CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Suy ngẫm từ Ông già và Biển cả (Hemingway)


Luận đề: “Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị khuất phục” (Hemingway)
Ý kiến của Hemingway đề cao giá trị của con người trong mối quan hệ với tự nhiên, xã hội và với bản thân mình.
Giải thích ý kiến của Heming way:
Con người: trước hết là hiểu ở phạm vi cá nhân, cá thể, nhưng cần hiểu rộng hơn là loài người, con người trong cộng đồng trong nghĩa chung nhất, bao quát loài giống, gắn với bản chất Người theo nghĩa bao trùm nhất của nó.
Con người có thể bị đánh bại: nguyên văn tiếng Anh (destroyed) khi dịch ra còn có nghĩa là “bị hủy diệt”, “bị tàn phá” – cách nói thể hiện sự ý thức về những khả năng rủi ro có thể xảy đến với con người.
“…nhưng không thể bị khuất phục” : dịch sát nghĩa là bị đánh bại, bị chinh phục.
Mối quan hệ giữa hai vế: nhấn mạnh vào ý chí niềm tin của con người trong cuộc đấu tranh sinh tồn, khẳng định niềm kiêu hãnh của con người chân chính luôn tin tưởng vào khả năng của chính mình. Không những thế còn nhấn mạnh tinh thần con người vươn lên trong hành động, chinh phục những mục tiêu, vượt lên những thử thách.
Chứng minh ý kiến của Hemingway:
Con người trong công cuộc chinh phục và cải tạo tự nhiên: từ xưa đến nay, thiên nhiên chứa đựng sức mạnh ghê gớm, mỗi khi thiên tai, một quốc gia, một cộng đồng có thể bị những hậu quả nặng nề nhưng rất nhanh chóng con người lại bắt tay khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống, phát triển xã hội. Từ buổi đầu lấy sức người chống lại thiên nhiên, đến nay chúng ta có những thành tựu lớn lao nhờ khoa học kỹ thuật, từng bước cải tạo thiên nhiên và bắt thiên nhiên phải khuất phục con người. Ngu công đào núi, Dã Tràng lấp bể là ước muốn và cũng là niềm tin vượt lên chính mình của những người giàu ý chí nghị lực và quyết tâm hành động. Một bờ đê sông Hồng là sức mạnh của con người hợp quần để chế ngự sức nước hung hãn. là niềm tự hào của con người bao thế hệ. Một công trình thủy điện sông Đà là kết quả lao động vất vả cả chân tay lẫn trí óc của con người, biến sức nước thành dòng điện. Rõ ràng con người từ chỗ khiếp sợ trước tự nhiên đã trở nên mạnh mẽ can đảm hơn, nắm bắt quy luật tự nhiên, bắt thiên nhiên phải khuất phục trước con người.
Trong đấu tranh xã hội, các lực lượng chính nghĩa, những con người đại diện cái tốt, cái đẹp không ít lần bị thất bại. Con người chân chính nhiều khi bị kẻ tiểu nhân hãm hại, để lại nỗi niềm chua xót “anh hùng uống hận”, “để hận mấy ngàn năm” còn lưu trong bao áng văn thơ. Tuy nhiên theo một quy luật tất yếu và niềm tin mãnh liệt vào công lý, sự thật sẽ chiến thắng bạo tàn, giả trá giúp con người tìm ra những cách đấu tranh, những phương pháp để thành công. Phan Bội Châu từng nhắn nhủ “Tay ba lần gãy, mới biết thuốc tiên…xưa nay anh hùng, từng thua mới được!”. Không gì mạnh bằng ý chí con người, bên cạnh đó còn đòi hỏi sự tỉnh táo khôn khéo, kiên quyết để đạt mục đích.
Xét từ góc độ cá nhân, cũng có rất nhiều tấm gương con người vươn lên trong cuộc sống, vượt qua những khiếm khuyết của bản thân: Nguyễn Ngọc Ký - thầy giáo; Nguyễn Ngọc Hưng – nhà thơ hội viên hội nhà văn Việt Nam; Lê Thanh Thúy – cô gái 19 tuổi bị ung thư nhưng vẫn kịp góp mặt cho đời nụ cười rạng rỡ của một tấm lòng nhân hậu; là Nguyễn Hồng Kông - bệnh nhân suy thận nhưng đã tận dụng quỹ thời gian ít ỏi của mình để viết cuốn sách “Khát vọng sống để yêu” và “Ở trọ”, tích cực giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, những đồng loại kém may mắn. Những con người ấy bị hủy diệt bởi định mệnh khắc nghiệt nhưng đã khẳng định ý nghĩa cao quý của sự sống con người, sống có ý nghĩa bằng tất cả nghị lực và bản lĩnh của mình
Phản đề: Con người có thể bị đánh bại, cũng không ít kẻ tự mình khuất phục quỳ gối trước các thế lực. Tuy nhiên, làm con người chân chính thì không bao giờ tự đánh mất mình. Những kẻ như vậy đã chết ngay khi còn sống! Từ đó cho thấy để làm một con người theo đúng nghĩa Hemingway đề cập không phải là điều đơn giản! Ngay cả cái chết có thể chấm dứt thời gian tồn tại giữa cuộc đời của một cá nhân, nhưng không thể khuất phục ý chí vươn lên sống có ích với đời, để lại sự nghiệp bất tử. Những con người như thế sẽ sống mãi!
Trong sự phát triển của nhân loại, bao giờ con người cũng có ý thức rất lớn về giá trị bản thân, các nhà tư tưởng cũng như các nhà văn có nhiều câu nói hay về giá trị con người. Blasé Pascal nói : “Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ”, M.Gorki ca ngợi con người: “Con người! Tiếng ấy tự hào biết bao!”. Sự tồn tại của con người ở thế gian này và những thành quả từ xã hội loài người đã hình thành ý thức đề cao phẩm chất, giá trị làm người cao quý.
Trong bối cảnh phát triển đầy xung đột phức tạp, con người phải luôn đương đầu với thử thách khó khăn và không ít lần phải đối mặt với thất bại, bi kịch. Đương đầu với những khó khăn, con người chúng ta càng có dịp khẳng định bản lĩnh và rút ra kinh nghiệm, vượt lên chính mình. Ông cha ta ngàn đời trước đã phải chinh phục thiên nhiên và đã thêu dệt thành bao huyền thoại về chiến công kỳ vĩ này như Sơn tinh chiến thắng Thuỷ tinh, những vị thần kỳ vĩ là sản phẩm của chính con người, nâng tầm vóc con người ngang tầm thiên nhiên. Mỗi một khó khăn trở lực lại là một lần giúp con người chúng ta nhận ra những khiếm khuyết sai lầm để tiếp tục hành trình chinh phục đầy thử thách. Nhà thơ Hoàng Trung Thông từng khẳng định “Bàn tay ta làm nên tất cả - Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Có nghĩa là con người luôn tự tin vào chính bản thân mình sẽ không bao giờ biết đầu hàng trước hoàn cảnh.
Từ những việc lớn đến việc nhỏ đều cần đến ý chí và nghị lực phi thường của con người, điều quan trọng chính là con người cần phải biết tự lượng sức mình, tự điều chỉnh mình. Có một lúc nào đó chúng ta vấp phải sai lầm và thất bại, nhưng đó chỉ là tạm thời, bởi lẽ nếu chúng ta quyết tâm hành động và nắm bắt được thời cơ, chuẩn bị đầy đủ chín muồi thì sẽ chắc chắn thành công,
Theo tôi, muốn khẳng định tinh thần trong câu nói của nhà văn Hemingway cần phải hội đủ những yếu tố cần cho một con người, để có thể sống giữa đời mà không hổ  thẹn: ý thức bản thân, có tinh thần luôn vươn lên trong đời sống, mài sắc bản lĩnh và khả năng hành động và nỗ lực hết mình để đạt ước mơ. Trau dồi càng nhiều vốn sống, kinh nghiệm sống, không ngừng tự nâng cao hoàn thiện bản thân, không bao giờ cho phép chủ quan tự mãn sau thắng lợi, thành công nhất thời, bởi đơn giản “kẻ thù của thành công là thành công”. Sức mạnh con người không chỉ ở bản thân người ấy mà còn nhân lên với sức mạnh của cả cộng đồng người. Trong cuộc đấu tranh khẳng định giá trị đời sống, con người không bao giờ đơn độc và luôn làm được những điều phi thường ngay trong cuộc đời  bình thường.
Từ ông lão Santiago trong câu chuyện Ông già và Biển cả của nhà văn, một triết lý sâu xa về con người bình thường ở giữa thế gian, ý kiến của Hemingway là đúc kết chân lý về con người, khẳng định tư thế hào hiệp và can đảm của con người giữa thế gian. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại!
                                                                                    TRẦN HÀ NAM

Hỏi chuyện nhà thơ Thanh Thảo về thi phẩm “Đàn ghi-ta của Lorca”

20:46', 3/10/ 2008 (GMT+7)- Báo Bình Định

Bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” của nhà thơ Thanh Thảo lần đầu được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Bài thơ hay và hiện đại, nhưng lại không dễ hiểu. Chúng tôi đã có cuộc gặp và trò chuyện với nhà thơ Thanh Thảo về bài thơ này.
* Thơ Thanh Thảo “dành mối quan tâm đặc biệt cho những con người sống có nghĩa khí, nhân cách ngời sáng dù số phận có thể ngang trái...” (sách Ngữ văn 12 nâng cao). Nhưng bên cạnh vấn đề chung ấy, điều gì đã thôi thúc, để ông viết nên bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca”?
- Thực ra, dù tôi có những mối quan tâm như sách giáo khoa nâng cao nói, thì khi viết một bài thơ cụ thể, như bài  “Đàn ghi-ta của Lorca”, mối quan tâm chính của tôi chỉ là một hình ảnh gợi mở, một âm hưởng hay một nhịp điệu mơ hồ nào từ đâu đó, chứ tuyệt nhiên không có một “vấn đề” nào cả! Anh hỏi tôi có gửi lời tri âm hay ký thác nào vào bài thơ ấy không, tôi xin trả lời rất thật là tôi không biết. Khi làm thơ thì chỉ từ ngữ gọi từ ngữ, nhịp điệu đẩy đưa nhịp điệu.
Dĩ nhiên, Lorca là một nhà thơ mà tôi hết sức ngưỡng mộ, cả về thi ca lẫn cuộc đời và cái chết của ông đều gây cho tôi nhiều xúc cảm và ấn tượng. Chính những hình ảnh và nhạc điệu trong nhiều bài thơ Lorca đã dẫn dắt tôi khi viết bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” mà tôi coi như một khúc tưởng niệm ông.
* Nhà thơ Pháp Verlaine nói “Thơ trước hết là nhạc”. Đọc “Đàn ghi-ta của Lorca”, tôi có cảm giác như được nghe một bài hát ca ngợi cái chết bi tráng và sự bất tử của Lorca do một nghệ sĩ hát rong đang ôm đàn ghi-ta biểu diễn. Ông có thể nói rõ thêm về tính nhạc của thi phẩm này?
- Tôi rất sợ bài thơ của mình được liên tưởng với hình ảnh một ca sĩ (hay hát rong) ôm đàn ghi-ta hát vang lên trong nhà hát hay giữa phố đông người. Đúng như Verlaine nói, thơ trước hết là nhạc, nhưng đó là “nhạc của thơ” chứ không phải âm nhạc bảy nốt hay ngũ cung bát âm. Về nhạc tính trong bài thơ này thì như tôi đã nói, chính nhạc tính trong nhiều bài thơ Lorca đã dẫn dắt tôi khi viết bài thơ này. Và tôi muốn dùng lại một số hình ảnh (dĩ nhiên đã biến cải) cũng như mơ hồ một vài theme (đề tài) nhạc trong thơ Lorca khi viết bài này. Tôi nghĩ, ở mức độ nào đó, mình đã làm được điều mình muốn. Cũng như nhiều bài thơ ngắn khác của tôi, bài “Đàn ghi-ta của Lorca” được viết liền một mạch, trong một khoảng thời gian rất ngắn, sau khi ngồi chơi và đàm đạo về thơ Lorca với vài người bạn tâm đắc.
* “Những tiếng đàn bọt nước/ Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt/ li-la li-la li-la/ đi lang thang về miền đơn độc/ với vầng trăng chếnh choáng/ trên yên ngựa mỏi mòn”. Qua mấy dòng này, ông như đang “bắn những tia hồi quang” còn đọng lại trong ký ức về xứ sở Tây Ban Nha. Điều ấy có trùng hợp với ý nghĩ của ông không?
- Tôi chưa thật rõ lắm câu hỏi của anh. Có lẽ, theo tôi đoán, anh muốn biết tôi đã đưa một số hình ảnh được coi là “đặc trưng Tây Ban Nha” như “áo choàng đỏ gắt” hay “hát nghêu ngao”… vào thơ mình như thế nào? Thực ra, đúng như anh nói, đó là những hình ảnh về Tây Ban Nha đã lặn sâu vào tôi từ khi tôi đọc những tác phẩm của Hemingway - một nhà văn người Mỹ. Mãi cách đây mấy năm, tôi mới có dịp ghé qua Barcelona, trong khi bài thơ này đã viết cách đây ngót 30 năm, nên những hình ảnh Tây Ban Nha mà tôi có được đều qua sách vở. Cách biểu đạt này theo tôi cũng không mới mẻ gì, nhưng nó thích ứng trong bài thơ này, khi Lorca được coi là “con họa mi Tây Ban Nha”. Lorca có câu thơ tôi thuộc lòng từ 40 năm nay, qua bản dịch Hoàng Hưng: “Con ngựa đen/vầng trăng đỏ”, còn hoa lila (hoa lys, hoa huệ tây) thì không chỉ có ở Tây Ban Nha, nhưng dường như nó đã đi vào một tác phẩm nào đó viết về Tây Ban Nha mà tôi nhớ. Với lại, li-la còn gợi âm thanh như một cú “vê” ghi-ta, cây đàn mà người Việt mình hay gọi là “Tây Ban cầm”. Một không khí hơi mờ ảo, những hình ảnh lãng đãng… là những gì tôi có được về xứ sở Andalusia mà tôi cảm nhận qua thơ Lorca và tôi đã cố gắng đưa vào bài thơ mình. May mà nó lại… được.
* Trong bài có nhiều hình ảnh gợi cảm “tiếng đàn bọt nước”, “vầng trăng chếnh choáng”, “yên ngựa mỏi mòn”... Những hình dung từ này có vai trò gì trong thể hiện chủ đề của bài thơ, thưa ông?
- Thực ra, tôi dùng những “hình dung từ” ấy một cách tình cờ thôi, hoàn toàn không cố ý. Tôi vẫn làm thơ như vậy, không cố ý, không “mài giũa ngôn từ”. Những liên hệ (nếu có) giữa các tổ hợp từ ấy trong bài thơ đều gắn một cách vô thức với số phận Lorca. Những “chếnh choáng”, “mỏi mòn”, “bọt nước” dường như có gần xa ám ảnh cuộc đời Lorca, chúng ám cả vào thi ca của ông. Ai nghĩ, “bọt nước” sẽ biến mất không để lại dấu vết là nhầm. Bọt nước lúc hiện lúc tan, nhưng tan rồi lại hiện. Nó mỏng manh nhưng không thể bị tiêu diệt. Thơ cũng vậy. Thơ Lorca càng vậy.
* Xin cảm ơn nhà thơ.
  • Cát Văn (Thực hiện)

Về Chữ người tử tù

Đề luyện tập: Quan niệm về cái Đẹp của Nguyễn Tuân trong truyện ngắn Chữ người tử tù.
BÀI VIẾT THAM KHẢO:
Nguyễn Tuân (1910 – 1987) cả một đời văn đi tìm cái Đẹp. Nhưng khác với Thạch Lam, tâm hồn ông hướng về vớ i những nét toàn thiện toàn mĩ , vượt lên khỏi giới hạn của cái bình thường, luôn nhìn nhận thế giới và con người ở phương diện thẩm mĩ – văn hoá.
Vang bóng một thời như là một điểm xuất phát của quan điểm nghệ thuật mang dấu ấn cá tính con người tài hoa tài tử Nguyễn Tuân. Mười một truyện ngắn dựng lên những chân dung đặc sắc khó quên của một thời quá vãng, tiêu biểu cho khuynh hướng thoát li của Nguyễn Tuân trước cách mạng : những thú chơi tao nhã, những con người của quá khứ xa xăm, thực ra là một cách cắt nghĩa cho tấm lòng của nhà văn vốn nặng tình cùng thời vàng son dĩ vãng. Nhưng ẩn chứa trong tập truyện là một tâm hồn dân tộc yêu tha thiết những giá trị đã trở thành truyền thống. Bên cạnh đó, tác phẩm còn là nơi gửi gắm tâm sự yêu nước, tâm trạng bất hoà của một người trí thức luôn cảm thấy bức bối trong khuôn đời chật hẹp. Cảm hứng đặc biệt mãnh liệt của Nguyễn Tuân gắn với những nhân vật đối lập với trật tự khuôn phép phong kiến, thể hiện tập trung trong truyện ngắn Chữ người tử tù, giúp ta hiểu sự chân thành sâu lắng của Nguyễn Tuân trong cái vỏ khác người kiêu bạc.
Tác phẩm là câu chuyện xoay quanh nét chữ của Huấn Cao – người tử tù bất khuất. Xung quanh trục chính của câu chuyện là những nhân vật thầy thơ lại, viên quản ngục và Huấn Cao. Họ vốn là kẻ thù với nhau trong cuộc sống, nhưng lòng yêu cái Đẹp giúp họ tìm đến với nhau như những người bạn tâm giao.

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Cái đẹp trong văn Thạch Lam


Với nhà văn Thạch Lam (1910-1942), vẻ đẹp là một cái gì chỉ hiện ra mong manh thấp thoáng nên dễ bị bỏ qua. Ông viết: "Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường...". Cái đẹp trong văn Thạch Lam là cái đẹp cổ điển: đẹp và buồn.

Không phải nhà văn tiền chiến nào cũng thích nói đến cái đẹp. Đọc các truyện ngắn truyện dài của Nguyễn Công Hoan hay cả loạt phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng, người ta thấy cái đẹp hầu như vắng mặt. Có vẻ nó giống như một thứ hàng xa xỉ, không dây dưa gì đến cuộc đời nhếch nhác này, và để được chân thành trong câu chuyện, tác giả ngầm bảo ta rằng, tốt hơn hết là không nên nhắc tới nó làm gì (!?)

ở một ngòi bút như Thạch Lam (cũng như ở Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh...) thì tình hình hoàn toàn ngược lại. Từ những bài báo nhỏ đến những truyện ngắn cô đọng, viết văn với Thạch Lam đồng nghĩa với việc săn sóc tới cái đẹp, và nhắc nhở về sự có mặt của nó với mọi người. Ông nói tới vẻ đẹp trong thiên nhiên: buổi trưa vắng vẻ ở một làng quê hay ban mai yên ả ở một xóm nhỏ trung du (Dưới bóng hoàng lan, Nắng trong vườn). Ông nói tới vẻ đẹp hồn hậu trong xúc động đơn sơ của một thanh niên lần đầu làm cha, hoặc cái cảm giác lạ lùng của mấy em nhỏ trong một ngày chớm rét (Đứa con đầu lòng, Gió đầu mùa). Đối với những con người khiêm nhường mà cuộc sống bị đè nặng bởi những lo toan hàng ngày, Thạch Lam biết tìm ra những nét tính cách cao quý, nó là nhân tố làm cho người ta tồn tại và nhờ vậy, lại toát lên một vẻ đẹp riêng (Nhà mẹ Lê, Tối ba mươi). Một nét quán xuyến trong cách nhìn đời của Thạch Lam: tác giả luôn luôn mách thầm với chúng ta rằng vẻ đẹp là một cái gì chỉ hiện ra mong manh thấp thoáng nên dễ bị bỏ qua. Ông viết trong Theo dòng: "Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ, tìm cái đẹp kín đáo bị che lấp trong sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức".

Quan niệm cổ điển và một thoáng gặp gỡ Đông - Tây

Năm 1940, khi Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân được in ra lần đầu, Thạch Lam sớm có bài giới thiệu quyển sách trên báo Ngày nay (số ra 15-6-1940). Bài báo đáng được lưu ý, không phải chỉ vì nó đã nói đúng về Nguyễn Tuân mà còn là một dịp để Thạch Lam tự bộc lộ. Chỉ trong khuôn khổ chưa đầy 1.000 chữ, ông đã năm lần nhắc tới cái đẹp và những từ ngữ ông dùng để đi kèm chính là những thuộc tính mà theo ông có liên quan tới cái đẹp chân chính. Đó là vẻ nên thơ, sự cao quý, cái có ý nghĩa, rồi cả sự khoáng đạt và một chút nồng nàn. Cũng có đến mấy lần ông nhắc lại hương vị cũ kỹ và nhẫn nại của một sự hy sinh, hoặc tâm tình yêu mến dĩ vãng, tiếc thương và muốn trở lại những vẻ đẹp đã qua.

Cũng từ đây, người ta đọc ra một quan niệm về cái đẹp mà tác giả Gió đầu mùa theo đuổi. Trưởng thành từ một cốt cách học trò, người viết văn này dễ rung động với những gì thấp thoáng, dịu nhẹ. Ông tỏ ra xa lạ với những vẻ đẹp chói chang, quyến rũ, hoặc là cái lối có gì mang bày hết cả ra ngoài, phô phang lộ liễu. Hình ảnh mà ông thích nhất là bông mai trong trắng. Trong sự kín đáo và ẩn nhẫn biết điều, vẻ đẹp ông hay nói tới thường hàm chứa một sức sống tiềm tàng. Một quan niệm như thế phải nói là có nhiều chất cổ điển. Giữa thế kỷ của văn minh công nghiệp trong cái thời mà máy móc và các mốt thời trang bắt đầu du nhập và ngày càng bành trướng trong xã hội, văn chương Thạch Lam có vẻ là một thứ dòng nước ngược đưa người ta trở lại với quan niệm về cái đẹp của phương Đông hoặc gần gũi hơn, trong cách hiểu về cái đẹp thường thấy ở ông cha ta. Vậy đâu là tác động của yếu tố thời đại đến ngòi bút này? Thực ra ở đây yếu tố thời đại vẫn có, nhưng cách ảnh hưởng của nó tới Thạch Lam lại có những nét đặc trưng riêng. Nên nhớ là giữa nền văn hóa Pháp được du nhập vào Việt Nam lúc ấy và văn hóa phương Đông cổ truyền không phải chỉ có khác biệt mà còn có nhiều nét chung. Văn hóa cổ điển Pháp cũng nổi tiếng vì sự trong sáng, sự tinh tế và tinh thần nhân bản. Thứ nữa khi tiếp nhận nền văn hóa này, lớp người như Khái Hưng, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu hoặc Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... đã đứng vững trên mảnh đất quê hương ruột thịt. Trong sách vở mà nhà trường dạy họ cũng như trong những quyển sách họ đọc ở ngoài đời có những lời lẽ khuyên họ phải biết trở về với cội nguồn dân tộc. Về phần mình, trong sáng tác văn chương, Thạch Lam sớm tự xác định cho mình một con đường riêng. Ông cho rằng, có một công việc mà một ngòi bút tự trọng nên đảm nhận, đó là làm sống lại cái đẹp, cái thực vốn là những tính cách cố hữu trong nền văn hóa cổ truyền. Người và cảnh ông miêu tả vì vậy thường có thêm chiều sâu trong thời gian. Cái đẹp được ông chắt chiu gạn lọc. Tuy không nói ra trực tiếp, nhưng từ những gì ông tha thiết, thấy toát lên một lời giáo huấn kín đáo: nếu không được trân trọng giữ gìn, cái đẹp vốn đã mong manh sẽ tan mất đi và chúng ta sẽ mãi mãi sống trong bơ vơ tiếc xót.

Nỗi buồn giấu kín

Nhưng có lẽ đặc tính đáng nhớ nhất của cái đẹp trong văn Thạch Lam ấy là nó thường được miêu tả với một nỗi buồn sâu xa. Cảm giác chính còn lại trong người đọc sau khi đọc nhiều trang sách, từ Gió đầu mùa đến Sợi tóc, là một cuộc đời mờ mờ xám xám. Hãy nhớ lại Cô hàng xén, thiên truyện bao quát gần hết cuộc đời của một con người. Những phiên chợ quê nhiều mầu sắc, thoáng qua rất nhanh, cùng với những năm tháng tuổi trẻ, ấp ủ nhiều hy vọng của người con gái chăm chỉ và giàu tình thương gia đình. Rồi cái khía cạnh người ta nhớ hơn cả khi nghĩ tới Tâm, ấy là con đường từ chợ về nhà vắng vẻ, cùng những lo âu đè nặng tâm hồn cô trong cuộc sống hàng ngày. Ngòi bút Thạch Lam thường tỏ ra có sự nhạy cảm lạ lùng với những gì đã an bài hoặc những nếp sống đã trở thành mòn mỏi. Một buổi tối phố huyện, nhà cửa như thiếp dần đi trong ánh sáng những ngọn đèn dầu leo lét. Những điệu hát xẩm vẳng lên trong một xóm nghèo. Mấy bức tranh dân gian mầu sắc đạm bạc. Cảnh tết sơ sài ở một xóm nhỏ ngoại thành... Thạch Lam bằng lòng chấp nhận cuộc sống như nó đang có, nhưng vẫn không thôi tự nhủ lẽ ra nó phải khác kia, làm sao nó lại chỉ như chúng ta đang thấy! Một cảm giác bao trùm còn lại: Đời đẹp và buồn. Và nhờ gắn với cái buồn, cái thực, mà vẻ đẹp trong văn Thạch Lam lại có được sự sống riêng. Nó trở nên bền chắc. Nó không lẫn đi giữa những vẻ đẹp nhạt nhèo mà những cây bút tầm thường mang ra để an ủi bạn đọc. Cái thuở thanh bình xa vắng tác giả Gió đầu mùa hay nói tới giờ đã qua đi từ lâu, song sống trong tấp nập ồn ào, các thế hệ đến sau vẫn có thể tìm thấy ở cái vẻ đẹp cổ điển mà Thạch Lam hay nói tới một sự đồng cảm. Cổ điển ở đây đồng nghĩa với sống mãi.

Vương Trí Nhàn

(Báo Thể thao và Văn hóa)

Nam Cao và niềm khát vọng về một cuộc sống có phẩm giá, có tư cách


Nam Cao (1915 - 1951) tên thật là Trần Hữu Trí, quê ở làng Đại Hoàng, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, có lúc Nam Cao dạy học ở một trường tư thục, nhưng khi trường bị đóng cửa, ông sống bằng nghề viết báo, viết văn, làm gia sư. Năm 1943, Nam Cao gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc ở Hà Nội. Bị khủng bố, ông phải lánh về quê và tham gia Tổng khởi nghĩa tại đó. Năm 1946, Nam Cao có mặt trong đoàn quân Nam tiến vào đến Nam Trung Bộ. Sau đó, ông lên chiến khu Việt Bắc, làm công tác tuyên truyền, báo chí, văn nghệ ở Trung ương, tham dự chiến dịch biên giới năm 1950. Tháng 11 năm 1951, trên đường vào công tác vùng địch hậu, Nam Cao bị giặc Pháp phục kích bắt và bắn chết tại bốt Hoàng Đan ở Ninh Bình.

Trong công tác, Nam Cao là một người chu đáo, có tránh nhiệm. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều bạn bè đã nhìn thấy ông làm việc rất hăng say. Khi làm báo, làm việc ở xưởng in bên cạnh anh em công nhân, ở chiến dịch biên giới, hay trong đoàn cán bộ vào vùng địch hậu, người ta như bắt gặp một Nam Cao khác, không phải một Nam Cao rụt rè, nhút nhát, mà một Nam Cao dũng cảm, xông xáo, xung phong đi đầu trong khó khăn.

Nam Cao bắt đầu viết từ năm 1936. Ngoài truyện, ông còn làm thơ, soạn kịch. Nhưng chỉ từ năm 1941, với truyện Chí Phèo, ông mới thể hiện rõ tài năng độc đáo và xác định chắc chắn vị trí của mình trong nền văn học dân tộc.

Nói về sáng tác của mình trước Cách mạng Tháng Tám, trong một bản tự thuật, Nam Cao kể lại: "Ngoài những truyện ngắn đăng trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy và một số sách nhi đồng (Truyền bá, Hoa mai)... đã viết một số tiểu thuyết dài, nhưng vì bị kiểm duyệt bỏ hay vì dài quá không in được: Ngày lụt, Cái mấu, Chuyện người hàng xóm, Sống mòn v.v... (trừ bản thảo Sống mòn vẫn còn giữ được, còn lại đều mất hết vì đã bán cho các nhà xuất bản cả rồi).

Do tình hình tác phẩm bị thất lạc rất đáng tiếc như vậy, cho nên ngoài vài vở kịch và dăm bài thơ không có gì đặc sắc và do đó ít được nhắc đến, tác phẩm của Nam Cao đến được với người đọc hôm nay chỉ gồm hơn 60 truyện ngắn, một tiểu thuyết và mấy tập bút ký.

Những truyện ngắn viết trước Cách mạng của Nam Cao đáng chú ý nhất là Chí Phèo, Dì Hảo, Nhỏ nhen, Cái mặt không chơi được, Lão Hạc, Trẻ con không được ăn thịt chó, Một bữa no, Sao lại thế này, Điếu văn, Từ ngày mẹ chết, Mua danh, ở hiền, Trăng sáng, Đôi móng giò, Lang Rận, Tư cách mõ, Đời thừa, Mua nhà, Những truyện không muốn viết, Cười, Quên điều độ, Nước mắt, Đón khách... Tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao hoàn thành năm 1944, nhưng mãi đến năm 1956, sau khi nhà văn mất, mới được xuất bản lần đầu. Truyện ngắn có giá trị nhất của Nam Cao viết sau Cách mạng Tháng Tám là Đôi mắt. Ngoài ra, trong thời gian này, ông còn có nhật ký ở rừng thể hiện rõ những chuyển biến tư tưởng của nhà văn trong những ngày tham gia kháng chiến.

Nam Cao quan tâm đến cả sinh hoạt nông thôn và thành thị, miêu tả nhiều loại người, đặc biệt là nông dân và trí thức nghèo. Nhưng dù miêu tả thành phần xã hội nào, ông vẫn đi sâu vào các số phận, các kiếp người, như chính nhà văn thường nói. Thái độ thương cảm, lòng trắc ẩn của ông dành nhiều cho những người cùng khổ, những người "dưới đáy" của xã họi những người hiền lành chất phác, nhưng đời sống quá vất vả, cơ cực, số phận hết sức hẩm hiu. (Nghèo, Dì Hảo, Lão Hạc, Một bữa no, Từ ngày mẹ chết, ở hiền).

Một loại nhân vật khác phần lớn cũng từ nông dân lao động nghèo mà ra, nhưng do những hoàn cảnh đặc biệt đưa đẩy, đã trở thành những tay trộm cướp, lưu manh, những con người bị tha hóa, bị què quặt cả về thể xác và tinh thần. Những con người ở bên lề xã hội hay phá phách này, cùng với những người điên, những người câm, những người dị dạng kỳ quặc đủ loại, càng tô đậm thêm bộ mặt cùng quẫn, bế tắc, mất nhân tính của xã hội (Chí Phèo, Đôi móng giò, Lang Rận, Tư cách mõ...).

Một loại nhân vật thứ ba khá đông đúc trong tác phẩm của Nam Cao, khác với hai loại người trên ở chỗ có trình độ học vấn, có ý thức hơn về thân phận, có nhiều băn khoăn suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, về giá trị làm người. Đó là những thầy giáo tiểu học, những viên chức nhỏ, những người làm báo, viết văn. Chính qua những người như Thứ, như Điền, như Hộ, như Độ, nhà văn đã trực tiếp gửi gắm những suy nghĩ của mình về cuộc sống, về nghệ thuật (Trăng sáng, Đời thừa, Sống mòn, Đôi mắt...).

Thông thường, ở một tài năng viết truyện, viết tiểu thuyết, thì sức mạnh tư duy sáng tạo tập trung ở nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nam Cao, với khuôn khổ hạn chế của truyện ngắn, đã xây dựng được cả một loạt nhân vật để lại những ấn tượng khó phai mờ ở người đọc. Nhiều nhân vật của Nam Cao thật sự là những phát hiện mới mẻ, hết sức độc đáo, có khả năng tái sinh trong văn học về sau. Đó là các nhân vật như Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận, Trạch Văn Đoành. Người ta cũng rất khó quên những nhân vật như Bá Kiến, Lão Hạc, dì Hảo, Thứ, Hộ, văn sĩ Hoàng. Nhân vật của Nam Cao rất sinh động. Người đọc tưởng như có thể nhìn thấy họ đang đi lại, ăn uống, nói năng, cười khóc trước mặt mình. Chất sống ở những nhân vật của Nam Cao là do chất sống của cuộc đời thực mang lại. Nhà văn chọn lựa rất tinh những mẫu người, những chi tiết đặc sắc nhất để đưa vào tác phẩm.

Trong miêu tả nhân vật không phải lúc nào Nam Cao cũng chú ý đến ngoại hình. Nhưng, khi cần, Nam Cao cũng chứng tỏ biệt tài khắc họa ngoại hình nhân vật. Thí dụ như trường hợp Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận, Trạch Văn Đoành. Những con người với ngoại hình không bình thường, quái dị ta vẫn gặp ở ngoài đời, nhưng ngòi bút của Nam Cao khiến chúng ta nhìn chăm chú hơn vào họ và giật mình sửng sốt: hóa ra một phần của cuộc sống đã biến dạng, đã xấu xí, đã thoái hóa đến như vậy!

Nam Cao thể hiện sở trường ở miêu tả nội tâm, miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật. Nhà văn thường để cho nhân vật tự bộc lộ suy nghĩ, tâm trạng của mình, một mình tự nói với mình, sử dụng rộng rãi biện pháp độc thoại nội tâm, độc thoại bên trong. Điều này hết sức rõ rệt ở những nhân vật trí thức như Điền, như Hộ, như Thứ. Nhưng ngay cả những người tăm tối mà sự sống tưởng như chỉ quy vào tồn tại sinh vật, như Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận, anh cu Lộc. Cũng có đời sống nội tâm. Đời sống nội tâm, sự suy nghĩ, trăn trở là dấu hiệu của tính người, của trình độ sống.

Nét đặc trưng có sức lôi cuốn mạnh nhất trong tài năng và phong cách của Nam Cao là chất trữ tình ấm áp, lây truyền, thấm đậm hầu hết các trang viết của ông. Chất trữ tình này bắt nguồn từ nỗi buồn thương, đau đời của ông trước nỗi khổ không cùng của con người, từ lòng khao khát của ông về một cuộc sống có tình người, có phẩm giá, có tư cách. Chất trữ tình này cũng tăng thêm do chỗ nhà văn thường đi sâu vào tâm hồn, tâm trạng nhân vật, trực tiếp bày tỏ thái độ, tình cảm, tư tưởng của mình về cuộc sống, do tính chất tự truyện trong nhiều tác phẩm của ông.

Tài năng của Nam Cao thể hiện rõ ở chỗ: hầu như chỉ viết về cái hằng ngày, cái đời thường, với một cách viết khá dung dị và tự nhiên, ngòi bút của ông đã tái hiện những cảnh đời, nêu lên những chủ đề có tính chất xã hội và nhân văn sâu sắc, phảng phất mùi vị triết lý, khiến người đọc không chỉ một thời mà nhiều thời đọc đi đọc lại tác phẩm của ông. Tác phẩm của Nam Cao như những câu hỏi cứ xoáy sâu vào tâm trí người đọc, không phải câu hỏi "tồn tại hay không tồn tại", "sống hay không sống", mà là sống như thế nào cho ra sống, sống thế nào cho có phẩm giá, có tư cách, và muốn như vậy con người phải làm gì? Tư tưởng nhân văn chứa đựng trong các tác phẩm của Nam Cao không đơn thuần là lòng thương người, sự cảm thông với những con người bất hạnh, mà thức tỉnh danh dự làm người, buộc con người phải suy nghĩ về thực trạng mình đang sống, tìm cách để thoát ra khỏi kiếp sống thừa, sống mòn vô nghĩa. Đó là tư tưởng nhân văn mang nội dung tích cực. Dễ hiểu vì sao sau Cách mạng Tháng Tám, nhà văn đau đời, thương người ấy lại thiết tha như vậy với cuộc sống mới, say mê hoạt động như vậy, vừa với tư cách là nhà văn, vừa với tư cách công dân.

Nam Cao cũng là nhà văn có phần đóng góp quan trọng bậc nhất vào sự phát triển ngôn ngữ văn xuôi dân tộc.

Cũng như nhiều nhà văn hiện thực thời kỳ 1932 - 1945, Nam Cao rất chú ý khai thác tiếng nói hằng ngày của người dân, sử dụng có chọn lọc tiếng địa phương, tiếng nghề nghiệp trong tác phẩm của mình. Ngôn ngữ của ông phong phú, biến hóa, đầy sức sống, vừa có tính chuẩn mực của ngôn ngữ văn học dân tộc, vừa không rơi vào tình trạng "sách vở", trau chuốt thái quá thành nghèo nàn, giả tạo mà ta có thể bắt gặp trong một số tác phẩm lãng mạn thời đó. So với các nhà văn cùng thời, ngôn ngữ của Nam Cao đến bây giờ là ngôn ngữ ít cũ đi nhất. Chỉ cần đọc lại truyện Chí Phèo, thậm chí chỉ đoạn mở đầu truyện này, viết cách đây đã hơn nửa thế kỷ, ta sẽ thấy ngay ngôn ngữ của Nam Cao giàu có và sinh động như thế nào, hiện đại như thế nào.

Nam Cao là một nhà văn trong ý nghĩa đích thực và cao quý của khái niệm này. Ông là một nghệ sĩ, một nhà tư tưởng, một bậc thầy về tiếng Việt. Người đọc hứng thú, tự nguyện đến với ông vì tính chất chân thực, nhân bản sâu xa trong những tác phẩm của ông, vì ông sớm cảm nghe được một cách chính xác khuynh hướng hiện đại trong sáng tác văn học và thể hiện nó một cách thành công qua việc lựa chọn và miêu tả những hiện tượng tiêu biểu của cuộc sống, qua cách kể chuyện, cấu tạo tác phẩm và sử dụng ngôn ngữ thật mới mẻ và sáng tạo.

Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh
(Tạp chí Xưa và Nay)