CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

TRUYỆN KIỀU - Nguyễn Du

 “Truyện Kiều” là tác phẩm có giá trị lớn lao về cả nội dung và nghệ thuật.
4.1. Giá trị nội dung : “Truyện Kiều” có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.
a. Giá trị hiện thực :
“Truyện Kiều” là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công tàn bạo, là lời tố cáo xã hội phong kiến chà đạp quyền sống của con người, đặc biệt là những người tài hoa, người phụ nữ.
+ “Truyện Kiều” tố cáo các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến, từ bọn sai nha, quan xử kiện, cho đến “họ Hoạn danh gia”, “quan Tổng đốc trọng thần”, rồi là bọn ma cô, chủ chứa,… đều ích kỉ, tham lam, tàn nhẫn, coi rẻ sinh mạng và phẩm giá con người.
+ “Truyện Kiều” còn cho thấy sức mạnh ma quái của đồng tiền đã làm tha hóa con người. Đồng tiền làm đảo điên (“Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”), đồng tiền giẫm lên lương tâm con người và xóa mờ công lí (“Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”).
b. Giá trị nhân đạo :
+ “Truyện Kiều” là tiếng nói thương cảm, là tiếng khóc đau đớn trước số phận bi kịch của con người. Thúy Kiều là nhân vật mà Nguyễn Du yêu quý nhất. Khóc Thúy Kiều, Nguyễn Du khóc cho những nỗi đau lớn của con người : tình yêu tan vỡ, tình cốt nhục lìa tan, nhân phẩm bị chà đạp, thân xác bị đày đọa…
+ “Truyện Kiều” đề cao con người từ vẻ đẹp hình thức, phẩm chất đến những ước mơ, những khát vọng chân chính.
- Hình tượng nhân vật Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, hiếu hạnh đủ đường là nhân vật lí tưởng, tập trung những vẻ đẹp của con người trong cuộc đời.
- “Truyện Kiều” là bài ca về tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy. Bước chân “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Kiều đến với Kim Trọng đã phá vỡ những quy tắc thánh hiền về sự cách biệt nam nữ.
- “Truyện Kiều” là giấc mơ về tự do và công lí. Qua hình tượng Từ Hải, Nguyễn Du gửi gắm ước mơ anh hùng “đội trời đạp đất” làm chủ cuộc đời, trả ân báo oán, thực hiện công lí, khinh bỉ những “phường giá áo túi cơm”.
4.2. Giá trị nghệ thuật :
“Truyện Kiều” là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên tất cả các phương diện ngôn ngữ, thể loại.
Với “Truyện Kiều”, ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ.
Với “Truyện Kiều”, nghệ thuật tự sự đã có những bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, con người.

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ - Hồi thứ 14

Đọc – Hiểu văn bản :
Đoạn trích ở phần sau của hồi mười bốn. Có thể chia làm ba đoạn :
+ Đoạn 1 (từ đầu đến “hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788)”) : được tin báo quân Thanh đã chiếm Thăng long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và thân chinh cầm quân ra Bắc dẹp giặc.
+ Đoạn 2 (tiếp theo đến “vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long rồi kéo vào thành”) : cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
+ Đoạn 3 (phần còn lại) : sự đại bại của quân Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
1. Hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ :
Trong đoạn trích, hình tượng Nguyễn Huệ nổi lên sáng ngời phẩm chất của người anh hùng.
a. Hành động mạnh mẽ, quyết đoán :
Trong mọi tình huống, Nguyễn Huệ luôn luôn thể hiện là một con người hành động một cách xông xáo, nhanh gọn, có chủ đích và rất quả quyết. Nghe tin giặc đã đánh chiếm đến tận Thăng Long, chiếm cả một vùng đất đai rộng lớn, Nguyễn Huệ vẫn không hề nao núng, “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Rồi sau đó, chỉ trong vòng một tháng (từ 24 tháng 11 đến 30 tháng chạp), Nguyễn Huệ đã làm được bao nhiêu việc lớn : “tế cáo trời đất” lên ngôi Hoàng đế, “đốc xuất đại binh” ra Bắc, gặp gỡ “người cống sĩ ở huyện La Sơn” Nguyễn Thiếp, tuyển mộ quân lính và mở cuộc duyệt binh ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng.
b. Trí tuệ sáng suốt, sâu sắc và nhạy bén :
+ Trí tuệ ấy biểu hiện trong việc xét đoán và dùng người. Khi đến Tam Điệp, gặp Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân “đều mang gươm trên lưng và xin chịu tội”, Nguyễn Huệ xử trí vừa có lí vừa có tình. Ông rất hiểu sở trường, sở đoản của các tướng sĩ, khen chê đều đúng người, đúng việc.
+ Trí tuệ ấy biểu hiện trong việc phân tích tình hình thời cuộc và tương quan ta – địch. Trong lời phủ dụ quân lính ở Nghệ An, vua Quang Trung khẳng định chủ quyền dân tộc của ta và hành động xâm lăng phi nghĩa, trái đạo trời của giặc (đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng) ; nêu bật dã tâm của giặc (bụng dạ ắt khác… giết hại nhân dân, vơ vét của cải) ; nêu cao truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ xưa ; kêu gọi quân lính “đồng tâm hiệp lực ; ra kỉ luật nghiêm minh… Lời phủ dụ như một bài hịch ngắn gọn mà ý tứ thật phong phú, sâu xa, có tác dụng kích thích lòng yêu nước và truyền thống quật cường của dân tộc.
c. Ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng : mới khởi binh đánh giặc, chưa giành lại được một tấc đất nào, vậy mà vua Quang Trung đã tuyên bố chắc chắn như đinh đóng cột “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”, lại còn tính sẵn cả kế hoạch ngoại giao sau khi chiến thắng một nước “lớn gấp mười nước mình” để có thể “dẹp việc binh đao”, “cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng”.
d. Tài dụng binh như thần :
Đến tận hôm nay, chúng ta vẫn còn kinh ngạc vì cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn do vua Quang Trung chỉ huy. Ngày 25 tháng chạp bắt đầu xuất quân ở Phú Xuân (Huế), ngày 29 đã tới Nghệ An, vượt khoảng 350 km qua núi, qua đèo. Đến Nghệ An, vừa tuyển quân, tổ chức đội ngũ, vừa duyệt binh, chỉ trong vòng một ngày. Hôm sau, tiến quân ra Tam Điệp (cách khoảng 150km). Và đêm 30 tháng chạp đã “lập tức lên đường”, tiến quân ra Thăng Long. Mà tất cả đều là đi bộ. Có sách còn nói vua Quang Trung sử dụng cả biện pháp dùng võng khiêng, cứ hai người khiêng thì một người được nằm nghỉ, luân phiên nhau suốt đêm ngày. Từ Tam Điệp ra Thăng Long (khoảng hơn 150 km), vừa hành quân, vừa đánh giặc mà vua Quang Trung định kế hoạch chỉ trong vòng 7 ngày, mồng 7 tháng giêng sẽ vào ăn tết ở Thăng Long. Trên thực tế, đã thực hiện kế hoạch sớm hai ngày : trưa mồng 5 đã vào Thăng Long. Hành quân xa liên tục như vậy, thường quân đội sẽ mệt mỏi, rã rời, nhưng nghĩa binh Tây Sơn thì cơ nào đội ấy vẫn chỉnh tề. Đó là do tài tổ chức của người cầm quân : hơn một vạn quân mới tuyển đặt ở trung quân, còn quân tinh nhuệ từ đất Thuận Quảng ra thì bao bọc ở bốn doanh tiền, hậu, tả, hữu.
e. Lẫm liệt trong chiến trận :
Hoàng đế Quang Trung thân chinh cầm quân không phải chỉ trên danh nghĩa. Ông là một tổng chỉ huy chiến dịch thực sự : hoạch định phương lược tiến đánh, tổ chức quân sĩ, tự mình thống lĩnh một mũi tiến công, cưỡi voi đi đốc thúc, xông pha tên đạn, bày mưu tính kế… Đội quân của vua Quang Trung không phải toàn là lính thiện chiến, lại vừa trải qua những ngày hành quân cấp tốc, không có thì giờ nghỉ ngơi, vậy mà dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung, đã đánh những trận thật hào hùng, thật đẹp, thắng áp đảo kẻ thù (bắt sống hết quân do thám của địch ở Phú Xuyên, giữ được bí mật để tạo thế bất ngờ, vây kín làng Hà Hồi, “quân lính luân phiên dạ ran” làm cho lính trong đồn “ai nấy rụng rời sợ hãi” xin hàng ; công phá đồn Ngọc Hồi, lấy ván ghép phủ rơm dấp nước để làm mộc che, dàn trận tiến đánh, khi giáp lá cà thì “quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa, những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới”…). Khí thế của đội quân này làm cho kẻ thù phải khiếp vía “Thật là : tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên, và hình ảnh người anh hùng cũng được khắc hoạ thật lẫm liệt. Trong trận đánh đồn Ngọc Hồi, giữa cảnh “khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì”, nổi bật hình ảnh nhà vua “cưỡi voi đi đốc thúc”. Có sách ghi khi Quang Trung vào đến Thăng Long, tấm áo bào màu đỏ đã sạm đen khói súng.
* Cách trần thuật của đoạn văn thật đặc sắc, không chỉ nhằm ghi lại những sự kiện lịch sử diễn biến gấp gáp, khẩn trương qua từng mốc thời gian, mà còn chú ý miêu tả cụ thể từng hành động, lời nói của nhân vật chính, từng trận đánh và những mưu lược tính toán, thế đối lập giữa hai đội quân (một bên thì xộc xệch, trễ nãi, nhát gan, một bên thì xông xáo dũng mãnh, tổ chức nghiêm minh). Qua đó, hình ảnh người anh hùng được khắc họa khá đậm nét, có tính cách quả cảm, mạnh mẽ, có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén, có tài dụng binh như thần, là người tổ chức và là linh hồn của chiến công vĩ đại. Đây là đặc điểm khẳng định rõ tính chất thể loại tiểu thuyết lịch sử của tác phẩm.
* Dường như có sự mâu thuẫn giữa nhan đề tác phẩm với nội dung tác phẩm. Nhan đề mang ý nghĩa ca ngợi nhà Lê, nhưng nội dung tác phẩm lại vạch rõ sự thối nát, mục ruỗng của triều đình nhà Lê, và ca ngợi người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ. Điều đó nói lên quan điểm phản ánh hiện thực của các tác giả là tôn trọng sự thực lịch sửý thức dân tộc. Dù có cảm tình với nhà Lê, họ không thể bỏ qua sự thực là ông vua nhà Lê hèn yếu đã cõng rắn cắn gà nhà. Dù không theo Tây Sơn, họ không thể không thấy chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung là niềm tự hào lớn lao của dân tộc. Bởi thế nên các tác giả họ Ngô đã viết thực và viết hay về người anh hùng Nguyễn Huệ.
2. Sự thảm bại của bọn quân tướng nhà Thanh :
Tôn Sĩ Nghị kéo quân sang An Nam là nhằm những lợi ích riêng, lại không muốn tốn nhiều xương máu. Hơn nữa, y còn là một tên tướng bất tài, cầm quân mà không biết được tình hình thực hư ra sao, lại còn kiêu căng tự mãn, chủ quan khinh địch. Dù đã được vua tôi Lê Chiêu Thống báo trước, y vẫn không chút đề phòng, suốt mấy ngày Tết chỉ “chăm chú vào yến tiệc, vui mừng, không lo chi đến việc bất trắc”, cho quân lính mặc sức vui chơi.
Khi quân Tây Sơn đánh đến nơi, tướng thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp… chuồn trước qua cầu phao”, quân thì lúc lâm trận “ai nấy đều rụng rời sợ hãi” xin ra hàng” hoặc “bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, “quân sĩ các doanh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu qua sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều” đến nỗi “nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa”. Cả đội binh hùng tướng mạnh chỉ còn biết tháo chạy, mạnh ai nấy chạy “đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi”.
3. Số phận thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống :
Lê Chiêu Thống và những bề tôi trung thành với ông ta đã vì mưu lợi ích riêng của dòng họ mà cõng rắn cắn gà nhà, đem vận mệnh của cả dân tộc đặt vào nanh vuốt của kẻ thù xâm lược. Bọn người phi nghĩa ấy đã phải chịu đựng nỗi sỉ nhục của kẻ đi cầu cạnh van xin, và cuối cùng phải chịu chung số phận bi thảm của kẻ vong quốc. Khi có biến, Lê Chiêu Thống cùng bọn bề tôi thân tín vội vã “đưa thái hậu ra ngoài”, chạy trối chết, cướp thuyền dân để qua sông, chạy “luôn mấy ngày không ăn”. May gặp người thổ hào thương tình cho ăn và chỉ đường cho chạy trốn. Đuổi kịp được Tôn Sĩ Nghị, vua tôi chỉ còn biết “cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”. Đoạn văn miêu tả chân thực tình cảnh khốn quẫn của vua Lê Chiêu Thống, phơi bày tất cả sự thảm hại trong kết cục của một ông vua phản dân hại nước. Nhưng có thể thấy tác giả vẫn gửi gắm ở đó chút tình cảm riêng của một bề tôi cũ nhà Lê. Lòng thương cảm của tác giả biểu hiện qua những giọt nước mắt và thái độ săn sóc tận tình của người thổ hào. Giọng văn cũng có phần ngậm ngùi, khác với âm hưởng sôi nổi, hào hứng ở đoạn trên.
C. Tổng kết :
Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả “Hoàng Lê nhất thống chí” đã tái hiện chân thực, sinh động hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của các tướng lĩnh nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

Đọc – Hiểu văn bản :
1. Truyện có thể chia làm 3 đoạn :
+ Đoạn 1 : từ đầu đến “lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”, nói về cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, sự xa cách vì chiến tranh và phẩm hạnh của nàng trong thời gian xa cách.
+ Đoạn 2 : “Qua năm sau … nhưng việc trót đã qua rồi”, nói về nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương.
+ Đoạn 3 : phần còn lại, Vũ Nương được cứu và sống ở thủy cung của Linh Phi. Nỗi oan được giải nhưng nàng quyết không trở lại trần gian.
2. Nhân vật Vũ Nương :
“Chuyện người con gái Nam Xương” là chuyện về nàng Vũ Nương – vợ chàng Trương Sinh : “Vũ Thị Thiết, người con gái Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Nếu truyện cổ tích thường chỉ thiên về cốt truyện và hành động của nhân vật, thì ở đây, dưới ngòi bút sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Dữ, nhân vật hiện lên có đời sống, có tính cách rõ rệt hơn nhiều. Tác giả đã đặt nàng Vũ Nương vào nhiều tình huống khác nhau để khắc họa tính cách nhân vật.
2.1. Trong cuộc sống vợ chồng bình thường : chồng có tính đa nghi, nhưng nàng đã là một người vợ tốt, biết giữ đạo làm vợ, lúc nào cũng “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”.
2.2. Khi tiễn chồng đi lính, nàng rót rượu tiễn chồng và nói những lời mà ai nghe cũng “đều ứa hai hàng lệ”. Nàng không mong vinh hiển mà chỉ mong cho chồng được bình an trở về : “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm, trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Đó là mong ước hết sức bình thường của một người vợ, một người phụ nữ khao khát cuộc sống gia đình bình yên. Tình thương chồng còn thể hiện qua sự cảm thông những vất vả gian lao mà chồng sẽ phải chịu đựng : “Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có…”, qua nỗi khắc khoải nhớ nhung : “mà mùa dưa chín quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng. Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rũ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú ! Dù có thư tín ngàn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng”. Trong nỗi niềm của người vợ xa chồng, nàng cảm thông cho cả nỗi niềm của bà mẹ xa con.
2.3. Khi xa chồng, Vũ Nương là người vợ thủy chung, yêu chồng tha thiết. Tác giả đã miêu tả thật xúc động nỗi buồn thương nhớ chồng khắc khoải triền miên theo thời gian : “Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Thời gian trôi qua, không gian cảnh vật thay đổi, mùa xuân vui tươi – “bướm lượn đầy vườn”, mùa đông ảm đạm – “mây che kín núi”, còn lòng người thì chỉ dằng dặc một nỗi buồn thương.
Nàng còn là người mẹ hiền, dâu thảo. Chồng đi chinh chiến xa xôi, một mình nàng vừa nuôi con nhỏ, vừa chăm sóc mẹ chồng. Cách chăm sóc của nàng thật cảm động. Mẹ già đau ốm, “nàng hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Lời trối trăng của bà mẹ chồng trước khi mất chính là một sự ghi nhận nhân cách và đánh giá cao công lao của nàng đối với gia đình nhà chồng : “Một tấm thân tàn, nguy trong sớm tối, việc sống chết không khỏi phiền đến con. Chồng con nơi xa xôi, chưa biết sống chết thế nào, không thể về đền ơn được. Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, trời xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Mẹ mất, “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”. Nàng làm tất cả những việc đó không phải vì trách nhiệm mà vì tình nghĩa thực sự trong lòng.
Vũ Nương là người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam truyền thống.
2.4. Khi bị chồng nghi oan :
+ Nàng một mực phân trần để chồng hiểu rõ lòng mình. Nàng nói về thân phận mình : “Thiếp vốn con nhà kẻ khó, được nương tựa nhà giàu”.  Nàng nói về tình nghĩa vợ chồng và khẳng định tấm lòng thủy chung trong trắng của mình : “Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói”. Nàng cầu xin chồng đừng nghi oan : “Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”. Trong những lời nói ấy, Vũ Nương đã cố gắng tìm mọi cách để hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ.
+ Vũ Nương hết lời phân trần nhưng Trương Sinh vẫn không tin, vẫn “mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi”. Ngay đến cái quyền được tự bảo vệ mình, nàng cũng không có. Lời nói của nàng thâu tóm tất cả những đau khổ của một đời phụ nữ. Hạnh phúc gia đình – “cái thú vui nghi gia nghi thất”, niềm khao khát của cả đời nàng đã tan vỡ. Tình yêu cũng không còn : “bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió ; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn”. Ngay cả nỗi đau khổ chờ chồng đến hóa đá trước đây cũng không còn có thể làm lại được nữa : “nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng phu kia nữa”.
+ Mọi cố gắng của Vũ Nương đều trở thành vô ích. Không thể giải được nỗi oan khuất, tất cả đã tan vỡ, nàng đau khổ tuyệt vọng tìm đến cái chết để bày tỏ tấm lòng trong trắng, mượn nước sông để rửa sạch tiếng nhơ oan ức. “Nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng :
- Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.”.
Lời than như một lời nguyền, xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tiết sạch giá trong của nàng, của một “kẻ bạc mệnh” đầy đau khổ. Hành động tự trẫm mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự. Truyện cổ tích miêu tả việc tự tử của nàng như một hành động bột phát trong cơn tuyệt vọng : “Vũ Nương chạy một mạch ra bến Hoàng Giang đâm đầu xuống nước”. Trong tác phẩm của Nguyễn Dữ, hành động ấy có nỗi đau khổ tuyệt vọng nhưng cũng có sự tham gia của lí trí. Có thể thấy rõ điều đó qua chi tiết nàng “tắm gội chay sạch” trước khi quyên sinh, và lời nguyền của nàng rất rõ ràng, dứt khoát. Cái chết của Vũ Nương thể hiện nỗi đau khổ của nàng đã lên đến tột cùng.
Vũ Nương là một người phụ nữ xinh đẹp, thùy mị, nết na, hiền thục, lại đảm đang tháo vát, phụng dưỡng mẹ chồng rất mực hiếu thảo, một dạ thủy chung với chồng, hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình. Nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, thế nhưng lại phải chết một cách oan uổng, đau đớn. Câu chuyện về Vũ Nương đã thể hiện sâu sắc số phận bi kịch của người phụ nữ trong chế độ phụ quyền phong kiến đầy bất công.
3. Nhân vật Trương Sinh :
3.1. Trương Sinh là “con nhà hào phú, nhưng không có học”. Trương lấy Vũ Nương nào phải là tình yêu, mà chỉ là “mến vì dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”. Mầm mống bi kịch của Vũ Nương có lẽ đã bắt đầu từ những yếu tố này. Cuộc hôn nhân vốn đã không bình đẳng giữa nam và nữ, lại thêm sự cách bức giàu nghèo : Vũ Nương “vốn con kẻ khó”, lấy Trương Sinh là “được nương tựa nhà giàu”. Vũ Nương sẽ là nạn nhân của một chế độ đầy bất công.
3.2. Trong đời sống vợ chồng, Trương là người chồng “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”.
3.3. Hết chiến tranh, Trương Sinh trở về và đối diện với nỗi mất mát : mẹ già thương nhớ con nên sinh bệnh và đã qua đời.
Trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế, tính tình chàng càng dễ bị kích động. Lời nói ngây thơ của con trẻ đã kích động tính ghen tuông của Trương. Tác giả đã xây dựng đoạn truyện này bằng những chi tiết đầy kịch tính. Chàng bế con, “đứa trẻ không chịu, ra đến đồng, nó quấy khóc”. Chàng dỗ dành, đứa con ngây thơ nói “Ô hay ! Thế ra ông cũng là cha tôi ư ? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít”. Lời nói được tách ra thành hai phần, phần sau thông tin càng “ghê gớm” hơn phần trước. Làm sao Trương Sinh khỏi bàng hoàng khi biết đứa trẻ có những hai người cha, người cha – Trương Sinh biết nói còn người cha trước kia “chỉ nín thin thít” ? Sau đó lại thêm những thông tin : “một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Tục ngữ có câu : “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, trẻ con bao giờ cũng nói thật. Những lời nói ngây thơ của đứa con khiến người ta không thể không nghĩ đến cảnh tượng của một đôi gian phu dâm phụ, huống chi là Trương Sinh : “Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được”. (Cách dẫn dắt tình tiết như vậy là rất chân thực và khéo léo.)
Tuy nhiên, điều đáng trách là cách xử sự của Trương Sinh. Con người ít học này đã hành động một cách quá nông nổi và hồ đồ. Không cần hỏi đến vợ nửa lời, vừa về đến nhà, chàng đã “la um lên cho hả giận”. Chàng không còn bĩnh tĩnh để phân tích, phán đoán, mặc kệ những lời phân trần của Vũ Nương, rồi “họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng, cũng chẳng ăn thua gì”. Cách duy nhất để làm sáng tỏ mọi chuyện là giải quyết chính cái nguyên nhân gây xung đột : kể lại câu chuyện của đứa trẻ. Nhưng điều tệ hại nhất là chàng cũng không cho nàng cơ hội để minh oan khi nhất quyết “giấu không kể lời con nói”. Trương Sinh từ một người chồng độc đoán, ghen tuông mù quáng, đã trở thành một kẻ vũ phu, thô bạo : “mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi”. Hàng động ấy đã bức tử Vũ Nương, đã buộc người phụ nữ đáng thương ấy phải chết một cách bi thảm. Đáng giận hơn nữa là cái chết của Vũ Nương vẫn không thể làm cho Trương tỉnh ngộ để tin nàng trong sạch. Chàng vẫn “giận là nàng thất tiết” và chỉ “động lòng thương”.
Nhân vật Trương Sinh là hiện thân của chế độ phụ quyền phong kiến bất công. Sự độc đoán, chuyên quyền đã làm tê liệt lí trí, đã giết chết tình người và dẫn đến bi kịch.
4. Những yếu tố kì  ảo :
Truyện cổ tích “Vợ chàng Trương” kết thúc ở chỗ thằng bé chỉ cái bóng trên tường, Trương Sinh tỉnh ngộ và thấu nỗi oan của vợ. Kết thúc như thế đã là có hậu vì nỗi oan của Vũ Nương đã được giải. Nguyễn Dữ thêm vào đoạn kết, đem lại cho tác phẩm sức hấp dẫn và những giá trị mới.
4.1. Câu chuyện ở trần gian đã chấm dứt, tác giả mở tiếp câu chuyện ở thế giới thần linh. Sức hấp dẫn của đoạn truyện này, trước hết và chủ yếu, là ở những yếu tố hoang đường, yếu tố kì ảo : Phan Lang nằm mộng thấy người con gái áo xanh, rồi thả rùa mai xanh ; Phan Lang lạc vào động rùa của Linh Phi, được đãi tiệc yến và gặp Vũ Nương ; câu chuyện Vũ Nương được tiên rẽ nước cứu mạng đưa về thủy cung ; Phan Lang được sứ giả Xích Hỗn rẽ nước đưa về dương thế ; hình ảnh Vũ Nương hiện ra sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang, lung linh huyền ảo với “một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện”, rồi sau đó “bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất” trong chốc lát. Dẫu biết rằng đó chỉ là những yếu tố hoang đường, nhưng người đọc vẫn cảm thấy gần gũi và chân thực bởi tác giả đã khéo kết hợp với những yếu tố thực về địa danh , về thời điểm lịch sử, sự kiện và nhân vật lịch sử, những chi tiết về trang phục của các mĩ nhân và Vũ Nương, câu chuyện của Phan Lang về tình cảnh nhà Vũ Nương sau khi nàng mất.
