CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Chinh phu

CHINH PHU - CHINH PHỤ


Chinh phu-chinh phụ nằm trong hệ thống đề tài thơ biên tái của thi ca trung đại Việt Nam,mang dấu ấn thời đại gắn với những cuộc chiến phi nghĩa gây ra biết bao nỗi thống khổ cho con người.”Chinh phụ ngâm khúc” – bài thơ nổi tiếng của tác giả Đặng Trần Côn đã tái hiện xuất sắc tâm trạng người chinh phụ trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Bằng thể thơ song thất lục bát, nhà thơ đã khéo léo khắc họa tâm trạng kẻ ở người đi giữa chinh phu và chinh phụ trong phần chia ly của “Chinh phụ ngâm khúc”.
Mở đầu đoạn trích là ngoại cảnh buổi chia ly,yếu tố quan trọng tác động vào tâm trạng con người. Với âm thanh “tiếng địch” mang dấu ấn nỗi ám ảnh chốn sa trường, vọng vào trong tâm trí con người, đem lại cho con người cảm giác hoang mang, xáo động. Cùng với tiếng địch vang vọng là “Hàng cờ bay trong bóng phất phơ”.Tất cả đều gợi lên một khung cảnh bi tráng, hào hùng,nhưng đằng sau cái dáng vẻ bề ngoài khoa trương là sự lặng lẽ, âm thầm của người chinh phụ.Nàng tiễn đưa chồng trong sự im lặng,hoàn toàn trái ngược với thứ âm thanh vang dội ở trên.Trên bầu trời xanh,những đám mây như quấn quýt lấy người chinh phu,lững lờ trôi theo dấu chân chàng,như mang theo biết bao nỗi niềm tâm sự của người chinh phụ.Phải chăng,người chinh phụ muốn được hóa thân thành đám mây kia,đi theo chinh phu đến sa trường đế có thể lại được theo dõi chàng,chăm sóc cho chàng,quấn quýt lấy chàng.Nhưng khi bóng chàng đã dần xa thì cũng là lúc chinh phụ trở về với hiện thực,cái nhìn của nàng mãi dõi theo bóng chinh phu,mất hút vào rặng núi “Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà”. Người chinh phu đã đi xa,để lại cái nhìn “ngẩn ngơ” của chinh phụ.Cái nhìn ấy gợi đến một dáng hình bất động,mang theo “nỗi nhà”,mang theo những đớn đau của cảnh chia ly,gợi nhắc đến những kỉ niệm của cuộc sống vợ chồng ấm nồng hạnh phúc,người chinh phụ nuối tiếc những giờ khắc ấm êm của mình và như vẫn còn bàng hoàng không tin vào sự chia ly đến với nàng quá đỗi nhanh chóng.Hoàn cảnh đã chia lìa họ,những con người khát khao hạnh phúc,khiến họ phải chịu cảnh mỗi người một nơi.
“Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn”
Giữa hai người đã xuất hiện một khoảng cách vô hình tạo nên sự khác biệt về không gian,về cảm nhận.Nơi “cõi xa mưa gió”,nơi “buồn cũ chiếu chăn”,nơi sa trường nhiều nỗi gian truân,vất vả,nơi giường đơn,gối chiếc lầm lũi một mình.Những cặp từ đối lặp nhau “đi”,”về”,”cõi xa mưa gió”,”buồng cũ chiếu chăn” như nhấn mạnh thêm sự xa cách giữa chinh phu,chinh phụ để từ đó cắt nghĩa cho sự chua xót,bồn chồn,lo lắng không yên của chinh phụ”Đoái trông theo đã cách ngăn”.Nỗi trông ngóng,đợi chờ ấy là một nỗi niềm da diết,dai dẳng gắn với hoàn cảnh xa cách.Nhưng đáp lại nỗi chờ đợi của nàng chỉ là cảnh thiên nhiên phũ phàng,lạnh nhạt:”Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh”.Không gian được mở rộng đến vô cùng,vô tận.Cảnh vật chỉ có độc một sắc xanh ,sắc xanh của trời,của đất như hòa quyện vào nhau đem lại một cảm giác hoang mang,xáo động .Ranh giới giữa trời và đất như chìm khuất trong màu xanh nhàn nhạt càng khiến cho không gian thêm bao la,rộng lớn,khiến con người càng đơn độc,lẻ loi.Trước hoàn cảnh ấy,người chinh phụ lại nhớ đến chinh phu,suy ngẫm về số phận của mình để rồi nỗi nhớ chồng trào tuôn mãnh liệt.Không gian xa cách lúc này không phải chỉ được khắc họa qua những khác biệt về cảm giác,không phải chỉ chung chung qua cái xanh bạt ngàn của trời đất mà được thể hiện qua địa chỉ cụ thể “chốn hàm Dương”,”bến Tiêu tương”,với sự thay đỗi cảnh quan rõ nét qua các danh từ “chốn”,”cây”,”bến”,”khói” để người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về cái “cách ngăn” giữa chinh phu,chinh phụ.Những động từ”trông”,”ngoảnh” khắc họa cho tâm trạng của hai người hướng về nhau nhưng lại bắt gặp cái trùng trùng xa cách của cảnh vật,thêm vào đó là cách sử dụng lối điệp từ vòng như khắc họa rõ nét hơn tâm trạng ngổn ngang,rối loạn của chinh phụ.Nỗi nhớ ấy biến thành nỗi ám ảnh bám riết lấy chinh phụ,ám ảnh về hình ảnh “ngàn dâu xanh ngắt”.”xanh ngắt”,đó là một sắc màu thăm thẳm,tạo độ sâu không gian,mở rộng ra cùng với cái bạt ngàn của “ngàn dâu”,tạo nên độ tối cho không gian.Không gian “xanh ngắt” gợi một hiện thực tàn nhẫn,bi thương,”ngàn dâu” ấy như rào cản không thể vượt qua,như vách ngăn chia cách.Nếu như ở trên là cái “xanh xanh” lạnh lung,vô vị,đem lại cảm giác về không gian vô tận nhưng vẫn mang chút hi vọng nhỏ nhoi của con người thì nay,với màu”xanh ngắt”,hiện thực chia ly hiện ra rõ nét,mang theo cái sầu thảm của chinh phụ,nhắc ta nhớ đến không gian ly biệt trong Truyện Kiều:
“Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh”
Rõ ràng màu xanh ấy là màu xanh tư tưởng của không ít tác giả trong thời đại phong kiến,màu xanh gắn với sự chia ly,với nỗi cô đơn quạnh vắng,để rồi từ đó vang lên một câu hỏi gửi đến với chinh phu”Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”.Câu hỏi như một tiếng thở dài,như một lời nhắn nhủ,cắt nghĩa cho tâm trạng thường gặp của đôi lứa khi xa cách nhau.Chinh phu,chinh phụ hướng vẫn hướng về nhau,vẫn mơ ước được giao cảm với nhau,thể hiện khát vọng được chia sẻ cùng nhau những nỗi niềm thương nhớ.
Qua trích đoạn cảnh chia ly trong tác phẩm nổi tiếng”Chinh phụ ngâm khúc”của tác giả Đặng Trần Côn,ta thấy rõ được tâm trạng người chinh phụ trong lúc li biệt chồng.Đó là nỗi nhớ nhung ngày càng tăng tiến,mở rộng theo không gian cảnh vật,không gian tâm trạng của con người,thể hiện khát vọng hạnh phúc,khát vọng giao cảm,vượt qua những rào cản hoàn cảnh để tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.
Nguyễn Thị Hạnh Nhân

2 nhận xét:

  1. Mời các thành viên vào bình luận bài viết!

    Trả lờiXóa
  2. Cần xem lại:
    - Hệ thống thi ca biên tái?
    - Đây là bản diễn ngâm của Đoàn Thị Điểm, vậy thì giới thiệu đã ổn chưa?
    - Xem lại cách trình bày vi tính, sau các dấu chấm, phảy phải cách ra!
    - Xem lại lỗi chính tả

    Trả lờiXóa