CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Bình giảng đoạn trích cảnh chia ly

  •  Hồ Minh Tú


Buổi biệt li, lòng người chinh phụ xốn xang những nỗi mơ hồ. Nàng nhìn đâu cũng thấy cảnh vật nhuốm màu tang thương. Tiễn chàng đi chinh chiến là tiễn chàng đến chốn sa trường hiểm ác,nàng có biết đâu ngày đôi lứa trùng phùng. Tiếng địch sáo văng vẳng đâu đây nghe thật não nùng, vọng lại trong không gian trống trải,”phất phơ”bóng cờ ngóng trông, thảm đạm xiết bao! Dấu chàng xa dần khuất theo làn mây đưa để thiếp nơi đây trào dâng nỗi ngậm ngùi.Mà rặng núi kia sao nỡ làm người chinh phụ “ngẩn ngơ”, ta thấy như ánh mắt nàng đang đau đáu không rời. Một viễn ảnh hiện ra trước mặt, người chinh phụ không còn niềm ảo tưởng về một tương lai hạnh phúc nữa mà là “ chàng thì đi cõi xa mưa gió- Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn”. Điệp ngữ “thì…thì” được nhắc lại hai lần hiện rõ nỗi ám ảnh đang dày vò người chinh phụ: cảnh tượng dữ dội,ác liệt mà chồng nàng phải đối mặt và nỗi cô đơn hiu quạnh bám riết lấy nàng.. “Chàng ngoảnh lại, thiếp hãy trông sang”,đôi trai gái bịn rịn, lưu luyến không muốn người yêu hút dần trong tầm mắt nhưng biết sao nỗi mênh mông của trời đất cách ngăn. Không gian rợn ngợp,triền miên trong âm điệu kéo dài thê thiết “tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh” mất hút vào hư không. Tác giả đã rất khéo léo khi sử dụng những địa danh mang tính ước lệ để gợi tả cho tâm trạng người chinh phu lẫn chinh phụ. Hàm Dương-Tiêu Tương, hai chốn cách xa thăm thẳm,hai trái tim rạn nứt đau thương.Thủ pháp đảo từ đã khắc họa rất tinh tế nỗi lòng đầy xáo trộn,chất chứa những lo sợ, tiếc nuối,xót xa, buồn tủi của người chinh phụ. Nhưng ngần ấy vẫn chưa đủ , màu xanh của “ mấy ngàn dâu” từ xanh xanh lại biến thành xanh ngắt,một màu sắc lạnh lẽo đến thấu tim. Dường như nó còn là nỗi tê tái,khắc khoải khiến tâm trạng người chinh phụ rối bời, không thể tìm ra lối thoát khỏi mê cung thăm thẳm “xanh”. Để rồi trong giây phút nỗi niềm dồn nén đền cực điểm nàng phải buột miệng thốt lên câu hỏi từ đáy lòng: “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”. Hỏi chỉ để lòng bớt nặng trĩu chứ đâu chờ đợi câu trả lời, vì ở phương xa kia chàng có nghe thấu cho? Phút biệt li thấm đẫm sầu thương,bao tâm tư của nhân vật như gởi cả vào lời thơ thắm thiết. Phải là một người đầy lòng nhân đạo và phẩm chất tài hoa,tác giả  mới thấu hiểu và diễn đạt tâm tình người chinh phụ sâu sắc đến thế.

1 nhận xét:

  1. Đây mới chỉ là "cảm", chưa phải là "bình"! Lưu ý khai thác chi tiết, nêu bật nét độc đáo trong nghệ thuật diễn đạt tâm trạng!

    Trả lờiXóa