CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

Tính ước lệ trong hai đoạn trích: "Chinh phụ ngâm khúc" và "Cung oán ngâm khúc"

  •     Thùy Trang - Ngoc Quý- 10V
   Đất nước Việt Nam bé nhỏ xinh xinh với những lũy tre làng đơn sơ, mộc mạc, những cánh đồng bát ngát, mênh mông đã đi vào trong lòng mỗi người dân đất Việt những tình cảm thiết tha, yêu mến, tự hào. Đất nước ta đẹp không phải chỉ với những cảnh quan ấn tượng, những trang sử vàng chói lọi mà nó còn đẹp bởi:
"Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
        Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn"
    Những áng văn hay, những bài thơ tuyệt đẹp đã được viết nên bằng những trái tim tràn đầy nhiệt huyết với quê hương, Tổ quốc mình. Để làm nên những thành công ấy cần có sự đóng góp không nhỏ của tính ước lệ trong văn học trung đại.
   "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn (dịch giả Đoàn Thị Điểm ?), "Cung oán ngâm" của Nguyễn Gia Thiều là những áng văn hay đã khắc họa sâu sắc cuộc sống cay đắng, khổ đau, lẻ loi, đơn độc của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy biến động. Sự đau thương, mất mát, cái đẹp bị lãng quên đã được các tác giả khắc họa thành công bằng bút pháp ước lệ tượng trưng.
     Văn chương là sản phẩm được kết tinh từ những quá trình nhận thức hiện thực và sáng tạo của các tác giả. Bởi thế mà các tác phẩm đã phản ánh sâu sắc cuộc sống của mỗi con người, và những suy nghĩ, nhận thức của họ. Văn chương trung đại với những khuôn vàng thước ngọc, tính quy phạm đã gò bò sự sáng tạo của con người vào trong những chuẩn mực, quy định. Vì vậy mà các tác phẩm đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng thời đại, những chuẩn mực đạo đức và các đạo giáo (Nho, Phật, Lão) đã đi vào thi ca, chi phối vũ trụ quan và nhân sinh quan của mỗi con người. Tất cả được kết tinh lại trong tính ước lệ, và nó đã trở thành những mẫu số chung cho các hình tượng văn học.
     Con người thời trung đại sùng cổ thường hoài niệm về quá khứ hơn là hướng về tương lai. Bởi vậy mà những quan niêm thời xưa đã ăn sâu vào nhận thức con người, và các tác giả đã vận dụng nó vào trong sản phẩm của mình. Quan niệm thời gian, không gian cũng mang theo những đặc điểm ấy. Nó là những chu kỳ tuần hoàn khép kín, mà trong đó, các sự vật không vận động, không phát triển. Cùng với thời gian luyến tính, không gian được sắp xếp theo thứ bậc, lớp lang, có quan hệ tương ứng. Từ đó, trong văn chương cũng xuất hiện các hình ảnh ước lệ tượng trưng. Các hình ảnh thiên nhiên "hoa - điểu", các mùa trong năm "xuân - hạ - thu - đông", cùng với các hiện tượng "ngày - đêm" đã đi vào thơ ca và trở thành những ước lệ quen thuộc. Để rồi đem đến cho người đọc những bức tranh sống động, hài hòa với nội tâm con người:
"Cảnh buồn người thiết tha lòng
      Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun"
                      (Chinh phụ ngâm)
   Trong hoàn cảnh xa cách, nỗi nhớ thương dâng đầy tâm trạng, người chinh phụ nơi phòng khuê đau khổ, bẽ bàng. Cảnh vật trong mắt nàng giờ đây cũng nhuốm đầy tâm trạng, nó như mang theo nỗi ngậm ngùi, cay đắng trải dài ra vô tận. Không gian ấy mang đầy những nỗi bi thương, xuất hiện với ấn tượng đầu tiên là một màu trắng xóa. Làn sương hiện ra không còn cái vẻ mơ hồ, huyền ảo, mà nó "đượm" trên cây như mang theo cái nặng trĩu của tâm hồn người chinh phụ. Những giọt sương ấy đem đến cái lạnh lẽo, giá băng, xuyên thấm vào tâm tư, cảm giác của con người, khiến nàng thấm thía sự cô đơn, trống trải hơn bao giờ hết. Và những trận mưa phun lại tiếp tục đem đến một cái lạnh tê tái cho con người. Sương - mưa, cảnh thật hay cảnh ảo? Mưa rơi trước mắt hay đang nhỏ giọt trong lòng người chinh phụ cô đơn, bẽ bàng duyên số? Bởi vậy mà:
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"
                                   (Truyện Kiều - Nguyễn Du)
    Một buổi chiều tà man mác, một mùa thu nhạt nhòa hay một mùa đông lạnh giá, tất cả đã trở thành những hình ảnh ước lệ quen thuộc trong thi ca cổ điển Viêt Nam. Và giờ đây, Nguyễn Gia Thiều lại tiếp tục vận dụng những hình ảnh ấy thật độc đáo:
"Lầu Tần, chiều nhạt vẻ thu
    Gối loan tuyết đóng, chăn cù gió đông"
    Buổi chiều với ánh nắng nhạt nhòa dần dần tắt bóng sau những rặng núi xanh đã đem đến cho con người một nỗi buồn thấm thía, như gợi báo những sự mất mát, chia li. Và buổi chiều ấy đã khắc họa sâu sắc tâm trạng cô đơn của người cung nữ bị lãng quên trong tiềm thức, bị chôn vùi cùng quá khứ vàng son. Thu - đông, các mùa lặng lẽ trôi qua như thời gian đang điểm bước, như tuổi thanh xuân của con người đang chầm chậm trôi đi. Không những thế, mùa thu với nỗi buồn man mác, mùa đông với cái lạnh giá băng đã trở thành những biểu trưng quen thuộc cho tâm trạng con người. Để rồi hai câu thơ hiện lên với tất cả sự mất mát, bàng hoàng, với cái lạnh thấu xương vây kín tâm tư người cung nữ. Và rồi, bóng đêm của tuổi già trùm xuống, lấy đi vẻ thanh xuân cùng tình yêu tuổi trẻ của nàng. Không gian buổi chiều với ánh nắng nhạt nhòa, mùa thu buồn với "lá vàng trước gió" gợi lên một sự sống mỏng manh đang dần tắt lịm, mùa đông tuyết rơi lạnh lẽo vẽ lên không gian một màu trắng tang tóc, buồn thương. Tất cả như đóng khung tâm trạng con người, để rồi tâm hồn người cung nữ chìm đắm trong sầu - hận.
    Bên cạnh những hình ảnh ước lệ lấy thiên nhiên để biểu hiện thời gian là cách xây dựng không gian bốn bề đông - tây - nam - bắc. Và sự thiết lập không gian gần - xa cũng đã trở nên quen thuộc trong văn chương trung đại:
"Giọt sương phủ bụi chim gù
    Sâu tường kêu vắng, chuông chùa nên khơi"
    "Sâu tường", âm thanh gần rả rích đâu đây như khuấy động tâm tư người chinh phụ. Tiếng kêu ấy gợi nên bao sự thản thốt, bao hoang mang chất chồng mà thời gian xa cách đã làm cho nó thêm trĩu nặng. Tiếng chuông chùa từ xa vọng lại như đưa con người chìm vào cõi hư vô. Để rồi, từ sự kết hợp giữa không gian gần - xa, sự hòa quyện giữa thê lương và mơ mộng đã đẩy con người vào tình cảnh xót xa, tê tái. Tâm hồn muốn thanh thản, bình yên mà không thể được. Người chinh phụ muốn quên đi những ưu tư, vướng bận. Thế nhưng, càng quên lại càng nhớ, bóng hình chinh phu cùng hiện thực xa cách cứ hiện diện trong tâm trí nàng, làm hồn nàng hoang mang, xáo động. Phải chăng lúc này đây, người chinh phụ đang thèm khát được quay về với hạnh phúc ngày xưa "Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ". Thế nhưng, hiện thực phũ phàng  đã đẩy con người vào trường ca bi kịch, để rồi những hoài niệm về quá khứ, những hạnh phúc lứa đôi như vỡ tan tành? Sự kết hợp giữa không gian xa - gần đã làm cho nỗi nhớ của người chinh phụ trải dài ra theo khoảng cách. Và nỗi nhớ ấy cứ như từ chốn phòng khuê lan tỏa đến nơi có tiếng chuông chùa, để rồi từ đó vỡ òa ra giữa không gian mênh mông, đất trời rộng lớn.
     Quan niệm về thời gian, không gian cũng đã chi phối những nhận thức về con người. Nếu không gian được phân chia thành thượng - trung - hạ, thì con người được xếp vào các loại quân tử - tiểu nhân. Con người thời trung đại sống gắn liền với những quan niệm, đạo lí "tam cương ngũ thường". Kẻ làm trai phải tránh xa nữ nhi thường tình để thỏa chí tang bồng, phải soi mình vào tấm gương tiền nhân mà phò vua giúp nước. Kẻ sĩ cần phải giữ mình trong sạch "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất". Nữ nhi phải soi mình vào tấm gương liệt nữ, "công dung ngôn hạnh", "tam tòng tứ đức". Những phẩm chất này đã trở thành chuẩn mực, quy định đạo đức của con người phong kiến. Nó tạo thành một vòng cương tỏa mà con người  phải nép mình trong đó và không có quyền được thay đổi. Do vậy, hình tượng con người trong văn chương cũng mang tính ước lệ.
      Hình ảnh người chinh phụ trong "Chinh phụ ngâm" cùng người cung nữ trong "Cung oán ngâm khúc" là hình ảnh biểu trưng cho lòng chung thủy sắt son của những người phụ nữ. Trong cảnh khói lửa chiến trường, tương lai mù mịt, người chinh phụ vẫn ngóng trông tin tức chồng với tất cả lòng thiết tha, mong mỏi:
"Ngoài rèm thước chẳng mách tin
  Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?"
      Hình ảnh chim thước báo tin vui đã trở thành một hình tượng ước lệ trong thơ ca. Nó như đem niềm vui về với mọi gia đình, kéo gần khoảng cách giữa người đi kẻ ở. Dường như ta nhận thấy ở đây hình ảnh một người phụ nữ đang khắc khoải nhớ thương, từng phút từng giây trông chờ bóng hình quen thuộc. Khoảng cách và thời gian đã làm cho nàng mỏi mòn, héo úa để rồi giờ đây, tất cả niềm nhớ thương, đợi chờ chỉ còn biết gửi gắm vào một con chim bé nhỏ. Thế nhưng, niềm hi vọng duy nhất cũng đã ngoảnh mặt làm ngơ với nàng "thước chẳng mách tin". Giữa nỗi niềm cô đơn không bờ bến, giữa không gian lấp đầy sự tuyệt vọng, tưởng chừng như người chinh phụ sẽ bỏ cuộc, quên đi tình yêu thiết tha, mặn nồng của mình. Nào ngờ, tấm thân mảnh mai ấy vẫn khắc sâu mối tình chung thủy, ôm trong mình một mối tình riêng, đợi chờ dù dòng thời gian vẫn đang trôi chảy "lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi".
     Người cung nữ trong "Cung oán ngâm" cũng thế. Mặc dù bị đấng cửu trùng lãng quên, bị bỏ mặc cho thời gian âm thầm điểm sương trên mái tóc, nàng vẫn tha thiết yêu vua và hoài niệm về quá khứ hạnh phúc bên Người:
"Chiều ủ dột giấc mai khuya sớm
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ"
   "Hồn bướm mơ tiên" đã trở thành một điển tích quen thuộc trong thi ca Việt Nam. Trong khoảnh khắc ngột ngạt ở chốn hậu cung, bị giam hãm trong không gian lẻ loi mênh mông, người cung nữ mơ được siêu thoát, hay giấc mơ hóa bướm là giấc mơ hạnh phúc để "điệp luyến hoa"??
    "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có" (Nam Cao). "Chinh phụ ngâm khúc" và "Cung oán ngâm khúc" là những áng thơ hay, lẽ nào lại không đạt được những điều như Nam Cao đã nói? Chính sự sáng tạo của các tác giả đã phá vỡ đi tính ước lệ trong văn học trung đại. Hình ảnh người cung nữ nơi thâm khuê không chỉ được khắc họa với nỗi sầu, với tình yêu chung thủy, nàng còn đươc thể hiện trong cảm xúc oán hận nhà vua khi đã lãng quên tình yêu, tuổi thanh xuân của nàng
                 "Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ
                   Xe thế này có dở dang không
                   Dang tay muốn dứt tơ hồng
                   Bựt mình muốn đạp tiêu phòng mà ra"
     Dường như ta nhận thấy ở đây hình ảnh một người phụ nữ nổi loạn, đang gào thét, phá tan tất cả. Chẳng còn nữa hình ảnh một người cung nữ thiết tha, nồng thắm, ôm sầu riêng theo từng ngày từng tháng, mà xuất hiện ở đây là một con người uất hận đến tột cùng, nỗi niềm căm phẫn dâng lên đến cao độ. Những chuẩn mực phong kiến "công dung ngôn hạnh", "tam tòng tứ đức" đã lùi đằng sau, nhường chỗ cho tâm trạng con người. Điều đó đã làm phong phú thêm tâm hồn người phụ nữ và đóng góp vào sự thành công của các tác giả.
      Bên cạnh đó, quan niệm về cái đẹp cũng là cơ sở thẩm mĩ của tính ước lệ. Con người thời phong kiến cho rằng  người xưa có những quan niệm thẩm mĩ mà ngày nay không thể nào có được. Bởi vậy, tính sùng cổ đã hình thành và ảnh hưởng sâu sắc đến văn học đương thời. Con người thời đó "thuật nhi bất tác", chỉ hướng về quá khứ, hoài niệm về thế kỉ vàng son mà không hề hướng tầm mắt đến tương lai. Bởi vậy, các hình ảnh biểu trưng quen thuộc đã được lặp đi lặp lại nhiều lần và trở thành mẫu số chung cho văn học sau đó. Khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ, có những hình ảnh quen thuộc:
"Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa xẻ héo cành khô"
                 (Chinh phụ ngâm)
 Hay:
"Hoa này bướm nỡ thờ ơ
               Để gầy bông thắm, để xơ nhị vàng"
                                  (Cung oán ngâm khúc)
"Liễu" - người phụ nữ mong manh yếu đuối, "ngô" người phụ nữ mộc mạc chân tình được đặt trong hai câu thơ tạo nên một sự kết hợp hài hòa của hình tượng người phụ nữ "liễu" - "ngô" được đặt trong sự đăng đối làm hoàn thiện hơn hình ảnh con người. Và đúng như tính chất của liễu - ngô, người phụ nữ mảnh mai dễ bị tổn thương, hư hao bởi "sương", "tuyết". Sự cô đơn lạnh lẽo (sương) cùng  với tuổi già tàn phai sắc thanh xuân (tuyết) đã làm cho người chinh phụ héo hon, gầy mòn, chết dần theo năm tháng trôi mau. Hình ảnh người phụ nữ cũng được đặt trong sự tương quan với hoa. Nó gợi lên một nhan sắc hương trời làm rung động lòng người. Nhưng cũng như hoa sớm nở tối tàn, vẻ đẹp ấy rồi cũng sẽ tàn phai sẽ bị lãng quên theo dòng đời trôi chảy. Niềm tự hào, tình yêu của nàng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi để rồi khi đóa hoa tàn đi, những nếp nhăn xuất hiện trên gương mặt thì cũng làn lúc nàng mất đi tất cả, để rồi tất cả chỉ còn lại một sự ngậm ngùi, cô đơn, trống trải. Một hình ảnh nhưng ẩn chứa bao tâm tình, bao bất hạnh mà người phụ nữ phải gánh chịu. Bút pháp ước lệ tượng trưng đã làm cho câu thơ hàm súc và dễ đi sâu vào lòng người đọc những tình cảm xúc động, cảm thông cho duyên kiếp bẽ bàng.
      "Chinh phụ ngâm khúc" cùng với "Cung oán ngâm khúc" đã trở thành những áng thơ hay khắc họa sâu sắc hiện thực cuộc sống của con người trong hoàn cảnh lẻ loi, đơn chiếc. Cùng với thể thơ dân tộc song thất lục bát, tính ước lệ tượng trưng đã đưa các tác phẩm lên một đỉnh cao mới và sự phá vỡ tính ước lệ đã nâng các nhà thơ lên một tầm cao mới.
                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét