CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Tính ước lệ trong "Chinh phụ ngâm khúc" và "Cung oán ngâm khúc"

  •  Hải Nguyên - Thanh Nhàn
      Văn học trung đại là một bộ phận lớn trong nền văn học Việt Nam, dòng văn học này phát triển theo qui luật vừa tiếp thu vừa dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài, chủ yếu là văn học Trung Quốc. Sự tiếp nhận một cách sáng tạo đã phát huy cá tính sáng tạo trong cả nội dung và hình thức biểu hiện. Hàng loạt những tác giả và tác phẩm lớn: Nguyễn Gia Thiều - Cung oán ngâm, Đặng Trần Côn - Chinh phụ ngâm, Nguyễn Du – Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương…là những minh chứng rõ nét cho việc sử dụng bút pháp ước lệ và việc sáng tạo, cái biến để xây dựng nền văn học dân tộc.
      Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn và Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều là những khúc ngâm nổi tiếng trong văn học dân tộc. Tuy đề tài có khác nhau nhưng cả hai tác phẩm đều là tiếng nói đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cá nhân của người phụ nữ. Cái tạo nên giá trị cho hai tác phẩm không đơn thuần là tiếng nói nhân đạo mà còn là giá trị nghệ thuật độc đáo. Vượt lên trên những công thức, những khuôn mẫu mang tính qui phạm, tác phẩm đã thể hiện tâm trạng của người phụ nữ bằng những dòng thơ mang sắc thái nội tâm hóa, giàu cảm xúc, khơi gợi âm điệu cảm thương.
      Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn là tác phẩm được viết bằng chữ Hán gồm 477 câu, được Đoàn Thị Điểm dịch ra chữ Nôm. Toàn bộ tác phẩm là nỗi lòng của người chinh phụ có chồng đi lính phương xa. Đề tài chiến tranh, chinh phu, chinh phụ vốn là một đề tài phổ quát và truyền thống của nhiều nền văn học Trong văn học Việt Nam, tiếng nói oán trách chiến tranh đã vang lên từ những câu ca dao trữ tình đầy oán hận. Từ thế kỷ XV, nhà thơ Thái Thuận cũng từng đặt bút với Bài thơ Chinh phụ ngâm. Thế kỉ XVII, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã viết về đề tài này. Thơ Đường đã xuất hiện những nhà thơ chuyên khai thác  đề tài này như Sầm Thang, Vương Xương Linh…
      Có thể tìm thấy trong Chinh phụ ngâm những công thức mang tính ước lệ về việc diễn tả thời gian: lấy sự việc thiên nhiên diễn tả bước đi của năm tháng:
Thưở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
Thưở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại rã bên sông ba xòa…
(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn)
       Hình ảnh những chim oanh, quyên, én chỉ mùa thu, mùa hạ, mùa xuân đã diễn tả bước đi theo chu kỳ của thời gian đồng thời thể hiện tâm trạng chờ mong mỏi mòn của người chinh phụ với lời hứa của chồng.
      Tâm trạng cô đơn mòn mỏi đợi chờ , sự thất vọng, lời oán trách lẫn nỗi lòng bức bối của người cung nữ trong Cung oán ngâm được Nguyễn Gia Thiều diễn tả trong không gian cung cấm lạnh lẽo, thâm nghiêm với “lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ, gác thừa lương thức ngủ thu phong.
      Ước lệ về thời gian không gian này xuất phát từ quan niệm thời gian tuần hoàn, không gian bất biến trong văn học trung đại.
      Tính ước lệ trong hai tác phẩm Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm còn được thể hiện ở việc xây dựng những mẫu hình nhân vật. Theo Trần Hà Nam trong bài viết “ Tính ước lệ trong văn học trung đại” đăng trên blog cá nhân : “ Con người thời trung đại có tinh thần hướng thượng, coi trọng những giá trị cộng đồng, những phẩm chất chung mà khó chấp nhận sự thay đổi lề thói hoặc những cá tính tự do… Nói về gương quân tử thì phải gắn với phẩm chất cao quí “nhân nghĩa lễ trí tín”, phụ nữ thì soi mình vào “công dung ngôn hạnh”, cuộc sống ẩn sĩ thì phải gắn với “ngư tiều canh mục”, phẩm chất tài hoa thì phải “cầm kỳ thi hoạ”, “phong hoa tuyết nguyệt…” Hình ảnh người chinh phu và cả chinh phụ trong Chinh phụ ngâm không nằm ngoài công thức này. Xuất phát từ ý thức về nghĩa vụ, quan niệm về công danh, danh dự của một trang hòa kiệt  hình ảnh người chinh phu trong mắt người chinh phụ trong buổi tiễn đưa là hình ảnh đẹp, rực rỡ, uy nghi:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
      Bên cạnh nỗi buồn, lưu luyến, sầu muộn của buổi tiễn đưa, chinh phụ đã khẳng khái “ phép công đã trọng, niềm tây sá gì”
       Tính ước lệ còn được thể hiện ở việc sử dụng điển tích điển cố trong tác phẩm. Có thể thấy trong đoạn trích “Nỗi sầu oán của người cung nữ - Trích Cung oán ngâm” lượng điển tích được sử dụng khá nhiều: “giấc mai, hồn bướm, dương xa, nguyệt lão” . Việc sử dụng điển tích, điển cố vừa thể hiện tính uyên thâm, trình độ học vấn của tác giả (theo quan niệm của những người cầm bút trong văn học trung đại) vừa diễn tả được nỗi lòng oán hận, khát vọng bứt phá của người cung nữ:
Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ
Xe thế này có dở dang không
Dang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”
(Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều)
      Hay trong Chinh phụ ngâm: 
Hẹn cùng ta lũng Tây Nham ấy
Sớm đã trông nào thấy hơi tăm
Hẹn nơi nao Hán Dương cầu nọ
Chiều lại tìm nào có tiêu hao…”
Lũng Tây Nham, cầu Hán Dương đều là những địa danh có tính chất ước lệ cho nơi chốn gặp gỡ, nhằm bày tỏ sự trông chờ, nỗi thất vọng của người chinh phụ chứ không nhằm chỉ một nơi chốn cụ thể.
