CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

CẢNH CHIA LY

CẢNH CHIA LY
  • Hồ Ngọc Quý - Văn khoá 11

    
        Trong cuộc sống, ai mà chẳng ước mong có được niềm vui hạnh phúc, có được một cuộc sống gia đình đầy ắp những niềm vui. Còn gì sung sướng hơn khi lứa đôi xum vầy? còn gì mãn nguyện hơn khi uyên ương liền cánh? Thế nhưng không có hạnh phúc nào trọn vẹn. Có những gia đình đã tan vỡ mang lại sự đau khổ, ngậm ngùi. Những nỗi đau, những sự mất mát ấy đã bước vào thi ca dân tộc để lại trong lòng người những nổi niềm xúc động, bi thương.
              Hạnh phúc mới hôm qua đó mà sao đã vỡ tan tành, người vẫn còn đây mà sao đôi đường đôi ngã. Chinh phụ và chinh phu trong bài thơ này cũng thế. Họ phải đau lòng, đứt ruột khi rời xa nhau. Trong tâm trạng cùng cực ấy, một tiếng sáo từ xa vọng lại mang theo âm điệu man mác thiết tha như đồng cảm với tấm lòng của người đi kẻ ở. Tiếng sáo ấy làm khung cảnh nhuốm màu thế lương, làm tâm hồn con người trở nên héo úa và nó như gặm nhắm tâm tư người trong cuộc. Để rồi người chinh phụ, chinh phu phải bàng hoàng, chua xót, ngỡ ngàng nghe chừng. Khung cảnh đoàn quân trong giờ ra trận thông thường đều mang khí thế sục sôi, hăm hở chiến đấu, sẵn sàng xả thân vì nghĩa thế nhưng trong giờ phúc chia tay này hình ảnh ấy như mờ nhạt, tàn tạ phất phơ, lùi đằng sau nhường chỗ cho tâm trạng con người. Người chinh phu ra đi để lại trong lòng người chinh phụ bao nỗi nhớ nhung, sầu muộn. Nàng vẫn dõi mắt trông theo với tất cả tấm lòng son sắt, thủy chung của mình thế nhưng càng đăm đắm bao nhiêu thì lại càng chuốc thêm phiền lụy bấy nhiêu. Hình ảnh người chinh phu cứ khuất dần, mờ dần theo lớp mây đưa, theo từng rặng núi. Để rồi người chinh phụ xót xa ngẩn ngơ nỗi nhà. Một từ ngẩn ngơ như chất chứa bao tâm trạng buồn thương, sầu nhớ. Phải chăng đó là khoảng khắc người chinh phụ thấp thỏm không yên lo cho tính mệnh chồng mình? Phải chăng đó cũng là lúc nỗi đau dâng đầy trong tâm tư người chinh phụ? Một nỗi hoang mang, bất an như bủa vây lấy nàng, đẩy nàng vào tình thế không lối thoát, để rồi càng nhìn theo thì nỗi niềm sầu thương càng chi phối tâm trạng của nàng. Phòng khuê vẫn còn đó, người chinh phụ vẫn còn đó nhưng chồng nàng đang ở nơi nao? Cảnh cũ còn đây nhưng người đã khuất. buồn cũ chiếu chăn, hình ảnh quen thuộc cứ lần lượt xuất hiện, bóng hình chinh phu cứ thế hiện diện trong tâm trí nàng, và những kỉ niệm xưa cứ ùa về theo nỗi nhớ, khiến tâm tư nàng thêm trĩu nặng, bi ai. Để rồi lùi sau nỗi buồn là sự khổ đau dằn xé tâm tư nàng: chàng thì đi cõi xa mưa gió. Mưa gió gợi lên bao nỗi nhọc nhằn, những hiểm nguy vất vả mà người chinh phu phải chịu đựng. Chàng có được bình an chăng? Có đói rét gì không? Tất cả đã trở thành gánh nặng và rồi theo thời gian nó cứ nặng dần, nặng dần. Trong giờ phút tiễn biệt ấy, chinh phu, chinh phụ muốn tìm kiếm hình ảnh của nhau đoái trông nhưng đáp lại nỗi niềm đó lại là tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh. Đoái trông là khoảnh khắc người ta thiết tha, mong đợi, khắc khoải. Đoái trông cũng mang theo tất cả nỗi niềm hi vọng, đợi chờ. Đó là lúc mà tâm hồn khao khát được tìm về nơi bến đổ, tìm kiếm bóng hình quen thuộc để trở về với những khoảnh khắc bình yên trong tâm hồn. Nhưng đáp lại chỉ là ngàn núi xanh, sắc xanh lạnh lùng, sắc xanh tê tái. Nó như đẩy con người vào một cõi triền miên đau khổ. Và theo đó chinh phu, chinh phụ rơi vào một tình cảnh bi kịch khi lại càng hi vọng bao nhiêu thì lại càng tuyệt vọng, bẽ bàng bấy nhiêu. Nỗi nhớ thương cứ thế trải dài ra vô tận. Những địa danh trong đoạn trích Hàm Dương, Tiêu Tương được khắc họa bằng bút pháp ước lệ tượng trưng đã kéo dãn khoảng cách giữa người đi kẻ ở:
Chốn Hàm dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
              Hàm Dương – Tiêu Tương, Tiêu Tương – Hàm Dương, những địa danh ấy cứ lặp đi lặp lại cùng các hành động ngoảnh lại – không nỡ rời xa, trông sang – luyến tiếc, níu giữ, đã làm cho mối sầu thêm nghìn vạn ngổn ngang và mối sầu ấy dằng dặc tựa miền biển xa. Tâm tư luôn hướng về nhau nhưng khoảng cách đã chia đôi con đường. Dường như đó là lúc chinh phu, chinh phụ ngậm ngùi, xót xa cho duyên kiếp bẽ bàng. Để rồi cả hai cùng hướng về hành động cùng trông. Đó là khoảnh khắc hai linh hồn đồng cảm luôn hướng về nhau, thấu hiều và cảm thông cho nhau đến tuyệt đối. Phải chăng cả hai đều hi vọng khi ngoảnh đầu lại sẽ nhìn thấy dáng hình quen thuộc, thân thương ấy? Thế nhưng một lần nữa con người lại rơi vào nỗi bàng hoàng , ngao ngán khi chẳng nhìn thấy đối phương mà lại thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu, ngàn dâu xanh ngắt một màu. Tâm trạng dường như đã hòa vào thiên nhiên một cách tuyệt đối. Thiên nhiên đã truyền tải bao cảm xúc của con người. Toàn bộ khung cảnh tiễn đưa chỉ toàn một màu xanh núi xanh, xanh xanh những mấy ngàn dâu, ngàn dâu xanh ngắt nhưng màu xanh ấy đã có mức độ tăng tiến từ ít đến nhiều, từ nhạt đến đậm. Dường như tâm trạng của người chinh phụ lúc này cũng thế. Theo thời gian khoảng cách càng xa, tâm tư nàng càng thêm ngồn ngang, trăm mối tơ vò. Nàng càng lúc càng đau khổ, xót thương, nhức nhối, càng lúc càng lo lắng, bồn chồn. Xanh ngắt như một mũi dao cứa vào, làm tim nàng rỉ máu. Từ ngắt đã đưa tâm tư nàng lên đến tột cùng của mọi sự khổ đau, tê tái. Màu xanh ảm đạm ấy bao phủ khắp không gian buổi chia li. Một màu như mang theo tâm trạng người chinh phụ trải dài ra vô tận. Để rồi vọng lên trời cao là một câu hỏi tu từ không lời giải đáp:
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
              Giữa hình ảnh người chinh phu xông pha nơi chiến trường, cái chết cận kề bên cạnh; người chinh phụ ngậm ngùi khắc khoải nhớ thương trong chốn phòng khuê đầy ắp kỉ niệm thì ai sầu hơn ai không còn là sự so sánh bình thường nữa mà nó như là minh chứng cho hai tâm hồn, hai tấm lòng luôn hướng về nhau, tan nát lòng trong giờ phút li biệt. Ai sầu hơn ai điều đó chẳng còn quan trọng nữa mà cốt yếu chính là tấm lòng thủy chung, son sắt giữa hai người.
              Mâu thuẫn gay gắt, nội chiến liên miên đã đẩy con người vào những tình cảnh ngang trái, đau khổ. Những đôi vợ chồng trẻ đã phài xa lìa nhau, gạt nước mắt để trở thành chinh phu, chinh phụ. Trong cảnh khói bụi như thế đâu ai biết trước tương lai mình sẽ ra sao. Bạc đầu vì sương sớm hay bỏ mạng nơi sa trường? Duy chỉ có tấm lòng son sắt, thủy chung là không thể nào lu mờ được. Chính vì vậy hình ảnh kẻ ở người đi đã đi vào những áng thơ hay, làm bùi ngùi, xúc động tâm hồn người đọc. Hình ảnh người chinh phu, chinh phụ mãi luôn chiếm những tình cảm ưu ái trong lòng mỗi chúng ta!
             

1 nhận xét:

  1. Ưu điểm là phân tích chi tiết kỹ! Biết cách đặt vấn đề! Cảm nhận một số hình ảnh và quan hệ không gian tốt!
    Cần lưu ý câu văn bình giảng, tăng cường thêm cảm xúc!
    - Cần hiểu sâu ý thơ, trên cơ sở nghiên cứu điển tích trong các hình ảnh thơ.

    Trả lờiXóa