bài viết “ Tính ước lệ trong văn học trung đại” đăng trên blog cá nhân : “ Con người thời trung đại có tinh thần hướng thượng, coi trọng những giá trị cộng đồng, những phẩm chất chung mà khó chấp nhận sự thay đổi lề thói hoặc những cá tính tự do… Nói về gương quân tử thì phải gắn với phẩm chất cao quí “nhân nghĩa lễ trí tín”, phụ nữ thì soi mình vào “công dung ngôn hạnh”, cuộc sống ẩn sĩ thì phải gắn với “ngư tiều canh mục”, phẩm chất tài hoa thì phải “cầm kỳ thi hoạ”, “phong hoa tuyết nguyệt…” Hình ảnh người chinh phu và cả chinh phụ trong Chinh phụ ngâm không nằm ngoài công thức này. Xuất phát từ ý thức về nghĩa vụ, quan niệm về công danh, danh dự của một trang hòa kiệt  hình ảnh người chinh phu trong mắt người chinh phụ trong buổi tiễn đưa là hình ảnh đẹp, rực rỡ, uy nghi:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
      Bên cạnh nỗi buồn, lưu luyến, sầu muộn của buổi tiễn đưa, chinh phụ đã khẳng khái “ phép công đã trọng, niềm tây sá gì”
       Tính ước lệ còn được thể hiện ở việc sử dụng điển tích điển cố trong tác phẩm. Có thể thấy trong đoạn trích “Nỗi sầu oán của người cung nữ - Trích Cung oán ngâm” lượng điển tích được sử dụng khá nhiều: “giấc mai, hồn bướm, dương xa, nguyệt lão” . Việc sử dụng điển tích, điển cố vừa thể hiện tính uyên thâm, trình độ học vấn của tác giả (theo quan niệm của những người cầm bút trong văn học trung đại) vừa diễn tả được nỗi lòng oán hận, khát vọng bứt phá của người cung nữ:
Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ
Xe thế này có dở dang không
Dang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”
(Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều)
      Hay trong Chinh phụ ngâm: 
Hẹn cùng ta lũng Tây Nham ấy
Sớm đã trông nào thấy hơi tăm
Hẹn nơi nao Hán Dương cầu nọ
Chiều lại tìm nào có tiêu hao…”
Lũng Tây Nham, cầu Hán Dương đều là những địa danh có tính chất ước lệ cho nơi chốn gặp gỡ, nhằm bày tỏ sự trông chờ, nỗi thất vọng của người chinh phụ chứ không nhằm chỉ một nơi chốn cụ thể.
      Tuy nhiên việc sử dụng tính ước lệ trong hai tác phẩm Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm mang tính sáng tạo rất lớn. Chinh phụ ngâm khúc – Đặng Trần Côn có phần tìm thi hứng từ những trang sách cổ, tuy nhiên cảm hứng của cả tác giả lẫn dịch giả đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Tư tưởng đòi quyền sống quyền hạnh phúc của con người – tư tưởng chủ đạo của văn học giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII, đã khiến hình mẫu nhân vật đã thay đổi. Người chinh phụ từ việc coi trọng “niềm công” qua bao ngày tháng khắc khoải xa chồng, đã có sự thay đổi về nhận thức. Không hề phủ nhận lý tưởng công danh nhưng nàng cũng đã hiểu chiếc ấn công hầu không có ý nghĩa bằng hạnh phúc đôi lứa:
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
      Tư tưởng này còn có giá trị phản chiến sâu sắc. Điều này đã lý giải vì sao sử dụng bút pháp ước lệ nhưng Chinh phụ ngâm vẫn phản ánh chân thực cuộc sống, phản ánh những vấn đề cơ bản và tâm lý con người  của thời đại.
      Khát vọng của người cung nữ trong Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều không chỉ là khát vọng về hạnh phúc tinh thần mà còn mang cả màu sắc nhục cảm. Đây là một nét mới trong văn học trung đại.
      Đoạn trích “ Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” (Trích Cung oán ngâm – Đặng Trần Côn) là một kiệt tác về việc miêu tả tâm lý và khả năng Việt hóa hệ thống điển tích và từ Hán Việt. Gạt đi những hình ảnh mang tính chất ước lệ “non Yên, sắt cầm, dây uyên, phím loan, gió đông…) thì nhiều ý tứ trong nguyên tác đã được chuyển dịch, nâng cấp thành những lời thơ thật sự giàu chất thơ:
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa
Được lấy nguyên tác từ hai câu thơ chữ Hán “Sầu tự hải, Khắc như niên” (Sầu như biển, Khắc như năm) nhưng trong Chinh phụ ngâm được chuyển dịch thành nội tâm của người chinh phụ, gợi được cảm giác thời gian chờ đợi tương ứng với nỗi sầu vô hạn, khơi gợi âm điệu cảm thương.
      Trong đoạn trích tác giả đã khai thác và sử dụng hết sức hợp tình, hợp cảnh hàng loạt những từ láy: gà eo óc, hòa phất phơ, khắc giờ đằng đăng, sầu dằng dặc, hồn mê mải, lệ châu chan, trời thăm thẳm, nhớ đau đáu…cùng với việc phát huy một cách tài tình nhạc điệu trữ tình của thể thơ lục bát nhằm diễn tả chân thực sâu sắc thương nhớ của người chinh phụ trong tình cảnh lẻ loi đơn chiếc.
      Trong đoạn trích “ Nỗi sầu oán của người cung nữ” (Trích Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều) những từ Hán Việt được đặt cạnh những từ nôm na, với dụng ý làm nổi bật sự đối lập giữa cuộc sống âm thầm, cô quạnh của người cung nữ với cảnh xa hoa tráng lệ nơi cung cấm:
Trong cung quế âm thầm chiếc bóng
Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ
Gác thừa lương thức ngủ thu phong
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng…

      Tính ước lệ trong văn học trung đại nói chung và trong tác phẩm Cung oán ngâm và Chinh phụ ngâm là một đặc điểm nghệ thuật của văn học trung đại. Việc sử dụng sáng tạo tính ước lệ đã đem văn chương gắn với đời sống, thể hiện tài năng và tấm lòng của các tác giả trong việc thể hiện ý thức dân tộc, xây dựng nền văn chương nước nhà.

Bình giảng đoạn trích "Cảnh chia li" trong "Chinh phụ ngâm khúc"

     Cảnh chia li là một trong những đoạn trích hay nhất của Chinh phụ ngâm khúc, đã cho thấy rõ hoàn cảnh bi thương của đôi vợ chồng trẻ.
            Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng
           Hàng cờ bay trong gió phất phơ.
      Trong cái giờ phút chia li ấy, trong cái không gian nhuốm đầy màu tâm trạng, bất giác, một tiếng sáo vang lên như mang theo cả nỗi niềm của người chinh phụ. Tiếng sáo ấy dường như lắng đọng cùng tâm trạng nàng, như muốn gửi gắm những mong mỏi, chờ đợi, lo lắng cho người chinh phu ở nơi sa trường. Đằng sau hình ảnh bóng cờ phất phơ, ta còn nhận ra được ánh mắt đăm đắm nhìn theo cùng với tất cả tấm lòng son sắt, thủy chung của người chinh phụ, hi vọng có thể tìm thấy được bóng hình quen thuộc của mình.
                 Dấu chàng theo lớp mây đưa,
                Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.
       Hai câu thơ tiếp theo đã mở ra một không gian thiên nhiên vô cùng rộng lớn, bao la, rợn ngợp. Phải chăng ở đây, không gian ấy được tạo nên như muốn chia cắt đi mối tình son sắt, mặn nồng của đôi vợ chồng trẻ? Nhưng dù sao đi nữa, bất chấp mọi sự cản trở, họ vẫn luôn luôn hướng về nhau, quan tâm, lo lắng cho nhau dù cho lớp mây kia đưa đẩy, rặng núi kia hóa thành bức tường ngăn cách. Thủ pháp sóng đôi, một thủ pháp quen thuộc của thi ca Việt Nam đã góp phần làm tô đậm thêm cho sự khắng khít, gắn bó không muốn xa rời của đôi vợ chồng. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, người chinh phu đã ra đi, để lại người chinh phụ bơ vơ, đơn độc một mình trong chốn buồng cũ chiếu chăn hiu quạnh. Nàng ngơ ngẩn, bàng hoàng ôm trọn cho riêng mình một nỗi sầu, một nỗi nhớ mong dâng lên đến tột cùng.
         Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
         Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
         Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
         Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
     Hàm Dương - Tiêu Tương, hai địa danh được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bốn câu thơ trên, cùng với các hành động ngoảnh lại, trông sang đã khiến cho mối sầu lại càng sầu hơn. Không những vậy, khoảng cách xa nghìn trùng giữa Hàm Dương - Tiêu Tương đã vô tình làm tăng thêm sự xa cách của đôi chinh phu, chinh phụ. Và giờ đây, họ chỉ còn biết gởi gắm những tâm tư, tình cảm của mình vào thiên nhiên, giãi bày tấm lòng của mình với thiên nhiên, và thầm mong đến ngày gia đình được đoàn tụ, sum họp hạnh phúc. Nhưng sự thật lại quá phũ phàng, hiện thực khốc liệt của chiến tranh đã lấy đi tia hi vọng duy nhất của người chinh phụ. Để rồi nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần lại như chiếm lĩnh hoàn toàn tâm trí của nàng.
              Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
              Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
              Ngàn dâu xanh ngắt một màu
              Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
      Ở đây, tác giả không chỉ muốn nói đến mối sầu dai dẳng luôn bám theo người chinh phụ, mà nó còn muốn nhấn mạnh hơn về hiện thực oái ăm đến lạ thường: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy. Họ muốn gắn bó, gần gũi nhau nhưng lại phải chia li, cách biệt, càng dõi nhìn nhau thì càng không thể thấy được nhau. Nhưng, tuy hai người ở hai nơi xa cách nhau đến muôn trùng, muôn dặm thì tâm hồn của họ vẫn hướng về nhau, thấu hiểu cho nhau những niềm vui, nỗi buồn. Để từ đó, họ ngoảnh về cùng một hướng, cùng nhìn về bãi nương dâu xanh ngắt kia. Màu xanh - màu của hòa bình, của sự hi vọng, tràn trề hạnh phúc, nhưng sao ở đây,  nó lại thấm đẫm sự cô đơn, hiu quạnh khiến cho người chinh phụ không thể không thốt lên một câu hỏi chứa đầy sự phẫn uất, sầu hận Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai???...

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

Tính ước lệ trong hai đoạn trích: "Chinh phụ ngâm khúc" và "Cung oán ngâm khúc"

  •     Thùy Trang - Ngoc Quý- 10V
   Đất nước Việt Nam bé nhỏ xinh xinh với những lũy tre làng đơn sơ, mộc mạc, những cánh đồng bát ngát, mênh mông đã đi vào trong lòng mỗi người dân đất Việt những tình cảm thiết tha, yêu mến, tự hào. Đất nước ta đẹp không phải chỉ với những cảnh quan ấn tượng, những trang sử vàng chói lọi mà nó còn đẹp bởi:
"Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
        Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn"
    Những áng văn hay, những bài thơ tuyệt đẹp đã được viết nên bằng những trái tim tràn đầy nhiệt huyết với quê hương, Tổ quốc mình. Để làm nên những thành công ấy cần có sự đóng góp không nhỏ của tính ước lệ trong văn học trung đại.
   "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn (dịch giả Đoàn Thị Điểm ?), "Cung oán ngâm" của Nguyễn Gia Thiều là những áng văn hay đã khắc họa sâu sắc cuộc sống cay đắng, khổ đau, lẻ loi, đơn độc của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy biến động. Sự đau thương, mất mát, cái đẹp bị lãng quên đã được các tác giả khắc họa thành công bằng bút pháp ước lệ tượng trưng.
     Văn chương là sản phẩm được kết tinh từ những quá trình nhận thức hiện thực và sáng tạo của các tác giả. Bởi thế mà các tác phẩm đã phản ánh sâu sắc cuộc sống của mỗi con người, và những suy nghĩ, nhận thức của họ. Văn chương trung đại với những khuôn vàng thước ngọc, tính quy phạm đã gò bò sự sáng tạo của con người vào trong những chuẩn mực, quy định. Vì vậy mà các tác phẩm đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng thời đại, những chuẩn mực đạo đức và các đạo giáo (Nho, Phật, Lão) đã đi vào thi ca, chi phối vũ trụ quan và nhân sinh quan của mỗi con người. Tất cả được kết tinh lại trong tính ước lệ, và nó đã trở thành những mẫu số chung cho các hình tượng văn học.
     Con người thời trung đại sùng cổ thường hoài niệm về quá khứ hơn là hướng về tương lai. Bởi vậy mà những quan niêm thời xưa đã ăn sâu vào nhận thức con người, và các tác giả đã vận dụng nó vào trong sản phẩm của mình. Quan niệm thời gian, không gian cũng mang theo những đặc điểm ấy. Nó là những chu kỳ tuần hoàn khép kín, mà trong đó, các sự vật không vận động, không phát triển. Cùng với thời gian luyến tính, không gian được sắp xếp theo thứ bậc, lớp lang, có quan hệ tương ứng. Từ đó, trong văn chương cũng xuất hiện các hình ảnh ước lệ tượng trưng. Các hình ảnh thiên nhiên "hoa - điểu", các mùa trong năm "xuân - hạ - thu - đông", cùng với các hiện tượng "ngày - đêm" đã đi vào thơ ca và trở thành những ước lệ quen thuộc. Để rồi đem đến cho người đọc những bức tranh sống động, hài hòa với nội tâm con người:
"Cảnh buồn người thiết tha lòng
      Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun"
                      (Chinh phụ ngâm)
   Trong hoàn cảnh xa cách, nỗi nhớ thương dâng đầy tâm trạng, người chinh phụ nơi phòng khuê đau khổ, bẽ bàng. Cảnh vật trong mắt nàng giờ đây cũng nhuốm đầy tâm trạng, nó như mang theo nỗi ngậm ngùi, cay đắng trải dài ra vô tận. Không gian ấy mang đầy những nỗi bi thương, xuất hiện với ấn tượng đầu tiên là một màu trắng xóa. Làn sương hiện ra không còn cái vẻ mơ hồ, huyền ảo, mà nó "đượm" trên cây như mang theo cái nặng trĩu của tâm hồn người chinh phụ. Những giọt sương ấy đem đến cái lạnh lẽo, giá băng, xuyên thấm vào tâm tư, cảm giác của con người, khiến nàng thấm thía sự cô đơn, trống trải hơn bao giờ hết. Và những trận mưa phun lại tiếp tục đem đến một cái lạnh tê tái cho con người. Sương - mưa, cảnh thật hay cảnh ảo? Mưa rơi trước mắt hay đang nhỏ giọt trong lòng người chinh phụ cô đơn, bẽ bàng duyên số? Bởi vậy mà:
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"
                                   (Truyện Kiều - Nguyễn Du)
    Một buổi chiều tà man mác, một mùa thu nhạt nhòa hay một mùa đông lạnh giá, tất cả đã trở thành những hình ảnh ước lệ quen thuộc trong thi ca cổ điển Viêt Nam. Và giờ đây, Nguyễn Gia Thiều lại tiếp tục vận dụng những hình ảnh ấy thật độc đáo:
"Lầu Tần, chiều nhạt vẻ thu
    Gối loan tuyết đóng, chăn cù gió đông"
    Buổi chiều với ánh nắng nhạt nhòa dần dần tắt bóng sau những rặng núi xanh đã đem đến cho con người một nỗi buồn thấm thía, như gợi báo những sự mất mát, chia li. Và buổi chiều ấy đã khắc họa sâu sắc tâm trạng cô đơn của người cung nữ bị lãng quên trong tiềm thức, bị chôn vùi cùng quá khứ vàng son. Thu - đông, các mùa lặng lẽ trôi qua như thời gian đang điểm bước, như tuổi thanh xuân của con người đang chầm chậm trôi đi. Không những thế, mùa thu với nỗi buồn man mác, mùa đông với cái lạnh giá băng đã trở thành những biểu trưng quen thuộc cho tâm trạng con người. Để rồi hai câu thơ hiện lên với tất cả sự mất mát, bàng hoàng, với cái lạnh thấu xương vây kín tâm tư người cung nữ. Và rồi, bóng đêm của tuổi già trùm xuống, lấy đi vẻ thanh xuân cùng tình yêu tuổi trẻ của nàng. Không gian buổi chiều với ánh nắng nhạt nhòa, mùa thu buồn với "lá vàng trước gió" gợi lên một sự sống mỏng manh đang dần tắt lịm, mùa đông tuyết rơi lạnh lẽo vẽ lên không gian một màu trắng tang tóc, buồn thương. Tất cả như đóng khung tâm trạng con người, để rồi tâm hồn người cung nữ chìm đắm trong sầu - hận.
    Bên cạnh những hình ảnh ước lệ lấy thiên nhiên để biểu hiện thời gian là cách xây dựng không gian bốn bề đông - tây - nam - bắc. Và sự thiết lập không gian gần - xa cũng đã trở nên quen thuộc trong văn chương trung đại:
"Giọt sương phủ bụi chim gù
    Sâu tường kêu vắng, chuông chùa nên khơi"
    "Sâu tường", âm thanh gần rả rích đâu đây như khuấy động tâm tư người chinh phụ. Tiếng kêu ấy gợi nên bao sự thản thốt, bao hoang mang chất chồng mà thời gian xa cách đã làm cho nó thêm trĩu nặng. Tiếng chuông chùa từ xa vọng lại như đưa con người chìm vào cõi hư vô. Để rồi, từ sự kết hợp giữa không gian gần - xa, sự hòa quyện giữa thê lương và mơ mộng đã đẩy con người vào tình cảnh xót xa, tê tái. Tâm hồn muốn thanh thản, bình yên mà không thể được. Người chinh phụ muốn quên đi những ưu tư, vướng bận. Thế nhưng, càng quên lại càng nhớ, bóng hình chinh phu cùng hiện thực xa cách cứ hiện diện trong tâm trí nàng, làm hồn nàng hoang mang, xáo động. Phải chăng lúc này đây, người chinh phụ đang thèm khát được quay về với hạnh phúc ngày xưa "Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ". Thế nhưng, hiện thực phũ phàng  đã đẩy con người vào trường ca bi kịch, để rồi những hoài niệm về quá khứ, những hạnh phúc lứa đôi như vỡ tan tành? Sự kết hợp giữa không gian xa - gần đã làm cho nỗi nhớ của người chinh phụ trải dài ra theo khoảng cách. Và nỗi nhớ ấy cứ như từ chốn phòng khuê lan tỏa đến nơi có tiếng chuông chùa, để rồi từ đó vỡ òa ra giữa không gian mênh mông, đất trời rộng lớn.
     Quan niệm về thời gian, không gian cũng đã chi phối những nhận thức về con người. Nếu không gian được phân chia thành thượng - trung - hạ, thì con người được xếp vào các loại quân tử - tiểu nhân. Con người thời trung đại sống gắn liền với những quan niệm, đạo lí "tam cương ngũ thường". Kẻ làm trai phải tránh xa nữ nhi thường tình để thỏa chí tang bồng, phải soi mình vào tấm gương tiền nhân mà phò vua giúp nước. Kẻ sĩ cần phải giữ mình trong sạch "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất". Nữ nhi phải soi mình vào tấm gương liệt nữ, "công dung ngôn hạnh", "tam tòng tứ đức". Những phẩm chất này đã trở thành chuẩn mực, quy định đạo đức của con người phong kiến. Nó tạo thành một vòng cương tỏa mà con người  phải nép mình trong đó và không có quyền được thay đổi. Do vậy, hình tượng con người trong văn chương cũng mang tính ước lệ.
      Hình ảnh người chinh phụ trong "Chinh phụ ngâm" cùng người cung nữ trong "Cung oán ngâm khúc" là hình ảnh biểu trưng cho lòng chung thủy sắt son của những người phụ nữ. Trong cảnh khói lửa chiến trường, tương lai mù mịt, người chinh phụ vẫn ngóng trông tin tức chồng với tất cả lòng thiết tha, mong mỏi:
"Ngoài rèm thước chẳng mách tin
  Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?"
      Hình ảnh chim thước báo tin vui đã trở thành một hình tượng ước lệ trong thơ ca. Nó như đem niềm vui về với mọi gia đình, kéo gần khoảng cách giữa người đi kẻ ở. Dường như ta nhận thấy ở đây hình ảnh một người phụ nữ đang khắc khoải nhớ thương, từng phút từng giây trông chờ bóng hình quen thuộc. Khoảng cách và thời gian đã làm cho nàng mỏi mòn, héo úa để rồi giờ đây, tất cả niềm nhớ thương, đợi chờ chỉ còn biết gửi gắm vào một con chim bé nhỏ. Thế nhưng, niềm hi vọng duy nhất cũng đã ngoảnh mặt làm ngơ với nàng "thước chẳng mách tin". Giữa nỗi niềm cô đơn không bờ bến, giữa không gian lấp đầy sự tuyệt vọng, tưởng chừng như người chinh phụ sẽ bỏ cuộc, quên đi tình yêu thiết tha, mặn nồng của mình. Nào ngờ, tấm thân mảnh mai ấy vẫn khắc sâu mối tình chung thủy, ôm trong mình một mối tình riêng, đợi chờ dù dòng thời gian vẫn đang trôi chảy "lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi".
     Người cung nữ trong "Cung oán ngâm" cũng thế. Mặc dù bị đấng cửu trùng lãng quên, bị bỏ mặc cho thời gian âm thầm điểm sương trên mái tóc, nàng vẫn tha thiết yêu vua và hoài niệm về quá khứ hạnh phúc bên Người:
"Chiều ủ dột giấc mai khuya sớm
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ"
   "Hồn bướm mơ tiên" đã trở thành một điển tích quen thuộc trong thi ca Việt Nam. Trong khoảnh khắc ngột ngạt ở chốn hậu cung, bị giam hãm trong không gian lẻ loi mênh mông, người cung nữ mơ được siêu thoát, hay giấc mơ hóa bướm là giấc mơ hạnh phúc để "điệp luyến hoa"??
    "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có" (Nam Cao). "Chinh phụ ngâm khúc" và "Cung oán ngâm khúc" là những áng thơ hay, lẽ nào lại không đạt được những điều như Nam Cao đã nói? Chính sự sáng tạo của các tác giả đã phá vỡ đi tính ước lệ trong văn học trung đại. Hình ảnh người cung nữ nơi thâm khuê không chỉ được khắc họa với nỗi sầu, với tình yêu chung thủy, nàng còn đươc thể hiện trong cảm xúc oán hận nhà vua khi đã lãng quên tình yêu, tuổi thanh xuân của nàng
                 "Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ
                   Xe thế này có dở dang không
                   Dang tay muốn dứt tơ hồng
                   Bựt mình muốn đạp tiêu phòng mà ra"
     Dường như ta nhận thấy ở đây hình ảnh một người phụ nữ nổi loạn, đang gào thét, phá tan tất cả. Chẳng còn nữa hình ảnh một người cung nữ thiết tha, nồng thắm, ôm sầu riêng theo từng ngày từng tháng, mà xuất hiện ở đây là một con người uất hận đến tột cùng, nỗi niềm căm phẫn dâng lên đến cao độ. Những chuẩn mực phong kiến "công dung ngôn hạnh", "tam tòng tứ đức" đã lùi đằng sau, nhường chỗ cho tâm trạng con người. Điều đó đã làm phong phú thêm tâm hồn người phụ nữ và đóng góp vào sự thành công của các tác giả.
      Bên cạnh đó, quan niệm về cái đẹp cũng là cơ sở thẩm mĩ của tính ước lệ. Con người thời phong kiến cho rằng  người xưa có những quan niệm thẩm mĩ mà ngày nay không thể nào có được. Bởi vậy, tính sùng cổ đã hình thành và ảnh hưởng sâu sắc đến văn học đương thời. Con người thời đó "thuật nhi bất tác", chỉ hướng về quá khứ, hoài niệm về thế kỉ vàng son mà không hề hướng tầm mắt đến tương lai. Bởi vậy, các hình ảnh biểu trưng quen thuộc đã được lặp đi lặp lại nhiều lần và trở thành mẫu số chung cho văn học sau đó. Khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ, có những hình ảnh quen thuộc:
"Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa xẻ héo cành khô"
                 (Chinh phụ ngâm)
 Hay:
"Hoa này bướm nỡ thờ ơ
               Để gầy bông thắm, để xơ nhị vàng"
                                  (Cung oán ngâm khúc)
"Liễu" - người phụ nữ mong manh yếu đuối, "ngô" người phụ nữ mộc mạc chân tình được đặt trong hai câu thơ tạo nên một sự kết hợp hài hòa của hình tượng người phụ nữ "liễu" - "ngô" được đặt trong sự đăng đối làm hoàn thiện hơn hình ảnh con người. Và đúng như tính chất của liễu - ngô, người phụ nữ mảnh mai dễ bị tổn thương, hư hao bởi "sương", "tuyết". Sự cô đơn lạnh lẽo (sương) cùng  với tuổi già tàn phai sắc thanh xuân (tuyết) đã làm cho người chinh phụ héo hon, gầy mòn, chết dần theo năm tháng trôi mau. Hình ảnh người phụ nữ cũng được đặt trong sự tương quan với hoa. Nó gợi lên một nhan sắc hương trời làm rung động lòng người. Nhưng cũng như hoa sớm nở tối tàn, vẻ đẹp ấy rồi cũng sẽ tàn phai sẽ bị lãng quên theo dòng đời trôi chảy. Niềm tự hào, tình yêu của nàng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi để rồi khi đóa hoa tàn đi, những nếp nhăn xuất hiện trên gương mặt thì cũng làn lúc nàng mất đi tất cả, để rồi tất cả chỉ còn lại một sự ngậm ngùi, cô đơn, trống trải. Một hình ảnh nhưng ẩn chứa bao tâm tình, bao bất hạnh mà người phụ nữ phải gánh chịu. Bút pháp ước lệ tượng trưng đã làm cho câu thơ hàm súc và dễ đi sâu vào lòng người đọc những tình cảm xúc động, cảm thông cho duyên kiếp bẽ bàng.
      "Chinh phụ ngâm khúc" cùng với "Cung oán ngâm khúc" đã trở thành những áng thơ hay khắc họa sâu sắc hiện thực cuộc sống của con người trong hoàn cảnh lẻ loi, đơn chiếc. Cùng với thể thơ dân tộc song thất lục bát, tính ước lệ tượng trưng đã đưa các tác phẩm lên một đỉnh cao mới và sự phá vỡ tính ước lệ đã nâng các nhà thơ lên một tầm cao mới.
                

