CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Tư liệu Xuân Diệu và Chế Lan Viên

Sự khác nhau trong quan niệm về thơ của
Xuân Diệu và Chế Lan Viên
Nguyễn Văn Khánh
Trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, không có trào lưu văn học nào đủ sức làm nên Một thời đại trong thi ca (lời tổng kết của Hoài Thanh) như phong trào Thơ mới (1932-1945). Sở dĩ tác phẩm có được điều đó là do số lượng và chất lượng đặc biệt phong phú, mới mẻ và độc đáo của các tác giả, tác phẩm thơ. Mỗi hiện tượng thơ dù trong quá khứ hay đang hiện hữu trên thi đàn, nếu thực sự có giá trị thì luôn tạo được sự hấp dẫn đối với công chúng và sự quan tâm luận bàn của thế giới nghiên cứu. Xuân Diệu và Chế Lan Viên là những nhà thơ như thế.
Cả hai ông đều là những nhà thơ lớn của nền thơ ca hiện đại Việt Nam thế kỷ XX mà sự tìm hiểu nghiên cứu vẫn nằm trong hệ thống mở, nó như một dòng chảy dạt dào không bao giờ ngừng nghỉ. Sự nghiệp văn học của hai ông mang một nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt cơ sở cho việc xây dựng nền lý luận thơ ca hiện đại Việt Nam ở cả hai phương diện lý luận và thực tiẽn sáng tác.
Những điều hay, vẻ đẹp, nét độc đáo trong thơ của hai ông đã được phân tích nghiên cứu ở nhiều cấp độ và bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tất cả đều đã đem đến những đóng góp khám phá mới đầy lý thú, trong đó có vấn đề quan niệm về thơ. Quan niệm về thơ thực chất là cách nhìn nhận đánh giá, cách hiểu về bản chất, chức năng, nhiệm vụ, mục đích của thi ca. Vậy quan niệm về thơ bộc lộ ở đâu và bộc lộ như thế nào qua hai nhà thơ lớn Xuân Diệu và Chế Lan Viên?
Thực tế cho thấy: quan niệm về thơ được bộc lộ khá rõ nét qua thơ, qua các bài phê bình tiểu luận, thậm chí ngay ở trong những lời trao đổi mạn đàm... của chính nhà thơ đó. Tuy ở mỗi thể loại, quan niệm về thơ bộc lộ với dáng vẻ và diện mạo khác nhau, nhưng xuyên chuỗi lại ta thấy nổi lên những quan điểm nhất quán mang tính quy luật trong quan niệm nghệ thuật của từng tác giả cụ thể.

Tư liệu Nguyễn Bính

Nguyễn Bính và hành trình đi tìm cái đẹp
Trần Thị Trâm
Trong Phong trào thơ Mới, “Xuân Diệu là người “mới nhất”, Hàn Mạc Tử “lạ nhất” và Nguyễn Bính “quê nhất” (1). Chính cái hương quê đậm đà ấy đã làm nên sức hấp dẫn của thơ ông:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
(Mưa xuân)
Dù trong giai đoạn nào, thơ Nguyễn Bính cũng đạt kỷ lục về xuất bản và vẫn chiếm được nhiều cảm tình của độc giả. Ngay cả hôm nay, sau những giờ làm việc căng thẳng, nhiều người lại lặng lẽ tìm về với những vần thơ trong lành, thánh thiện của ông như một sự ngơi nghỉ cho tâm hồn trở nên thanh tĩnh, để được sống lại trong khung cảnh xóm thôn yên ấm hòa mục, trong bầu khí quyển của văn hóa dân gian nghìn đời và được ru lòng mình trong điệu hồn dân tộc:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
(Chân quê)