      Tuy nhiên việc sử dụng tính ước lệ trong hai tác phẩm Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm mang tính sáng tạo rất lớn. Chinh phụ ngâm khúc – Đặng Trần Côn có phần tìm thi hứng từ những trang sách cổ, tuy nhiên cảm hứng của cả tác giả lẫn dịch giả đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Tư tưởng đòi quyền sống quyền hạnh phúc của con người – tư tưởng chủ đạo của văn học giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII, đã khiến hình mẫu nhân vật đã thay đổi. Người chinh phụ từ việc coi trọng “niềm công” qua bao ngày tháng khắc khoải xa chồng, đã có sự thay đổi về nhận thức. Không hề phủ nhận lý tưởng công danh nhưng nàng cũng đã hiểu chiếc ấn công hầu không có ý nghĩa bằng hạnh phúc đôi lứa:
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
      Tư tưởng này còn có giá trị phản chiến sâu sắc. Điều này đã lý giải vì sao sử dụng bút pháp ước lệ nhưng Chinh phụ ngâm vẫn phản ánh chân thực cuộc sống, phản ánh những vấn đề cơ bản và tâm lý con người  của thời đại.
      Khát vọng của người cung nữ trong Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều không chỉ là khát vọng về hạnh phúc tinh thần mà còn mang cả màu sắc nhục cảm. Đây là một nét mới trong văn học trung đại.
      Đoạn trích “ Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” (Trích Cung oán ngâm – Đặng Trần Côn) là một kiệt tác về việc miêu tả tâm lý và khả năng Việt hóa hệ thống điển tích và từ Hán Việt. Gạt đi những hình ảnh mang tính chất ước lệ “non Yên, sắt cầm, dây uyên, phím loan, gió đông…) thì nhiều ý tứ trong nguyên tác đã được chuyển dịch, nâng cấp thành những lời thơ thật sự giàu chất thơ:
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa
Được lấy nguyên tác từ hai câu thơ chữ Hán “Sầu tự hải, Khắc như niên” (Sầu như biển, Khắc như năm) nhưng trong Chinh phụ ngâm được chuyển dịch thành nội tâm của người chinh phụ, gợi được cảm giác thời gian chờ đợi tương ứng với nỗi sầu vô hạn, khơi gợi âm điệu cảm thương.
      Trong đoạn trích tác giả đã khai thác và sử dụng hết sức hợp tình, hợp cảnh hàng loạt những từ láy: gà eo óc, hòa phất phơ, khắc giờ đằng đăng, sầu dằng dặc, hồn mê mải, lệ châu chan, trời thăm thẳm, nhớ đau đáu…cùng với việc phát huy một cách tài tình nhạc điệu trữ tình của thể thơ lục bát nhằm diễn tả chân thực sâu sắc thương nhớ của người chinh phụ trong tình cảnh lẻ loi đơn chiếc.
      Trong đoạn trích “ Nỗi sầu oán của người cung nữ” (Trích Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều) những từ Hán Việt được đặt cạnh những từ nôm na, với dụng ý làm nổi bật sự đối lập giữa cuộc sống âm thầm, cô quạnh của người cung nữ với cảnh xa hoa tráng lệ nơi cung cấm:
Trong cung quế âm thầm chiếc bóng
Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ
Gác thừa lương thức ngủ thu phong
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng…

      Tính ước lệ trong văn học trung đại nói chung và trong tác phẩm Cung oán ngâm và Chinh phụ ngâm là một đặc điểm nghệ thuật của văn học trung đại. Việc sử dụng sáng tạo tính ước lệ đã đem văn chương gắn với đời sống, thể hiện tài năng và tấm lòng của các tác giả trong việc thể hiện ý thức dân tộc, xây dựng nền văn chương nước nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét