CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Về bốn câu mở đầu Đoạn trường tân thanh

  • Nguyễn Phúc Hải Nguyên


    Bất tri tam bách dư niên hậu
    Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?
            Nỗi niềm băn khoăn ấy của Nguyễn Du làm chúng ta không thể nào quên được cuộc đời và tấm lòng nhân đạo cao cả của ông. Cho đến mãi muôn đời sau tên tuổi ông vẫn sống mãi với thời gian và lịch sử. Ta quên sao được một con người có tấm lòng nhân hậu bao la, thông cảmsâu sắc với những kiếp người lầm than. Tấm lòng ấy được thể hiện rõ trong tác phẩm "Đọan trường tân thanh" của ông.
    Trăm năm trong cõi người ta
    Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.


            Nguyễn Du viết "Truyện Kiều" không phải chỉ đơn thuần là viết về một câu chuyện tình, mà đằng sau câu chuyện ấy còn là hiện thực của một cái xã hội phong kiến thối nát đầy bất công. Phải chăng Nguyễn Du viết về "cõi người ta" viết về chuyện trăm năm của một đời, một kiếp người trong xã hội. "Cõi người ta" ấy đó là "cái cõi của chính Nguyễn Du"? Trong cái "cõi người ta" ấy, dường như chữ "tài", chữ "mệnh" đi đôi với nhau, dường như chúng là những đại lượng tỉ lệ thuận. Nhưng không, "tài - mệnh tương đố" (tài mệnh ghét nhau). "Tài tử đa cùng, hồng nhan đa truân". Tài tử và giai nhân là hai kiếp người cùng chung số phận. Chính tài năng của họ đã mang đến những điều không tốt đẹp, một cuộc sống nhiều gian nan, đau khổ. Cũng giống như Thúy Kiều và Từ Hải. Thúy Kiều chỉ vì vừa có sắc vừa có tài mà phải chịu cuộc sống long đong lận đận suốt 15 năm, Còn Từ Hải, một anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, "côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài" mà cuối cùng cũng phải chịu một cái chết bi thương. Tại sao vậy? Tại sao những con người ấy lại phải chịu một cuộc sống bất công như thế? Hiện thực xã hội lúc bấy giờ đã khiến Nguyễn Du phải viết một kết thúc như thế. Xã hội đã không còn lẽ phải, đã không còn công lý.
            Hình ảnh "bể dâu" trong câu thơ được nhà thơ lấy ý từ câu chữ Hán "thương hải biến vi tang điền" (bể xanh hóa thành nương dâu). Đó là hình ảnh ruộng dâu xanh ngắt mới hiện ra nhưng giờ đây đã biển nước bao la. Phải chăng đây là ảo giác?. "Cuộc bể dâu" mà Nguyễn Du "trải qua" không phải là ảo giác mà hiện thực rành rành trước mắt. Đó là hình ảnh xã hội với sự thay đổi nhanh chóng đến không thể ngờ mà Nguyễn Du đã chứng kiến. Chính vì "những điều trông thấy" mà làm nhà thơ "đau đớn lòng". Tâm can tác giả quặn thắt,đau xót vô cùng trước những hình ảnh đang xảy ra hàng ngày hàng giờ. Nhà thơ chua xót và thông cảm với những kiếp người cơ cực trong cuộc sống. Bằng chính con mắt của mình, Nguyễn Du đã chứng kiến biết bao cảnh đời oan trái vì thế ông mới có thể viết nên những lời đau xót ấy như vậy. Hiện thực của cuộc sống, sự xung đột của xã hội giữa "tài" và "mệnh" đã được thể hiện tất cả trong bốn câu thơ này. Nguyễn Du đã thật sự đau đớn,  đã thật sự cảm thương, xót xa, cảm thông cho số phận những con người này.
            Tóm lại, khi miêu tả vào hiện thực của cuộc sống, sự xung đột giữa tài và mệnh, sự chứng kiến những thay đổi của xã hội trong bốn câu thơ đầu đã làm cho nhà thơ cảm thấy đau đớn và đó cũng chính là giá trị nhân đạo được thể hiện trong tác phẩm "Truyện Kiều".

1 nhận xét:

  1. Đoạn bình cho câu thơ đầu , Nguyên cần thêm dẫn chứng , nếu nói chỉ Từ Hải với Thúy Kiều thì chưa đủ . Đoạn bình "trải qua..." chi tiết hơn chút nữa.
    (Một chút quan điểm cá nhân thôi , mọi người tiếp tục nhận xét và góp ý nhé!)

    Trả lờiXóa