Vạn lí sầu lên núi tiếp mây...
Vọng về từ không gian những vần thơ Huy Cận, đánh thức trong lòng ta chút cảm thức về vũ trụ bao la và phận người nhỏ bé - giữa bầu trời mặt đất là cái tình vương vấn đậm chất lãng mạn của một "chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm...".
Nói đến Huy Cận là nói đến cái sầu vũ trụ thời Thơ Mới - khi lòng người thanh niên quá hoang mang trước bao biến động cuộc đời, mong tìm một chút tình bấu víu, tìm một tấm lòng sẻ chia. Nỗi niềm ấy kết đọng trong Tràng giang, bàng bạc lòng quê giữa mênh mang sóng nước.
Ta có nghe chăng, vọng từ âm hưởng tràng giang nỗi sầu lan tỏa?
Ta có nghe chăng, âm điệu Đường thi gặp gỡ tâm tình người thanh niên thời đại lãng mạn?
Và lại chợt nghe một lời ngâm dìu dặt, từ một không gian Huy Cận:
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn...
Có bao ẩn tình từ sóng nước tràng giang! Vô tình lại nhớ đến lời của người phát ngôn tinh thần Thơ Mới - Hoài Thanh: "Đi sâu vào hồn của một người, ta gặp được hồn của nòi giống; đi sâu vào hồn một nòi giống, ta gặp hồn chung cho cả loài người...". Phải chăng vì vậy mà ta gặp Thôi Hiệu của một "nhật mộ hương quan hà xứ thị", một Đỗ Phủ "Tái thượng phong vân tiếp địa âm" mà Nguyễn Công Trứ dịch thành tứ "Mặt đất mây đùn cửa ải xa" ...trong các câu chữ, hình ảnh thơ của Tràng giang. Và dẫu cho có "cách hơn một nghìn năm và hai thế giới", hóa ra nỗi buồn con người thời đại nào cũng có sự gặp gỡ trong ý thức về thân phận, về nhân thế!
Điều đọng lại trong tình tự tràng giang chính là lòng quê sâu thẳm, cái tình quê đậm đà ...để làm điểm tựa cho cánh chim cô đơn chấp chới trong bóng chiều trĩu nặng, để sáng bừng lên nắng chiều dát bạc tỏa sáng lòng sông, lòng người. Thương và đáng trân trọng biết bao lời thơ của những ngày non nước chìm đắm trong cảnh nô lệ, để đánh thức từ cảm nhận về sự bơ vơ lạc loài một tình yêu dân tộc, đất nước!
1.2011
T.H.N
Điều đọng lại trong tình tự tràng giang chính là lòng quê sâu thẳm, cái tình quê đậm đà ...để làm điểm tựa cho cánh chim cô đơn chấp chới trong bóng chiều trĩu nặng, để sáng bừng lên nắng chiều dát bạc tỏa sáng lòng sông, lòng người. Thương và đáng trân trọng biết bao lời thơ của những ngày non nước chìm đắm trong cảnh nô lệ, để đánh thức từ cảm nhận về sự bơ vơ lạc loài một tình yêu dân tộc, đất nước!
1.2011
T.H.N