4.2. Ý nghĩa của những yếu tố kì ảo :
+ Trước hết, những yếu tố kì ảo có ý nghĩa hoàn chỉnh thêm nét đẹp của nhân vật Vũ Nương. Dù ở thế giới khác, nàng vẫn nặng tình với cuộc đời, vẫn quan tâm đến chồng con, phần mộ tổ tiên, thương nhớ quê nhà. Khi nghe Phan Lang nói về tình cảnh quê nhà, nàng “ứa nước mắt khóc, rồi quả quyết đổi giọng mà rằng :
- Có lẽ, không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày”.
Và dù không còn là con người của trần gian, nàng vẫn còn đó nỗi đau oan khuất, vẫn khao khát được phục hồi danh dự : “Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về”.
+ Điều quan trọng hơn, là những yếu tố kì ảo đó đã tạo nên một kết thúc có hậu cho tác phẩm, thể hiện mơ ước ngàn đời của nhân dân về lẽ công bằng : người tốt dù có trải qua bao oan khuất, cuối cùng cũng được đền trả xứng đáng, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng.
Tuy nhiên, kết thúc có hậu vẫn không làm giảm đi tính bi kịch của tác phẩm. Vũ Nương trở về uy nghi, rực rỡ nhưng chỉ thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện ở giữa dòng sông. Sau lời tạ từ đầy ngậm ngùi “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng trở về nhân gian được nữa”, “trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến mất”. Nàng không thể trở lại trần gian, thực ra đâu phải chỉ vì cái nghĩa với Linh Phi : “Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ”, mà điều chủ yếu là nàng chẳng còn gì để trở về. Đàn giải oan chỉ là một chút an ủi cho người bạc phận chứ không thể làm sống lại tình xưa. Nỗi oan đã được giải, nhưng hạnh phúc thực sự đâu có thể tìm lại được nữa. Sự dứt áo ra đi của Vũ Nương biểu hiện thái độ phủ định cõi trần thế với cái xã hội bất công đương thời, cái xã hội mà ở đó người phụ nữ không thể có hạnh phúc. Điều đó càng khẳng định niềm thương cảm của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ trong chế đôï phong kiến.
So với truyện dân gian, kết thúc truyện của Nguyễn Dữ cũng làm tăng thêm sự trừng phạt đối với Trương Sinh. Vũ Nương không trở về, Trương Sinh càng phải cắn rứt ân hận vì lỗi lầm của mình.
C. Tổng kết :
 “Chuyện người con gái Nam Xương” khẳng định nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời cảm thương cho số phận nhỏ nhoi, đầy tính chất bi kịch của họ dưới chế độ phong kiến. Đây là một áng văn hay, thành công về mặt dựng truyện, dựng nhân vật, kết hợp cả tự sự, trữ tình và kịch.

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

KẾT QUẢ NĂM HỌC 2009 - 2010 LỚP 10 CHUYÊN VĂN

I. THI HỌC SINH GIỎI.
OLYMPIC TOÀN MIỀN NAM LỚP 10:
Huy chương Vàng: Trần Thái Diễm Chi
Huy chương Đồng: Đỗ Lê Bảo Duyên
HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH LỚP 11:
01 Giải Ba: Đỗ Lê Bảo Duyên
05 Giải Khuyến khích:
- Trần Thái Diễm Chi
- Hồ Minh Tú
- Hồ Ngọc Quý
- Nguyễn Thị Ngọc Ngà
- Nguyễn Thị Hạnh Nhân
KẾT QUẢ XẾP LOẠI CUỐI NĂM:
Học sinh giỏi toàn diện:
Trần Thái Diễm Chi
Hồ Ngọc Quý
Hồ Minh Tú
Học sinh tiên tiến:
Đỗ Lê Bảo Duyên
Hồ Mỹ Duyên
Nguyễn Thị Ngọc Ngà
Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Nguyễn Thị Hạnh Nhân
Nguyễn Phúc Hải Nguyên
Phan Thị Thùy Trang
Phạm Thùy Diễm Trinh
Đạo đức tốt: 11/11 (100/100)