Phân tích đoạn trích Cảnh chia ly

  • Nguyễn Thị Ngọc Ngà
Tiếng địch thổi vọng lên từ phía xa như báo hiệu giờ chia tay đã điểm,tất cả sẵn sàng cho một cuộc viễn chinh.Tiếng địch ấy như nói thay cho tâm trạng con người vào cái giờ phút nghẹn ngào không nói nên lời.Hàng cờ đã khuất xa chỉ còn thấy phất phơ bóng dáng mờ mịt trong khói bụi của đoàn quân.Tiễn đưa nhau trong giờ khắc cuối cùng khiến cho lòng chinh phu,chinh phụ ai nấy đều mang nặng tâm trạng buồn thương.Dấu vết chồng chìm dần rồi mờ nhạt trong không gian để lại cho người chinh phụ ngổn ngang những tâm tư vây kín,ngẩn ngơ như người mất hồn.Chàng đã đi xa bỏ lại nàng trong nỗi cô đơn chiếc bóng,tự mình đối diện với mình trong căn phòng lặng lẽ,quạnh hiu,kể sao cho xiết những nỗi niềm đơn độc,lẻ loi tràn ngập chất chứa trong tâm trí nàng lúc bấy giờ.Trong lòng nàng luôn hiện hữu những lo lắng ,bồn chồn không yên khi nghĩ đến việc người chồng thân yêu dấn thân vào cảnh binh đao,loạn lạc,biết có còn ngày gặp lại chăng?Đoái nhìn khung cảnh biệt ly chỉ còn lại là một màu mây biêng biếc trải lên nền núi xanh thẳm xa vời vợi như nỗi buồn của con người trải ra theo hồn sông núi.Tuy đã ra đi nhưng trong lòng người chinh phu vẫn luôn canh cánh bên lòng những mối bận tâm cho người vợ,cho tình cảnh gia đình khi thiếu vắng trụ cột cùng những tình cảm yêu thương nồng thắm gửi vào trong cái ngoảnh lại từ chốn Hàm Dương xa xôi.Đáp lại đó là cái nhìn đăm đắm của người vợ về nơi kia ngóng trông bóng dáng người chồng thân yêu đã khuất dần vào hư vô.Khoảng cách nghìn trùng kia hầu như không ngăn được mối giao cảm của đôi vợ chồng luôn hướng về nhau những tình cảm yêu thương tha thiết,vượt qua những cách trở của không gian vô tận.Tưởng xa nhưng gần,ngỡ gần rồi lại xa,cùng trông về phía nhau nhưng lại chẳng tìm đâu thấy hình ảnh người thương,chỉ có những đường nét nhòe mờ còn đọng trong tâm trí chập chờn phút chốc hiện lên khiến cõi lòng chinh phụ thêm tái tê,xa xót.Hiện hữu trong cái nhìn của cả hai giờ đây chỉ còn là cái màu xanh của nương dâu,một màu xanh ngắt trải lên bao la núi đồi, khuấy động nỗi buồn thương từ tận đáy lòng ứa ra thành những giọt lệ nghẹn ngào đẫm mi.Xưa nay chinh chiến có mấy ai về. Biết có đợi được đến ngày đoàn tụ hay không?Những nhớ thương da diết, nỗi niềm suy tư kết đọng thành khối sầu đeo đẳng trong lòng chinh phu,cô phụ vọng lên thành một câu hỏi nghe sao đau đớn, buồn thương”Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Về bốn câu mở đầu Đoạn trường tân thanh

  • Nguyễn Phúc Hải Nguyên


    Bất tri tam bách dư niên hậu
    Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?
            Nỗi niềm băn khoăn ấy của Nguyễn Du làm chúng ta không thể nào quên được cuộc đời và tấm lòng nhân đạo cao cả của ông. Cho đến mãi muôn đời sau tên tuổi ông vẫn sống mãi với thời gian và lịch sử. Ta quên sao được một con người có tấm lòng nhân hậu bao la, thông cảmsâu sắc với những kiếp người lầm than. Tấm lòng ấy được thể hiện rõ trong tác phẩm "Đọan trường tân thanh" của ông.
    Trăm năm trong cõi người ta
    Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.


            Nguyễn Du viết "Truyện Kiều" không phải chỉ đơn thuần là viết về một câu chuyện tình, mà đằng sau câu chuyện ấy còn là hiện thực của một cái xã hội phong kiến thối nát đầy bất công. Phải chăng Nguyễn Du viết về "cõi người ta" viết về chuyện trăm năm của một đời, một kiếp người trong xã hội. "Cõi người ta" ấy đó là "cái cõi của chính Nguyễn Du"? Trong cái "cõi người ta" ấy, dường như chữ "tài", chữ "mệnh" đi đôi với nhau, dường như chúng là những đại lượng tỉ lệ thuận. Nhưng không, "tài - mệnh tương đố" (tài mệnh ghét nhau). "Tài tử đa cùng, hồng nhan đa truân". Tài tử và giai nhân là hai kiếp người cùng chung số phận. Chính tài năng của họ đã mang đến những điều không tốt đẹp, một cuộc sống nhiều gian nan, đau khổ. Cũng giống như Thúy Kiều và Từ Hải. Thúy Kiều chỉ vì vừa có sắc vừa có tài mà phải chịu cuộc sống long đong lận đận suốt 15 năm, Còn Từ Hải, một anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, "côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài" mà cuối cùng cũng phải chịu một cái chết bi thương. Tại sao vậy? Tại sao những con người ấy lại phải chịu một cuộc sống bất công như thế? Hiện thực xã hội lúc bấy giờ đã khiến Nguyễn Du phải viết một kết thúc như thế. Xã hội đã không còn lẽ phải, đã không còn công lý.
            Hình ảnh "bể dâu" trong câu thơ được nhà thơ lấy ý từ câu chữ Hán "thương hải biến vi tang điền" (bể xanh hóa thành nương dâu). Đó là hình ảnh ruộng dâu xanh ngắt mới hiện ra nhưng giờ đây đã biển nước bao la. Phải chăng đây là ảo giác?. "Cuộc bể dâu" mà Nguyễn Du "trải qua" không phải là ảo giác mà hiện thực rành rành trước mắt. Đó là hình ảnh xã hội với sự thay đổi nhanh chóng đến không thể ngờ mà Nguyễn Du đã chứng kiến. Chính vì "những điều trông thấy" mà làm nhà thơ "đau đớn lòng". Tâm can tác giả quặn thắt,đau xót vô cùng trước những hình ảnh đang xảy ra hàng ngày hàng giờ. Nhà thơ chua xót và thông cảm với những kiếp người cơ cực trong cuộc sống. Bằng chính con mắt của mình, Nguyễn Du đã chứng kiến biết bao cảnh đời oan trái vì thế ông mới có thể viết nên những lời đau xót ấy như vậy. Hiện thực của cuộc sống, sự xung đột của xã hội giữa "tài" và "mệnh" đã được thể hiện tất cả trong bốn câu thơ này. Nguyễn Du đã thật sự đau đớn,  đã thật sự cảm thương, xót xa, cảm thông cho số phận những con người này.
            Tóm lại, khi miêu tả vào hiện thực của cuộc sống, sự xung đột giữa tài và mệnh, sự chứng kiến những thay đổi của xã hội trong bốn câu thơ đầu đã làm cho nhà thơ cảm thấy đau đớn và đó cũng chính là giá trị nhân đạo được thể hiện trong tác phẩm "Truyện Kiều".

Bình giảng trích đoạn Chinh phụ ngâm

  • Phạm Thùy Diễm Trinh
Chiến tranh làm cho bao đôi vợ chồng trẻ phải xa lìa nhau, gia đình tan nát, con xa cha và người mẹ xa lìa đứa con thân yêu...Tâm trạng người đi - kẻ ở đã được mô tả rất rõ trong "Chinh phụ ngâm" thông qua cảnh chia li .
"Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng
Hàng cờ bay trông bóng phất phơ
Dấu chàng theo lớp mây đưa
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà"
Tiếng sáo thổi ở xa vọng lại như làm cho nỗi buồn của người chinh phụ trải dài ra theo tiếng vọng của âm thanh . "Hàng cờ bay trong bóng phất phơ" - quân đội chinh phu đã đi xa , để lại cho người chinh phụ một nỗi buồn vì cảnh lẻ loi đơn chiếc . Chi tiết này có thể giúp ta liên tưởng tới sự lo lắng của chinh phụ đối với chồng, với nhiều hiểm nguy bất trắc rình rập .
Chinh phu đã đi xa , mờ nhạt như những đám mây . Đối lập với hình ảnh chinh phụ "nhìn rặng núi" đang dõi theo từng bước đi của chồng mình . Nhưng nàng đành bất lực trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ như một bức tường che khuất mọi tầm nhìn . Bất lực trước hoàn hoàn cảnh , "ngẩn ngơ" trước "nỗi nhà" . Nàng đành giữ lấy nỗi niềm riêng của mình , không biết nói với ai , chia sẻ với ai .
"Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn"
Trước khung cảnh dữ dội của "cõi mưa gió" , cơn bão tố trong lòng nàng cũng bùng lên dữ dội .Nàng tự trách mình và ân hận khi đã để chồng đi xa chỉ vì giấc mộng " lập công giương danh" . Giờ đây trở về với "buồng cũ chiếu chăn" , nàng lại nhớ đến thời gian hạnh phúc trước đây , lúc hai vợ chồng còn quấn quýt bên nhau như trăng với sao . Nghĩ lại những năm tháng cũ mà nàng cảm thấy ngậm ngùi , luyến tiếc. 
"Đoái trông theo đã cách ngăn 
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh "

Cố gắng trông theo nhưng không được . Cùng với không gian cao rộng , mênh mông bát ngát là hình ảnh con người nhỏ bé với nỗi niềm ắp đầy . Phải chăng nỗi niềm ấy đã cao ngút trời , hòa cùng với mây và trải rộng theo màu xanh bạt ngàn của núi? 
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
   Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
  Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
  Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng"
 "Hàm Dương" , "Tiêu Tương" là hai địa điểm cách nhau bởi một dòng sông . Vượt qua không gian , đôi vợ chồng trẻ vẫn hướng về nhau , vẫn chăm lo cho nhau ."Khói Tiêu Tương " chắc là một làn khói mờ nhạt , hư vô , tỏa ra từ chính nơi đóng quân của người chinh phu như một làn sương . Sương phải giăng trên những cành cây cũng như đôi vợ chồng quấn quýt bên nhau nhưng ở đây " cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng" . Khi đọc đến chữ "mấy" , ta cứ ngỡ đó là khoảng cách ít ỏi , nhưng tới chữ "trùng" lại gợi nên một khoảng cách dài lê thê , vô tận .
"Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
 Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai "
Nếu như những câu thơ trên là miêu tả tâm trạng trông mong , chờ đợi thì những câu thơ này lại cho thấy nỗi niềm tuyệt vọng dâng trào như con đường dài không có điểm dừng. "Xanh xanh những mấy ngàn dâu " là một thiên nhiên dầy sức sống , trái với nỗi niềm héo úa , tàn phai của người chinh phụ. "Ai sầu hơn ai?" ở đây cớ sự so sánh như làm tô đậm thêm nỗi buồn của người chinh phụ nói riêng cũng như nỗi niềm của cả những người phụ nữ trong xã hội thời bấy giờ nói chung.Chế độ phong kiến không làm cho cuộc đời người phụ nữ bất hạnh một cách trực tiếp mà : 
"Giết nhau chẳng cái lưu cầu
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa ?"
(Trích "Cung oán ngâm")

Bình giảng Phút chia ly

  • Nguyễn Phúc Hải Nguyên
 Chiến tranh lọan lạc đã gây bao nỗi đau khổ trong lòng người.Nỗi buồn sầu,tình thương nhớ,cảnh ngộ cô đơn của người vợ trẻ sau lúc tiễn chồng ra trận thật cảm động!Trong nỗi buồn của người vợ trẻ ấy còn chất chứa nỗi oán hận chiến tranh phi nghĩa làm hạnh phúc lứa đôi tan vỡ,đồng thời nỗi buồn ấy còn thể hiện niềm khát khao của người vợ muốn sống trong tình yêu thương,hạnh phúc trọn vẹn.Đó là tất cả những tâm tư,nỗi niềm được thể hiện trong đoạn thơ " Sau phút chia li " trích trong " Chinh phụ ngâm khúc " của Đặng Trần Côn.
     Mở đầu đọan thơ là âm thanh một tiếng sáo.Nhưng tiếng sáo này không phải là tiếng sáo tươi vui,tiếng sáo xuất hiện trong những bữa tiệc rượu hay tiếng sáo những lúc chia li của những người bằng hữu,mà ở đây là tiếng sáo từ xa vọng lại,tiếng sáo cho sự chia li của đôi vợ chồng trẻ.Kẻ đi người ở lại,tiếng sáo xuất hiện làm cho không gian bỗng trở nên não nùng hơn,hoang vắng hơn.Trong cái không gian ấy,hình bóng của một hàng cờ bay phất phơ,hình ảnh của người chồng ra chiến trường dần dần khuất sau những đám mây trên ngọn núi.Nhìn hình bóng chàng ra dần dần mờ nhạt đi,thiếp chỉ cỏn biết "ngẩn ngơ" trong muôn vàn tâm trạng.
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.
"Cõi xa mưa" và "buồng cũ chiếu chăn" là hai hình ảnh ẩn dụ ước lệ.Khi người xưa nói "cõi xa mưa gió" là để ngầm chỉ chiến trường nguy hiểm,còn buồng cũ chiếu chăn để chỉ cho tổ ấm trước đây của hai vợ chồng.Tuy trở về với mái ấm lúc xưa nhưng giờ đây đó lại là một mái ấm hạnh phúc cô đơn.Vì sao ư?Vì hiện thực của cuộc sống quá phũ phàng,hiện thực của một cuộc chia li,của một sự xa cách khắc nghiệt.Tiễn chồng ra đi nơi chiến trường khốc liệt,người vợ trở về tổ ấm cũ trong sự lẻ loi đơn chiếc.Lúc này,người vợ trẻ mới thấm thía được nỗi cô đơn.Người vợ đóai trông theo hình bóng chủa chồng mình chỉ thấy mây biếc núi xanh.ở đây ta thấy nỗi sầu chia li nặng nề,nỗi buồn ấy như phủ lên màubiếc của từng mây,như trải lên màu xanh của núi ngàn.hai hình ảnh mây biếc,núi xanh ở đây chỉ cho sự xa cách."Tuôn màu mây biếc","trải ngàn núi xanh" gợi nên nét mênh mang vần vũ của thiên nhiên.Nỗi buồn chia li thêm da diết,rộng lớn tưởng đến không cùng.Nỗi buồn đã tăng dần,trở thành nổi sầu muộn dâng lên tràn ngập trong lòng người đi kẻ ở.
     Ta thấy trong bốn câu tiếp theo,tác giả đã sử dụng những địa danh ở Trung Quốc:Hàm Dương,Tiêu Tương tượng trưng chosự xa cách của dôi vợ chồng.Cũng như ở bốn câu thơ đầu,ta cũng gặp những hình ảnh đối lập "chàng ngoảnh","thiếp trông".Tuyphải xa nhau nhưng tình cảm của đôi vợ chồng vẫn còn sâu nặng.Chiến tranh phong kiến không chỉ làm cho huynh đệ tương tàn mà còn đẩy bao gia đình vào cảch ly tán,vợ chồng muốn sôang bên nhau trọn đời hạnh phúc má phải chia xa.Bằng những hình ảnh tương phản đối lập với các điệp từ và đảo vị trí của hai địa danh,tác giả muốn chia đều cảm xúc của hai người,nhấn mạnh nỗi sầu xa cách.Đọc bốn câu này ta thấy tình cảm nhớ thương cứ tăng, tăng dần.Điều đó cho thấy sự chia li ở đây không chỉ là sự chia li về thể xác mà nó còn là sự chia li về tâm hồn.Tuy xa cách nhưng họ vẫn hướng về nhau để tìm thấy,để mãi mãi nhìn thấy nhau.cáng hướng về nhau thì không gian lại càng làm họ xa cách nhau.
     Ở bốn câu cuối,nỗi buồn chia li đã trở thành một khối sầu thuơng nặng trĩu trong tam hồn người chinh phụ.Mọi địa điểm vị trí của câu thơ trước đều bị nhòa mờ đi.Chỉ còn lại những hàng dâu nốii nhau xanh xanh rồi xanh ngắt,xanh đến rộn ngộp,xanh đến não nề,nhứt buốt tận đáy lòng.Để đến cuối cùng người chinh phụ phải thốt lên một lời kêu:'Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?".Như vậy đến lúc náytác giả không tả cảnh ngụ tình nữamà đã chuyển sang tả trực tiếp vào tâm trạng của người chinh phụ,và dường nhu đó cũng là chính tâm sự của tác giả Từ sầu trong câu cuối như đúc kết lại tất cả những cung bậc tình cảm ở những câu trên.Đó là nỗi buồn biệt li đã trở thành nỗi sầu trong lòng người vợ trẻ.


  • Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Lớp 10V
Đề : Bình giảng đoạn thơ cảnh chia ly (câu 49 – câu 64)

     Mở đầu đoạn thơ là âm thanh của tiếng sáo vang vọng cùng hình ảnh “cờ bay phấp phới” của nơi chiến trận xa xôi. Người chinh phu phải ra trận ở chốn xa vời, mịt mùng, không biết khi nào mới trở lại “theo lớp mây đưa”. Để rồi tâm trạng, nỗi niềm người chinh phụ ở nhà càng thêm xót xa, “ngẩn ngơ”, “ nhìn rặng núi” chốn xa kia mà lòng không biết được ngày nào chồng mình mới trở về. Người chinh phu phải dấn thân ra chiến trường, đến một nơi nguy hiểm “cõi xa mưa gió”, chỉ còn người vợ ở nhà quanh đi quẩn lại trong khuê phòng “buồng cũ chiếu chăn”. Đó là kỷ niệm gắn với một thời lứa đôi hạnh phúc của hai vợ chồng, thế nhưng giờ đây tất cả đã là dĩ vãng, đã là quá khứ, để người vợ mòn mỏi trông đợi bóng chồng. “Đoái trông” thể hiện sự tiếc nuối,cố gắng níu kéo, tìm kiếm trong vô vọng bóng dáng ngày nào, hạnh phúc ngày nào đã mãi xa vời. Cả một màu “mây biếc” nối tiếp “núi xanh” như làm trải dài ra khoảng cách xa vợi ấy, như là thử thách lòng người vậy. Hình ảnh ước lệ của “chốn Hàm Dương” và “bến Tiêu Tương” đã phần nào cho thấy sự xa cách rộng lớn về mặt không gian. Người ở, người đi đều trĩu nặng trong lòng nỗi sầu nhớ thương, chàng chốn Hàm Dương còn ngoảnh lại, thiếp bến Tiêu Tương hãy trông sang, đó là tất cả tình cảm nhớ nhung da diết của hai vợ chồng dành cho nhau, dù cho có ở “mấy trùng xa cách”. Thế nhưng những tưởng có thể trông thấy nhau thì tất cả chỉ là trong mong ước mà thôi. “Cùng trông mà lại cùng chẳng thấy” làm cho người chinh phu, chinh phụ càng thêm buồn tủi, trông ngóng trong vô vọng, nỗi nhớ mòn mỏi hiện rõ trong màu “xanh xanh” của “mấy hàng dâu”. Ở đây thể hiện sự xa cách trùng trùng điệp điệp qua hình ảnh ước lệ “hàng dâu”. Cái sắc từ “xanh xanh” đến  “xanh ngắt” ấy làm cho nỗi mong nhớ thêm khắc khoải mỏi mòn, màu xanh bạt ngàn ngút mắt bao trùm lấy người chinh phụ, khắc sâu thêm nỗi buồn mong nhớ của nàng, nỗi mong nhớ như trải dài ra mãi, lòng chàng và lòng thiếp không biết “ai sầu hơn ai”.

Bình giảng đoạn trích cảnh chia ly

  •  Hồ Minh Tú


Buổi biệt li, lòng người chinh phụ xốn xang những nỗi mơ hồ. Nàng nhìn đâu cũng thấy cảnh vật nhuốm màu tang thương. Tiễn chàng đi chinh chiến là tiễn chàng đến chốn sa trường hiểm ác,nàng có biết đâu ngày đôi lứa trùng phùng. Tiếng địch sáo văng vẳng đâu đây nghe thật não nùng, vọng lại trong không gian trống trải,”phất phơ”bóng cờ ngóng trông, thảm đạm xiết bao! Dấu chàng xa dần khuất theo làn mây đưa để thiếp nơi đây trào dâng nỗi ngậm ngùi.Mà rặng núi kia sao nỡ làm người chinh phụ “ngẩn ngơ”, ta thấy như ánh mắt nàng đang đau đáu không rời. Một viễn ảnh hiện ra trước mặt, người chinh phụ không còn niềm ảo tưởng về một tương lai hạnh phúc nữa mà là “ chàng thì đi cõi xa mưa gió- Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn”. Điệp ngữ “thì…thì” được nhắc lại hai lần hiện rõ nỗi ám ảnh đang dày vò người chinh phụ: cảnh tượng dữ dội,ác liệt mà chồng nàng phải đối mặt và nỗi cô đơn hiu quạnh bám riết lấy nàng.. “Chàng ngoảnh lại, thiếp hãy trông sang”,đôi trai gái bịn rịn, lưu luyến không muốn người yêu hút dần trong tầm mắt nhưng biết sao nỗi mênh mông của trời đất cách ngăn. Không gian rợn ngợp,triền miên trong âm điệu kéo dài thê thiết “tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh” mất hút vào hư không. Tác giả đã rất khéo léo khi sử dụng những địa danh mang tính ước lệ để gợi tả cho tâm trạng người chinh phu lẫn chinh phụ. Hàm Dương-Tiêu Tương, hai chốn cách xa thăm thẳm,hai trái tim rạn nứt đau thương.Thủ pháp đảo từ đã khắc họa rất tinh tế nỗi lòng đầy xáo trộn,chất chứa những lo sợ, tiếc nuối,xót xa, buồn tủi của người chinh phụ. Nhưng ngần ấy vẫn chưa đủ , màu xanh của “ mấy ngàn dâu” từ xanh xanh lại biến thành xanh ngắt,một màu sắc lạnh lẽo đến thấu tim. Dường như nó còn là nỗi tê tái,khắc khoải khiến tâm trạng người chinh phụ rối bời, không thể tìm ra lối thoát khỏi mê cung thăm thẳm “xanh”. Để rồi trong giây phút nỗi niềm dồn nén đền cực điểm nàng phải buột miệng thốt lên câu hỏi từ đáy lòng: “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”. Hỏi chỉ để lòng bớt nặng trĩu chứ đâu chờ đợi câu trả lời, vì ở phương xa kia chàng có nghe thấu cho? Phút biệt li thấm đẫm sầu thương,bao tâm tư của nhân vật như gởi cả vào lời thơ thắm thiết. Phải là một người đầy lòng nhân đạo và phẩm chất tài hoa,tác giả  mới thấu hiểu và diễn đạt tâm tình người chinh phụ sâu sắc đến thế.

Bình giảng Phút chia ly


  • Đỗ Lê Bảo Duyên
Văn học trung đại đã có biết bao bài thơ hay nói về những cuộc chia li nhuốm đầy tâm trạng đau khổ , lưu luyến , bịn rịn không thể nguôi trong lòng kẻ ở , người đi . Cảnh chia li của đôi vợ chồng trẻ trước khi người chồng ra trận cũng vậy. Ở đó chất chứa biết bao nỗi niềm sầu thương , đau khổ , dằn vặt của người chinh phụ khi phải nhìn theo bóng chồng dần mờ mịt theo từng lớp mây đưa ....


Mở đầu đoạn trích là khung cảnh vắng lặng , mênh mông , nhuốm đãm tâm trạng , nỗi niềm . Đoàn quân đã xa lắm rồi , tiếng địch chỉ còn là những âm thanh vang vọng trong không gian , những hàng cờ giờ chỉ là những chiếc bóng xa mờ giữa mù khơi ... Người chinh phu đã bước ra chiến trường với khát vọng "công ,hầu ,khanh ,tướng" để lại người vợ trẻ với nỗi cô đơn, bơ vơ đang dày vò , xâu xé tâm can . Khi tất cả đã dần tan biến , chỉ còn lại người chinh phụ đối diện với chính mình , với sự cô đơn vò võ , bàng hoàng ngơ ngẩn trước cảnh vật mang đậm màu nhớ thương. Nàng nhìn dải mây , ngọn núi xanh biếc mà lòng chợt đượm buồn:
"Dấu chàng theo lớp mây đưa
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà"
Nàng dõi theo hình bóng chồng với nỗi niềm lẻ loi, đơn chiếc . Hình bóng người chồng như dần tan theo những áng mây xa mờ kia , chỉ còn lại nàng bơ vơ "phòng không chiếc bóng" mà buồn ngẩn ngơ về nỗi cô đơn riêng mình. Lớp mây , rặng núi kia sao nỡ tàn nhẫn chia đôi mối tình đẹp đẽ vừa mới chớm nở? Nhưng dẫu vậy , đôi vợ chồng trẻ luôn hướng về nhau , lo lắng cho nhau dù cách xa nghìn trùng . Người chinh phu ở ngoài chiến trường có lẽ đang lo lắng cho vợ , cũng giống như người vợ đang lo lắng cho chồng ở " cõi xa mưa gió" với bao hiểm nguy , bất trắc có thể rình rập bất cứ lúc nào . Người chồng ra đi , để lại nàng thui thủi bên "buồng cũ chiếu chăn" lạnh ngắt , trống vắng đến vô cùng . Cũng buồng cũ đó , chiếu chăn đó nhưng giờ chỉ còn lại nàng với nỗi buồn mong nhớ , chỉ biết ngày đêm trông ngóng về nơi xa xôi , mong được nhìn thấy hình bóng của chồng , dù đã bị mây núi che khuất :
"Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh"
Bút pháp ước lệ được sử dụng khá thành công ở hai câu thơ trên như càng tô đậm thêm nỗi niềm sầu muộn của nàng. Nỗi buồn , niềm thương nhớ của người chinh phụ như hòa vào trong không gian , trải ra như ngàn núi , phủ kín cả trời như mây , để rồi chất chứa cùng năm tháng. Nàng biết, ở bên kia chiến tuyến , người chồng cũng đang dõi đau đáu đôi mắt hướng về phía quê nhà, cũng với biết bao tâm trạng rối bời, đau khổ , mong nhớ. Đôi vợ chồng trẻ ở trong hoàn cảnh thật đáng thương! Kẻ ra đi , người ở lại nhưng vẫn cố "ngoảnh lại", "trông sang" , để mong được nhìn thấy nhau , thỏa nỗi mong nhớ chất chứa trong lòng:
"Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng..."

Hàm Dương và Tiêu Tương , nơi hai dòng sông chia lìa đôi ngả không có điểm gặp nhau nào , cũng giống như người chinh phu và chinh phụ giờ đây đã cách nhau đến nghìn trùng muôn dặm . "Tiêu Tương" và "Hàm Dương" kia vô tình đã làm khoảng cách giữa đôi vợ chồng trẻ càng tăng thêm. Họ giờ đây chỉ còn biết gởi niềm thương nhớ vào trong cảnh vật , mong được đến ngày gặp lại , vợ chồng sum họp , tận hưởng hạnh phúc bên nhau . Nhưng hiện thực cuộc sống tréo ngoe làm lòng người đau khổ . Nỗi buồn thương , day dứt đọng lại trong hai tâm hồn như chất chứa , dồn nén để rồi trào ra giữa nương dâu xanh mướt :
"Cùng trông lại mà cũng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu,
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?"

"Xanh xanh " là từ láy chỉ màu sắc gợi nên sự trùng điệp của "biết mấy ngàn dâu" . Màu xanh lạnh buốt tê tái cõi lòng , chất tầng tầng lớp lớp như chính nỗi niềm của đôi chinh phu - chinh phụ . Dường như ở họ có sự gặp gỡ , đồng điệu giữa cảm xúc và tình cảm , khi đã "cùng trông lại" để mong chờ một điều gì đó thân quen nhưng lại quá xa xăm bởi không gian ngăn cách quá lớn khiến họ không thể thoát ra khỏi chuỗi cảm xúc buồn thương ,mong nhớ . Càng cố mong ngóng, cố hy vọng khi "cùng trông lại" thì họ lại càng tuyệt vọng khi "cùng chẳng thấy" , thay vào đó là những nương dâu xanh ngắt nối tiếp nhau chất chứa nỗi niềm đau khổ , mong mỏi của người ở lại nhìn ra chân trời xa xăm mong tin chồng . Giữa không gian mênh mông bao la, nỗi niềm người chinh phụ đối diện với chính mình , với nỗi cô đơn , đau khổ không biết tỏ cùng ai , bất chợt bật ra thành lời như mang theo sự trách móc số phận , mang theo nỗi niềm bi thương :"Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?" . Câu hỏi vọng lên từ đáy lòng người chinh phụ thể hiện tâm trạng cô đơn , lẻ loi , mong nhớ của mình , nhưng cũng đồng thời cũng là câu hỏi chất vấn tầng lớp thống trị đương thời, lên án chiến tranh phi nghĩa đã gây ra bao đau khổ , vùi dập hạnh phúc lứa đôi và khát vọng sống trong tình yêu và hạnh phúc của con người.
Cả đoạn trích hiện lên chỉ với một chữ "sầu" . Nỗi sầu khi người phụ nữ phải lìa xa chồng , một mình đối diện với nỗi cô đơn đáng sợ, thui thủi với nỗi niềm bơ vơ , mong nhớ của mình . Nhưng cũng đồng thời qua đó gợi niềm thương cảm đối với số phận người chinh phụ và thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nhớ chồng tha thiết ...