CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Bình giảng đoạn trích "Cảnh chia li" trong "Chinh phụ ngâm khúc"

     Cảnh chia li là một trong những đoạn trích hay nhất của Chinh phụ ngâm khúc, đã cho thấy rõ hoàn cảnh bi thương của đôi vợ chồng trẻ.
            Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng
           Hàng cờ bay trong gió phất phơ.
      Trong cái giờ phút chia li ấy, trong cái không gian nhuốm đầy màu tâm trạng, bất giác, một tiếng sáo vang lên như mang theo cả nỗi niềm của người chinh phụ. Tiếng sáo ấy dường như lắng đọng cùng tâm trạng nàng, như muốn gửi gắm những mong mỏi, chờ đợi, lo lắng cho người chinh phu ở nơi sa trường. Đằng sau hình ảnh bóng cờ phất phơ, ta còn nhận ra được ánh mắt đăm đắm nhìn theo cùng với tất cả tấm lòng son sắt, thủy chung của người chinh phụ, hi vọng có thể tìm thấy được bóng hình quen thuộc của mình.
                 Dấu chàng theo lớp mây đưa,
                Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.
       Hai câu thơ tiếp theo đã mở ra một không gian thiên nhiên vô cùng rộng lớn, bao la, rợn ngợp. Phải chăng ở đây, không gian ấy được tạo nên như muốn chia cắt đi mối tình son sắt, mặn nồng của đôi vợ chồng trẻ? Nhưng dù sao đi nữa, bất chấp mọi sự cản trở, họ vẫn luôn luôn hướng về nhau, quan tâm, lo lắng cho nhau dù cho lớp mây kia đưa đẩy, rặng núi kia hóa thành bức tường ngăn cách. Thủ pháp sóng đôi, một thủ pháp quen thuộc của thi ca Việt Nam đã góp phần làm tô đậm thêm cho sự khắng khít, gắn bó không muốn xa rời của đôi vợ chồng. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, người chinh phu đã ra đi, để lại người chinh phụ bơ vơ, đơn độc một mình trong chốn buồng cũ chiếu chăn hiu quạnh. Nàng ngơ ngẩn, bàng hoàng ôm trọn cho riêng mình một nỗi sầu, một nỗi nhớ mong dâng lên đến tột cùng.
         Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
         Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
         Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
         Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
     Hàm Dương - Tiêu Tương, hai địa danh được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bốn câu thơ trên, cùng với các hành động ngoảnh lại, trông sang đã khiến cho mối sầu lại càng sầu hơn. Không những vậy, khoảng cách xa nghìn trùng giữa Hàm Dương - Tiêu Tương đã vô tình làm tăng thêm sự xa cách của đôi chinh phu, chinh phụ. Và giờ đây, họ chỉ còn biết gởi gắm những tâm tư, tình cảm của mình vào thiên nhiên, giãi bày tấm lòng của mình với thiên nhiên, và thầm mong đến ngày gia đình được đoàn tụ, sum họp hạnh phúc. Nhưng sự thật lại quá phũ phàng, hiện thực khốc liệt của chiến tranh đã lấy đi tia hi vọng duy nhất của người chinh phụ. Để rồi nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần lại như chiếm lĩnh hoàn toàn tâm trí của nàng.
              Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
              Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
              Ngàn dâu xanh ngắt một màu
              Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
      Ở đây, tác giả không chỉ muốn nói đến mối sầu dai dẳng luôn bám theo người chinh phụ, mà nó còn muốn nhấn mạnh hơn về hiện thực oái ăm đến lạ thường: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy. Họ muốn gắn bó, gần gũi nhau nhưng lại phải chia li, cách biệt, càng dõi nhìn nhau thì càng không thể thấy được nhau. Nhưng, tuy hai người ở hai nơi xa cách nhau đến muôn trùng, muôn dặm thì tâm hồn của họ vẫn hướng về nhau, thấu hiểu cho nhau những niềm vui, nỗi buồn. Để từ đó, họ ngoảnh về cùng một hướng, cùng nhìn về bãi nương dâu xanh ngắt kia. Màu xanh - màu của hòa bình, của sự hi vọng, tràn trề hạnh phúc, nhưng sao ở đây,  nó lại thấm đẫm sự cô đơn, hiu quạnh khiến cho người chinh phụ không thể không thốt lên một câu hỏi chứa đầy sự phẫn uất, sầu hận Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai???...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét