CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Lyrics: Trầu cau (Phan Huỳnh Điểu)

Ngày xưa có hai anh em nhà kia
Cùng yêu thương ở cùng nhau bỗng đâu chia lìa.
Vì hai người cùng yêu mến một cô gái làng bên,
Nhưng người anh được kết duyên cùng nàng.
Vì như thế nên người em lòng buồn rầu bỏ ra đi khỏi làng...

Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu ?
Kìa sông sâu giòng êm reo như gợi mối sầu
nhìn nước cuốn lệ rơi tuôn biết sao vơi niềm thương
Kìa mây sầu giăng chơi vơi
Làm sao dừng cho nhắn đôi lời
Giòng nước lờ trôi mây trắng cùng trôi qua chốn nao
nơi xa xôi anh say sưa cùng ai đang xe mối tình duyên.
Thôi hết rồi giấc mơ huyền.
Qua bao nhiêu ngày ta đi lang thang bởi vì đâu ?
Ôi ta buồn ta đi quyên sinh cũng vì ai...

Tang tính tình tính tang tính tình bên sông sâu
tình Lang sinh thành phiến đá sầu thương theo ngày qua
Trông ngóng chờ tin không biết vì sao nên Tân sinh
Ra đi mong tìm em thương yêu nỗi niềm thương nhớ.

Qua bao ngày ta đi lang thang cố tìm em
Giòng sông êm đềm trôi cuốn như vương tiếng buồn
nhìn nước cuốn lệ rơi tuôn
biết sao ngăn niềm thương
Trời xanh cùng mây bay cao
Rừng sâu tìm em biết phương nào ?
Nhìn chốn rừng hoang nghe tiếng rừng vang
trong gió ngàn như than van
Bao nhiêu đau lòng sao ta đâu thấy hình em.
Thôi hết rồi phút êm đềm
Qua bao nhiêu ngày ta đi lang thang cố tìm em
Ôi ta buồn ta đi quyên sinh cũng vì em.

Tình tính tình tính tang tính tình tang tính tình
bên sông sâu
Người Tân Sinh gần phiến đá thành cây cau trồi lên Trông ngóng chờ tin không biết chồng sao
Nên bâng khuâng,
trong yêu thương nàng ra đi mong kiếm chồng yêu mến.

Đây cây rừng thông reo vi vu bóng chồng đâu ?
giòng sông ơi nào ai sớt cho vơi mối sầu ?
nhìn nước cuốn lệ rơi tuôn
Biết sao vơi niềm thương
Làn mây chiều đang giăng tơ
Nhìn mây lòng man mác trông chờ.
Kìa gió rừng lên xao xuyến lòng em thương nhớ chàng ôi sao quên ?
Mây ơi xin đừng bay cho ta nhắn vài câu.
Cho thấy chồng bớt nguôi sầu.
ôi đây cây rừng thông reo vi vu biết làm sao ?
Đây hương hồn em xin theo anh đến trời cao.

Tình tính tình tính tang tính tình tang tính tình
Bên sông sâu, niềm tương tư nàng chốc biến
thành ra dây trầu xanh.
Lưu luyến tình xưa âu yếm trầu leo quanh thân cau
Qua bao năm tình thiêng liêng kia thắm cùng mưa nắng...

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Nguyễn Bính - Những mùa xuân tha hương

  • NGƯT Trương Tham
Nguyễn Bính, là một trong những nhà thơ viết nhiều về mua xuân. Nhiều bài thơ xuân của ông cứ như níu lấy hồn người vương vấn chút hương xuân xứ sở: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay. Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy..." (Mưa xuân).

Rồi những bài thơ viết trong những mùa xuân xa quê hương lại đem đến một hương vị khác của thơ ông. Một con người yêu quê hương tha thiết, nhưng lại quyết rời quê hương đi khắp miền đất nước, không có cái hơi thở của người "Li khách" trong thơ Thâm Tâm "Li khách, li khách con đường nhỏ. Chí lớn chưa về bàn tay không". Cũng không có nét phiêu bạt của Nguyễn Tuân "Đi để mà viết. Viết để lấy cái mà đi". Không thơ mộng như Hữu Loan, không có cái hùng khí "Lên đường" của Hoàng Cầm ... Có người gọi đó là những chuyến đi định mệnh. Cũng có người gọi nhà thơ là thi sĩ giang hồ. Tôi nghĩ rằng khác, tạo hóa sinh ra mỗi con người hầu như không có ai hoàn thiện. Mỗi một người đều có một cái gì thiếu hụt, khiến chon con người cảm thấy hụt hẫng với nổi buồn bâng khuâng,gọi họ đi tìm kiếm để tự hoàn thiện mình. Cuộc đời ai chẳng là những chuyến đi. Tất nhiên mỗi người một khác. Còn Nguyễn Bính là một nhà thơ.

Năm tháng dài theo những chuyến đi, những mua xuân xa nhà thấm đượm trong khắp các tập thơ Nguyễn Bính tạo thành chất hương thơ quyến rũ đến nao lòng. Nhưng có lẽ phải đợi đến chuyến đi dài, đi lâu của nhà thơ vào phương Nam nổi niềm hoài hương ấy mới thật sự thấm thía. Điều cần tìm chưa tìm được, mùa xuân nơi đất khách, không nhà nhà thơ nhớ về một kỷ niệm thật xa. Một chuyện tình thời thơ dại với một người con gái tên Nhi. Để rồi mơ ước một ngày gặp lại:

Như chuyện Tương Như cùng Trác Thị
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
(Hoa với rượu)

Nhưng mơ chỉ để mà mơ "Chị Nhi đã lấy chồng năm trước. Nhi đến năm sau lại lấy chồng" còn gì buồn bằng khi biết mơ, chỉ mãi là mơ.

Khi vào Nam, Nguyễn Bính sống thật khổ, thật đơn độc : "Từ đó về đây sống rất nghèo. Bạn bè chỉ có gió trăng theo". Nhưng rồi năm tháng đi đã đưa ông đến niềm vui xuân nơi đất lạ "Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá". Bởi vì ông đã tìm thấy nơi lối nhỏ đến Xóm Dừa này những tấm lòng mà ông và con người cần có :
Sao chẳng về đây lựa tứ thơ
Hỡi ơi ! Hồn biển rộng không bờ
(Sao chẳng về đây)
Càng yêu xuân trên mảnh đất miền Nam, ông càng tha thiết nhớ về đất Bắc:
Vườn nhà Tết đến hoa còn nở
Chị gửi cho em một cánh hồng.
(Xuân tha hương)
Nỗi buồn xa xứ, cuộc sống trôi dạt "Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây". Mỗi mùa xuân đến quê hương càng thẳm xa "Quê nhà xa lắc, xa lơ đó. Trông lại tha hồ mây trắng bay" (bài Hành phương Nam). Nhà thơ xót thương ân hận khi nhớ về gốc phần. Khi còn trẻ "Mẹ cha thì nhớ thương mình. Mình đi thương nhớ người tình xa xôi". Giờ đây lắng lại trong ông nỗi đắng cay chua xót "Cha mẹ chiều chiều con nước mây". Một nỗi hoài hương không sao nguôi được "Cũng may cho những người lưu lạc. Càng khỏi trông trăng đỡ nhớ nhà". Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ có những câu viết về nỗi cô đơn thật hay. Hồi ở Hà Nội ông viết Những bóng người trên sân ga.
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì,
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.

Nhưng có lẽ chưa bao giờ não nùng đến thế:

Hỡi ôi ! Trời đất vô cùng rộng
Nào biết tìm đâu một mái nhà
Có mắt như tịch xanh mà uổng
Đất khách cùng đường ta khóc ta .
(Đêm mưa đất khách)
Không phải nỗi buồn về không gian, thời gian với sự vô cùng của tạo hóa và sự hữu hạn của kiếp người. Một nỗi buồn có thật, một nỗi buồn ly hương tha thiết. Nhất là trong những ngày xuân. Hương vị của những mùa xuân tha hương trong thơ Nguyễn Bính đã tạo thành một hương vị rất riêng trong thơ ca dân tộc.

Từ nơi bước đường cùng ấy, nhà thơ lại bắt đầu một chuyến đi mới - đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trên chuyến đi mới này có những lúc tâm hồn ông trở nên vang động hào sảng lạ lùng. Ông đã viết những vần thơ thật hoành tráng được phổ nhạc thành ca khúc Tiểu đoàn 307 lừng danh. Nhưng Nguyễn Bính vốn không phải con người tranh đấu. Ông là tình nhân của cuộc đời. Gian khổ, đau đớn, mất mát "Xót xa một buổi soi gương cũ. Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền" (Sao chẳng về đây). Nhưng không bao giờ để mất niềm thương nhớ quê hương. 1954 ông tập kết về Bắc. Nguyễn Bính như trở lại với chính mình với những "đêm sao sáng" của những mùa xuân quê hương.

Mùa thu 1965, tôi gặp Nguyễn Bính đi kéo xe than trên con đường từ Nam Định vào phía Vụ Bản. Anh nói với tôi là anh đi lao động xã hội chủ nghĩa. Hai anh em ngồi lại dưới một gốc cây ven đường. Anh mở nắm tay ra, trong bàn tay có 3 điếu thuốc Tam đảo, quăn queo có lem vết than nữa. Anh bảo tôi : "Hút đi em". Tôi nói với anh tôi ở Bình Định. Anh nói "Hồi vào Nam, anh có dừng lại ở ga Diêu Trì 3 ngày. Rồi như sực nhớ ra, anh nói "Ở đó họ bán bún mà bỏ giá sống vào ăn nó ngang ngang làm sao". Anh nhìn tôi cười, răng anh vàng vàng vì thuốc lá. Anh chậm rãi nói "Nhưng có lẽ nó khác khác như vậy mà anh nhớ hoài". Tôi bảo anh, tôi rất thích tập thơ "Đêm sao sáng của anh" mà chỉ mượn đọc chứ chưa mua được". Anh hỏi tôi - Em có còn nhớ được câu nào không?.

Tôi thuận miệng đọc 2 câu, cũng không nhớ là ở bài nào :

Trái na mở mắt nhìn ngơ ngác
Đàn kiến trường chinh tự thuở nào.

Anh cười nhìn xa, không nói gì. Rồi anh hẹn tôi bữa nào lên chỗ anh chơi, anh còn một quyển sẽ tặng cho. Tôi lần lựa chưa kịp đi thì 29 tháng chạp năm ấy hay tin anh qua đời. Mấy anh em chúng tôi đưa anh về nghĩa trang Cầu Họ. Không có một người nào là ruột thịt của anh. Đám tang đi, trong lúc mọi người nao nức chuẩn bị đón Tết. Khi ném một nắm đất vào mộ tiễn đưa anh tôi chợt nghĩ: - Chẳng hiểu đến giờ phút này "anh đã tìm được những gì mà anh khao khát hay chưa?", lạ thay ! Con người hay viết về mùa xuân này, lại ra đi giữa lúc mùa xuân đang đến.


Trương Tham

(Trường THPT Trưng Vương, Tp Quy Nhơn)

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009

Danh mục tài liệu tham khảo - 11 chuyên Văn

Danh mục tài liệu tham khảo tối thiểu.

Về ý nghĩa hàm ẩn

1) Cao Xuân Hạo: Nghĩa hiển ngôn và nghĩa hàm ẩn, trong sách:Tiếng Việt, Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb.Giáo dục, 1999.

2) SGK Tiếng Việt , quyển do GS Cao Xuân Hạo biên soan, Nxb GD,

3) Đỗ Hữu Châu: Ý nghĩa hàm ẩn và ý nghĩa tường minh (chương 4, Đại cương ngôn ngữ học tập 2, Ngữ dụng học), Tuyển tập Đỗ Hữu Châu , tập hai, Nxb. Giáo dục, 2005.

4) Trần Đình sử. Tính mơ hồ, đa nghĩa của văn học, trong sách: Lí luận và phê bình văn học, Nxb. Giáo dục, 2003.

Về làm văn nghị luận

1) Phan Kế Bính (1970)- Việt Hán Văn khảo, Mặc Lâm xuất bản. Sài Gòn.

2) Bộ GD&ĐT (2006)- Chương trình GD phổ thông môn Ngữ văn. NXB GD.

3) Phạm Văn Đồng (1973)- Dạy văn là một quá trình rèn luyện toàn diện, NCGD, số 28, 11/1973.

4) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi ( 2004) – Từ điển thuật ngữ văn học- NXB GD. HN ( tái bản , chỉnh lí).

5) Nguyễn Hiến Lê (1962)- Hương sắc trong vườn văn – 2 quyển. NXB Nguyễn Hiến Lê , Sài Gòn.

6) Nguyễn Đăng Mạnh, chủ biên (2000)- Văn: Bồi dưỡng học sinh năng khiếu THCS . NXB ĐHQG HN.

7) Nguyễn Đăng Mạnh, chủ biên (2002)- Văn: Bồi dưỡng học sinh giỏi THPT NXB ĐHQG HN.

8) Nhiều tác giả ( 2003 )- Văn nghị luận đầu thế kỉ XX- NXB Văn học

9) Nhiều tác giả ( 2003)- Một góc nhìn của tri thức, 3 tập, NXB Trẻ.

10) Nhiều tác giả ( từ 1999…)- Về tác gia và tác phẩm ( Bộ sách nhiều tập)- NXB GD. HN.

11) Trần Đình Sử (2003)- Đổi mới dạy học Làm văn ở THPT. Tạp chí Văn học và tuổi trẻ.

12) Đỗ Ngọc Thống (1997)- Làm văn từ lý thuyết đến thực hành. NXB GD.

13) Đỗ Ngọc Thống (2004): Đề văn nghị luận -Tạp chí Văn học và tuổi trẻ

14) Đỗ Ngọc Thống (2005): Vai trò của lập luận trong văn nghị luận -Tạp chí Văn học và tuổi trẻ

15) Đỗ Ngọc Thống (2005): Đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn- Tạp chí Dạy học xưa và nay

16) Đỗ Ngọc Thống (2006): Luận điểm của bài văn nghị luận -Tạp chí Văn học và tuổi trẻ

17) Đỗ Ngọc Thống (2006) - Tìm hiểu chương trình và SGK Ngữ văn THPT- NXB GD.

18) Đỗ Ngọc Thống (2007): Đổi mới đề thi Ngữ văn và những ngộ nhận cực đoan - Tạp chí Khoa học Giáo dục và tạp chí Văn học và truổi trẻ .

19) Đỗ Ngọc Thống (2007): Làm văn (giáo trình cho trường CĐSP) - NXB ĐHSP Hà Nội .

Về văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945

1) Mã Giang Lân chủ biên. Quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam 1900 – 1945, Nxb. Văn hoá thông tin, 2000.

2) Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1997.

3) Hoài Thanh. Thi nhân Việt Nam, tái bản nhiều lần.

4) Hoài Thanh. Bình luận văn chương Nxb. GD, 1998.

5)Vũ Ngọc Phan. Nhà văn hiện đại, tái bản nhiều lần.

6) Chu Văn Sơn. Ba đỉnh cao thơ mới, Nxb. GD, 2003.

7) Xuân thu nhã tập.

8) Thơ mới 1932 - 1945, tác gia và tác phẩm, Nxb. Hội nhà văn, 1999.

9) Phan Cự Đệ. Tự lực văn đoàn, con người và văn chương, Nxb. Văn học, 1990.

10) Phan Cự Đệ. Phong trào thơ mới, 1966.

11) Phan Cự Đệ. Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), Nxb. GD. 1997.

12) Phan Cự Đệ - Hàn Mặc Tử, tác phẩm, phê bình và tưởng niệm, Nxb. GD., 1998.

13) Hà Minh Đức. Một cuộc cách mạng trong thi ca. Nxb. Văn học.

14) Thơ mới 50 năm nhìn lại, Nxb. GD, 1992.

14) Hà Minh Đức. Tự Lực văn đoàn, trào lưu và tác gia, Nxb. GD, 2007.

15) Nguyễn Đăng Mạnh tuyển tập, hai tập, Nxb. Giáo Dục, H., 2006..

16) Đỗ Lai Thuý Con mắt thơ. Nxb. GD., H., 1998.

17) Nhiều tác giả . Nghĩ tiếp về Nam Cao, Nxb., Hội nhà văn, H., 1992.

18) Một số chuyên luận của các tác giả Lê Quang Hưng, Đinh Trí Dũng, Lê Dục Tú, Nguyễn Thanh Tú., Nguyễn Quang Trung...

Về lí luận văn học

1) Giáo trình lí luận văn học, (Phương Lựu chủ biên) chương Tiếp nhận văn học, Nxb., GD, H., 1998.

2) Lí luận văn học, Trần Đình Sử chủ biên, tập hai, dùng cho sinh viên cao đẳng sư phạm, Nxb., ĐHSP, 2003.
(Nguồn: Bộ GD - ĐT)

Danh mục tài liệu tham khảo - 10 chuyên Văn

Dành cho phần văn học dân gian:

1) Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam - Vũ Ngọc Phan Nxb KHXH. 1978 ( in lần thứ năm)

2) Văn học dân gian Việt Nam Hoàng Tiến Tựu – Nxb GD. 1998

3) Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam- Chu Xuân Diên- Lê chí Quế- Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 1996

4) Nghiên cứu sử thi Việt Nam – Phan Đăng Nhật - Nxb KHXH. 2001

5) Sử thi anh hùng Tây Nguyên – Võ Quang Nhơn- NXB GD. 1997

6) Phân tích tác phẩm văn học dân gian - Đỗ Bình Trị – Nxb GD. 1995

7) Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ - Hoàng Văn Hành ( chủ biên) - Viện Ngôn ngữ học - Nxb KHXH. 1999

8) Tiếng cười dân gian Việt Nam- Trương Chính- Tạ Phong Châu- NXB KHXH. 1979

9) Thi pháp ca dao – Nguyễn Xuân Kính – Nxb KHXH. 1991

Dành cho phần văn học trung đại:

1) Văn học Việt Nam ( thế kỉ X – nửa đầu thế kỉ XVIII) - Đinh Gia Khánh- NXB GD. 2000

2) Nguyễn Trãi- Về tác gia và tác phẩm - Nxb GD. 1999

3) Nguyễn Du - Về tác gia và tác phẩm - Nxb GD. 2002

4) Từ điển truyện Kiều- Đào Duy Anh- NXBKHXH. 1974

5) Nguyễn Du- một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn- Hoài Thành toàn tập, tập II. 1998.

6) Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du- Từ Hải- trong Bình luận văn chương Hoài Thanh –NXB GD 1998

7) Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều- Phan Ngọc- NXB KHXH. 1985

8) Từ điển điển cố văn học trong nhà trường - Nguyễn Ngọc San ( chủ biên)- Nxb GD. 1998

9) Thi pháp Truyện Kiều – Trần Đình Sử – Nxb GD. 2002

10)Giảng văn truyện Kiều - Đặng Thanh Lê- NXBGD. 1998

11)Mấy vấn đề về thi pháp văn học trung đại. Trần Đình Sử- Nxb GD. 1997

12)Đến với bài thơ hay – Lê Trí Viễn – Nxb GD. 2000

13) Phác thảo đặc trưng thi pháp văn học trung đại Việt Nam- Văn bồi dưỡng HS giỏi THPT- Nguyễn Đăng Mạnh- ĐHQG Hà Nội 2002.

14)Bình giảng thơ nôm Đường luật – Lã Nhâm Thìn – NXB GD 2002.

Dành cho phần văn học nước ngoài:

1) Tác gia tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường- NXB GD- 1999, 2000

2) Thi pháp thơ Đường – Nguyễn Khắc Phi- Trần Đình Sử – Nxb Đà Nẵng 1997

3) Thơ văn cổ Trung Hoa- Mảnh đất quen mà lạ - Nguyễn Khắc Phi – Nxb GD 1998

4) Bashô và thơ Haiku- Phan Nhật Chiêu- NXB Văn học. H. 1994

5) Chân dung các nhà văn thế giới – Lưu Đức Trung ( chủ biên) - NXB GD. 2004

Dành cho phần lí luận văn học

1) Lí luận văn học - Tập một – Phương Lựu, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà – NXBGD 1986

2) Lao động nhà văn – A.Xâytlin (Hoài Lam và Hoài Li dịch) – Hai tập – NXB Văn học 1968

3) Từ trong di sản – NXB Tác phẩm mới, 1981

4) Đời viết văn của tôi - Nguyễn Công Hoan – NXB Văn học, 1971.

5) Một số kinh nghiệm viết văn của tôi – Tô Hoài – NXB Văn học, 1960.

6) Hỏi chuyện các nhà văn - Nguyễn Công Hoan – NXB Tác phẩm mới, 1977

Dành cho tiếng Việt và làm văn

1) Từ điển tiếng Việt 2000 - Viện Ngôn ngữ học

2) Tđiển thuật ngữ văn học- Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi- nxb GD, 2005

3) Tiếng Việt, văn Việt, người Việt - Cao Xuân Hạo - Nxb Trẻ. 2001

Văn bồi dưỡng Học sinh giỏi THPT- Nguyễn Đăng Mạnh ( chủ biên) – Nxb ĐHQG Hà Nội .2002
(Nguồn: Bộ GD - ĐT)

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

(Bài viết của thầy giáo Trương Văn Quang
Chuyên viên Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam)

A/Điểm chung
I/Loại: Cả 3 dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; nghị luận về một hiện tượng đời sống; nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học đều thuộc loại bài nghị luận xã hội.
II/Thao tác: Các dạng bài NLXH đều vận dụng chung các thao tác lập luận là giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận. Ba thao tác cơ bản nhất là giải thích, chứng minh, bình luận.
1/Giải thích
a/Mục đích: Hiểu
b/Các bước:
-Làm rõ vấn đề được dẫn trên đề. Nếu vấn đề thể hiện dưới dạng là một câu trích dẫn khá nổi tiếng nào đó hoặc một ý tưởng do người ra đề đề xuất, người viết cần lần lượt giải nghĩa, làm rõ nghĩa của vấn đề theo cách đi từ khái niệm đến các vế câu và cuối cùng là toàn bộ ý tưởng được trích dẫn. Khi vấn đề được diễn đạt theo kiểu ẩn dụ bóng bẩy thì phải giải thích cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ ngữ. Nếu vấn đề là một hiện tượng đời sống, người viết cần cho biết đó là hiện tượng gì, hiện tượng đó biểu hiện ra sao, dưới các hình thức nào (miêu tả, nhận diện)...
Làm tốt bước giải nghĩa này sẽ hiểu đúng vấn đề, xác định đúng vấn đề (hoặc mức độ) cần giải thích để chọn lí lẽ cần thiết.
Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi LÀ GÌ.
-Tìm hiểu cơ sở của vấn đề: Trả lời tại sao có vấn đề đó (xuất phát từ đâu có vấn đề đó). Cùng với phần giải nghĩa, phần này là phần thể hiện rất rõ đặc thù của thao tác giải thích. Người viết cần suy nghĩ kĩ để có cách viết chặt chẽ về mặt lập luận, lô gíc về mặt lí lẽ, xác đáng về mặt dẫn chứng.
Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi TẠI SAO.
-Nêu hướng vận dụng của vấn đề: Vấn đề được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống như thế nào. Hiểu nôm na, phần này yêu cầu người viết thể hiện quan điểm của mình về việc tiếp thu, vận dụng vấn đề vào cuộc sống của mình như thế nào.
Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi NHƯ THẾ NÀO.
**Lưu ý:
-Nên đặt trực tiếp từng câu hỏi (LÀ GÌ, TẠI SAO, NHƯ THẾ NÀO) vào đầu mỗi phần (mỗi bước) của bài văn. Mục đích đặt câu hỏi: để tìm ý (phần trả lời chính là ý, là luận điểm được tìm ra) và cũng để tạo sự chú ý cần thiết đối với người đọc bài văn. Cũng có thể không cần đặt trực tiếp ba câu hỏi (LÀ GÌ, TẠI SAO, NHƯ THẾ NÀO) vào bài làm nhưng điều quan trọng là khi viết, người làm bài cần phải có ý thức mình đang lần lượt trả lời từng ý, từng luận điểm được đặt ra từ ba câu hỏi đó. -Tuỳ theo thực tế của đề và thực tế bài làm, bước NHƯ THẾ NÀO có khi không nhất thiết phải tách hẳn riêng thành một phần bắt buộc.
2/Chứng minh
a/Mục đích: Tin
b/Các bước:
-Xác định chính xác điều cần chứng minh, phạm vi cần chứng minh.
-Dùng dẫn chứng trong thực tế cuộc sống để minh hoạ nhằm làm sáng tỏ điều cần chứng minh, phạm vi cần chứng minh.
3/Bình luận
a/Mục đích: Đồng tình
b/Các bước:
- Nêu, giải thích rõ vấn đề (hiện tượng) cần bình luận.
- Dùng lí lẽ và dẫn chứng (chủ yếu là lí lẽ) để khẳng định giá trị của vấn đề hoặc hiện tượng (giá trị đúng hoặc giá trị sai). Làm tốt phần này chính là đã bước đầu đánh giá được vấn đề (hiện tượng) cần bình luận.
- Bàn rộng và nhìn vấn đề (hiện tượng) cần bình luận dưới nhiều góc độ (thậm chí từ góc độ ngược lại) để có cái nhìn đầy đủ hơn.
- Khẳng định tác dụng, ý nghĩa của vấn đề trong cuộc sống hiện tại.
B/Nét riêng
I.Dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
1.Loại: Thuộc loại bài nghị luận xã hội.
2.Đề tài:
-Về nhận thức (lí tưởng, mục đích sống, mục đích học tập...).
-Về tâm hồn, tính cách (lòng yêu nước, lòng nhân ái, lòng vị tha, lòng bao dung, lòng độ lượng; tính trung thực, tính cương quyết, tính hoà nhã, tính khiêm tốn, tính ích kỉ...).
-Về quan hệ gia đình (tình mẫu tử, tình anh em...).
-Về quan hệ xã hội (tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn...).
3.Về cấu trúc triển khai tổng quát:
-Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (hiểu vấn đề cần nghị luận là gì).
-Phân tích những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề bàn luận.
-Nêu ý nghĩa của vấn đề (bài học nhận thức và hành động về tư tưởng, đạo lí).
4.Một số đề tham khảo từ sách chuẩn và nâng cao:
- Tình thương là hạnh phúc của con người.
- “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”
Ý kiến trên của M.Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân?
- Hãy phát biểu ý kiến của mình về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
- Suy nghĩ của em về triết lí sau: “Đừng xin người khác con cá, mà hãy tìm học cách làm cần câu và cách câu cá”.
- Trả lời câu hỏi điều tra của nhà bác học Hantơn, nhà bác học Đacuyn nói về kinh nghiệm thành công của mình như sau: “Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút, tôi đều đã thu nhận được bằng cách tự học.”
Bình luận câu nói trên. Anh, chị có suy nghĩ gì về con đường học tập sắp tới của mình?
- “Nếu đứa trẻ dửng dưng với những gì đang diễn ra trong trái tim của nguời bạn, người anh em, của bố mẹ mình hoặc của bất cứ một đồng bào nào mà em gặp, nếu đứa trẻ không biết đọc trong mắt người khác điều đang xảy ra trong trái tim người đó thì đứa trẻ chẳng bao giờ trở thành con người chân chính.”
Em hãy bày tỏ ý kiến của mình về nhận định trên của nhà sư phạm Xukhômlinxki.
- Bình luận danh ngôn: “Tiền mua được tất cả, trừ hạnh phúc.”
- Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng cả nước nhân dịp Tết 1946, Bác Hồ viết:
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.”
Hãy giải thích và nêu suy nghĩ của em về lời dạy của Bác.
- Giải thích câu nói của Gorki: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới.”
- Đồng chí Lê Duẩn có nói: “Cái gốc của đạo đức, của luân lí là lòng nhân ái.”
Em hiểu câu nói đó như thế nào?
- Nhà thơ Pháp La Phôngten (La Fontaine) có nói :
« Tính ích kỉ là thuốc độc giết chết tình bạn. »
Hãy bình luận câu nói trên.
- Suy nghĩ của em về câu danh ngôn: “Một người bạn chân thành là một người bạn tốt”.
- Một nhà giáo dục đã nêu một quan niệm như sau:
Con đường từ nhà đến trường của mỗi người học sinh tuy khác nhau nhưng nơi đến ở cuối mỗi con đường ấy đều giống nhau: ở đó, có một ngôi trường đầy tình thân và sự san sẻ.
Trình bày suy nghĩ của em về quan niệm đó.
-Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết.
Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
- Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói:
“Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” (Nguyễn Bá Học)
- Phải chăng, “Bạn là người đến với ta khi mọi người đã bỏ ta đi.”?
- “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống.” (Lép Tôn-xtôi)
Anh (chị) hãy nêu suy nghĩ về vai trò của lí tưởng nói chung và trình bày lí tưởng riêng của mình.
- Phải chăng “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống.”? (Noóc-man Ku-sin, theo “Những vòng tay âu yếm – NXB Trẻ, 2003).
- Tiền tài và hạnh phúc.
- “Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ.”
Anh, chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến đó?
II/Dạng nghị luận về một hiện tượng đời sống
1/Loại: Thuộc loại bài nghị luận xã hội.
2.Đề tài: Những hiện tượng tốt hoặc chưa tốt cần được nhìn nhận thêm.
-Chấp hành luật giao thông ở nông thôn.
-Hiến máu nhân đạo
-Nạn bạo hành trong giao đình
-Phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi
-Cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn
-Cuộc đấu tranh chống nạn phá rừng
-Những tấm gương người tốt việc tốt
-Nhiều bạn trẻ quên nói lời xin lỗi khi mắc lỗi
-Nhiều bạn trẻ quên nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ
-...
**Lưu ý:
Nên quy thành từng cụm đề tài nhỏ như dạng bài NLVMTT, ĐL để dễ nhận diện:
-Về nhận thức (lí tưởng, mục đích sống, mục đích học tập...).
-Về tâm hồn, tính cách (lòng yêu nước, lòng nhân ái, lòng vị tha, lòng bao dung, lòng độ lượng; tính trung thực, tính cương quyết, tính hoà nhã, tính khiêm tốn, tính ích kỉ...).
-Về quan hệ gia đình (tình mẫu tử, tình anh em...).
-Về quan hệ xã hội (tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn...).

3.Về cấu trúc triển khai tổng quát:
-Nêu rõ hiện tượng.
-Nêu nguyên nhân. Phân tích các mặt đúng-sai, lợi-hại.
-Bày tỏ thái độ, ý kiến về hiện tượng xã hội đó.
4.Một số đề tham khảo:
- Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.
Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.
- Về hiện tượng ngày càng có nhiều người rời bỏ quê hương để đổ xô về các thành phố lớn.
- Về hiện tượng nhiều người trong lớp trẻ hôm nay lạnh nhạt với âm nhạc truyền thống.
-...
III/Dạng nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học
1.Loại: Thuộc loại bài nghị luận xã hội.
2.Đề tài:
Một vấn đề xã hội có ý nghĩa sâu sắc nào đó đặt ra trong tác phẩm văn học, *Vấn đề xã hội có ý nghĩa có thể lấy từ hai nguồn: tác phẩm văn học đã học trong chương trình hoặc một câu chuyện nhỏ, một văn bản văn học ngắn gọn mà HS chưa được học.
3.Về cấu trúc triển khai tổng quát:
a/Phần một: Phân tích văn bản (hoặc nêu vắn tắt nội dung câu chuyện) để rút ra ý nghĩa của vấn đề (hoặc câu chuyện).
b/Phần hai (trọng tâm): Nghị luận (phát biểu) về ý nghĩa của vấn đề xã hội rút ra từ tác phẩm văn học (câu chuyện).
4.Một số đề tham khảo từ sách chuẩn và nâng cao:
-Từ đoạn trích vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, nghĩ về niềm hạnh phúc khi được sống thực với mình và với mọi người.
-Đọc văn bản “Hoa hồng tặng mẹ”:
...
...
Nêu suy nghĩ của anh (chị) từ ý nghĩa của câu chuyện “Hoa hồng tặng mẹ”.
-
“Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao!
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con”
Từ bài ca dao, hãy bàn về vấn đề lẽ sống của con người Việt Nam.
-Từ tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng, hãy bàn về mối quan hệ giữa gia đình và xã hội.
-Từ truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nghĩ thêm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KỲ I (09 - 10) LỚP 10 NC

I.Nội dung ôn tập:
A.Phần văn học:
1.Văn học Việt Nam:
a) Văn học sử:
- Tổng quan văn học Việt Nam
- Khái quát văn học dân gian Việt Nam
- Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX
b) Văn bản văn học:
- Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ.
- Tấm Cám.
- Ca dao: Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa; Ca dao hài hước.
- Tục ngữ về đạo đức, lối sống
- Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão)
- Nỗi lòng (Đặng Dung)
- Cảnh ngày hè ( Nguyễn Trãi)
- Nhàn ( Nguyễn Bỉnh Khiêm )
- Đọc Tiểu Thanh kí ( Nguyễn Du )
B. Phần Tiếng Việt:
1. Văn bản văn học
2. Tóm tắt văn bản tự sự (theo chuyện của nhân vật chính)
3. Đặc điểm của văn bản nói và văn bản viết
4. Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu
5. luyện tập về nghĩa của từ
6. Luyện tập về biện pháp tu từ
C. Phần Làm văn:
1. Lập ý và viết đoạn văn theo những yêu cầu khác nhau
2. Cảm nhận tác phẩm văn học, quan sát thể nghiệm một hiện tượng đời sống
II. Cấu trúc đề thi:
1.Đề thi gồm hai phần:
a) Trắc nghiệm (3đ): gồm 15 câu. Nội dung: Văn học Việt Nam, Tiếng Việt và các bài văn học sử.
b) Tự luận (7đ): gồm 2 câu.
- Câu 1 (2đ): Viết một đoạn văn ngắn - khoảng 200 chữ - thể hiện cách hiểu của mình về một văn bản văn học.
- Câu 2 (5đ): Vận dụng kiến thức đời sống, kiến thức văn học và khả năng đọc hiểu văn bản để viết một bài văn nêu cảm nghĩ về một hiện tượng đời sống hoặc một tác phẩm văn học.
III. Dạng thức đề: (Những câu hỏi sau đây chỉ mang tính chất minh hoạ).
Phần tự luận:
Câu 1 (2đ):
1. Em hãy chỉ ra đặc trưng của kiểu truyện cổ tích thần kỳ trong truyện Tấm Cám. Vai trò của yếu tố kỳ ảo trong truyện.
2. Kinh nghiệm sống của cha ông ta trong tục ngữ về đạo đức, lối sống.
3. Em hãy trình bày tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện qua bài thơ Nhàn.
Câu 2 (5đ):
1. Vẻ đẹp trong đời sống tình cảm dân tộc được thể hiện qua những bài ca dao yêu thương, tình nghĩa.
2. Hình ảnh, khí thế và nỗi niềm của trang nam nhi đời Trần nói riêng và con người Đại Việt nói chung được thể hiện qua bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.
3. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi được thể hiện qua bài thơ Cảnh ngày hè ( Nguyễn Trãi).
4. Vẻ đẹp tình cảm nhân đạo của Nguyễn Du trong bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí
5. Cảm nhận của em về phẩm chất thanh cao của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhàn
(Đề cương ôn tập chung cho cả hai lớp chuyên văn và chuyên Anh)

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

Thư của thầy Võ Hải Bình

Con ơi thầy xin lỗi
Thật khó khăn để nói ra điều gì trước giờ tôi có thể phải chia tay với học trò của mình. Lớp 11A8, Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay cũng như bao lớp học trò cũ là nơi tôi dồn hết tâm huyết của mình, tình cảm thầy trò rất thân thiện.
Chỉ vì một phút yếu lòng, thương học trò bị trừ điểm hạnh kiểm, tôi đã chấp nhận lời năn nỉ của cả lớp cho em Phan Anh Tuấn ( HS lớp 11A8, Trường THPT Lê Quý Đôn) thụt dầu khi em phạm lỗi trong giờ học. Tôi chưa từng phạt HS trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thầy Võ Hải Bình
Thầy Võ Hải Bình
Tôi đã không lường được hậu quả của việc đó. Tôi đã làm tổn thương hình ảnh người thầy trong lòng không ít phụ huynh, làm tổn thương đồng nghiệp, gia đình và chính bản thân mình. Bản án kỷ luật của nhà trường buộc tôi phải bỏ ngang nghề dạy học cũng nặng nề như bản án của chính tôi khi nhìn lên di ảnh cha mình, một người thầy, người bạn lớn, người đồng nghiệp mẫu mực. Tài sản ông để lại cho tôi là các giáo trình toán học (ông là giáo sư chuyên ngành vật lý hạt nhân, thế hệ đầu tiên của Trường ĐHSP Hà Nội). Nhưng lời dạy của ông tôi đã không thực hiện được: "Hành trang suốt cuộc đời con người có thể mang theo là đức nhẫn nhịn" (câu nói được ông ghi cẩn thận và luôn để trong hộp viết). Mẹ tôi (và tôi cùng được đào tạo từ ĐHSP Hà Nội), cũng là một giáo viên, suốt đời gắn với sự nghiệp trồng người. Và những bài giảng trên lớp cho học trò của tôi hôm nay có sự vun trồng, chăm sóc, tình yêu thương trong mỗi bài học đối nhân xử thế của bà. Tôi cùng học trò có thể thức nhiều đêm, có thể thật khó nhọc để tìm cách giải cho một bài toán. Nhưng hôm nay, tôi không thể tìm ra đáp án cho người mẹ 72 tuổi của mình trước một câu hỏi đơn giản về nghề. Tôi cũng không trả lời được câu hỏi của cậu em trai duy nhất, đồng thời là đồng nghiệp, về tình yêu thương học trò như thế nào cho đủ?
Tôi luôn thấy hình ảnh của mình trong đám học trò hiếu động để chia sẻ, đồng cảm và vượt qua những "cửa ải" trong học tập. Tôi thấy hình ảnh của cha mình cặm cụi hàng ngày sau giờ lên lớp vừa nuôi gà lấy trứng chăm cho anh em tôi đi học, vừa nhận hàng may vá kiếm tiền, thực hiện mục tiêu duy nhất là được đứng trên bục giảng và nuôi dưỡng tình yêu của chúng tôi với sự nghiệp trồng người. Tôi hiểu, mỗi lần bị hạnh kiểm xấu (vì sự tinh nghịch nông nổi nào đó) tôi sẽ khiến cha mẹ lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Vì thế, tôi thật đau lòng khi nhìn thấy em Phan Anh Tuấn vào viện (bốn ngày sau sự cố thụt dầu). Tôi hoang mang, lo lắng, chỉ mong em không bị ảnh hưởng nào về thể chất và tinh thần.Tôi mong các học trò và nhiều phụ huynh khác không vì điều này mà nhìn nghề giáo khác đi, không vì một phút sơ tâm của tôi mà bớt đi cái nhìn thiện cảm với các thầy cô giáo, với môi trường sư phạm vẫn đầy ắp trách nhiệm và tình thương yêu. Và hơn hết, đừng nhìn sự cố này như một vụ bạo lực học đường, vì áp lực thành tích hay ghét bỏ học sinh.
Con ơi, thầy xin lỗi!
Tôi cũng muốn gửi lời hối lỗi này đến đấng sinh thành của mình, đến thầy cô của chính tôi và các đồng nghiệp. Bục giảng, bảng đen, phấn trắng và đám học trò, đó là tất cả những gì tôi có được sau 26 năm đứng trên bục giảng, là tình yêu mà tôi đã chung thủy suốt thời gian qua. Nghề dạy học là niềm đam mê, là truyền thống gia đình mà tôi nâng niu, phấn đấu, gìn giữ. Nếu ngày mai tôi phải rời bục giảng, tôi luôn mong mỏi học trò của mình sống tốt. Tôi mong đồng nghiệp của mình không vấp phải sai lầm như tôi, không phải chia xa những điều mình yêu thương và gắn bó, không phải từ bỏ một ước mơ và đi dang dở một hành trình.
TP.HCM ngày 10/12/2009
Võ Hải Bình
(Nguồn: http://tranquangdai.vnweblogs.com)

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Tính ước lệ trong "Chinh phụ ngâm khúc" và "Cung oán ngâm khúc"

  •  Hải Nguyên - Thanh Nhàn
      Văn học trung đại là một bộ phận lớn trong nền văn học Việt Nam, dòng văn học này phát triển theo qui luật vừa tiếp thu vừa dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài, chủ yếu là văn học Trung Quốc. Sự tiếp nhận một cách sáng tạo đã phát huy cá tính sáng tạo trong cả nội dung và hình thức biểu hiện. Hàng loạt những tác giả và tác phẩm lớn: Nguyễn Gia Thiều - Cung oán ngâm, Đặng Trần Côn - Chinh phụ ngâm, Nguyễn Du – Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương…là những minh chứng rõ nét cho việc sử dụng bút pháp ước lệ và việc sáng tạo, cái biến để xây dựng nền văn học dân tộc.
      Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn và Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều là những khúc ngâm nổi tiếng trong văn học dân tộc. Tuy đề tài có khác nhau nhưng cả hai tác phẩm đều là tiếng nói đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cá nhân của người phụ nữ. Cái tạo nên giá trị cho hai tác phẩm không đơn thuần là tiếng nói nhân đạo mà còn là giá trị nghệ thuật độc đáo. Vượt lên trên những công thức, những khuôn mẫu mang tính qui phạm, tác phẩm đã thể hiện tâm trạng của người phụ nữ bằng những dòng thơ mang sắc thái nội tâm hóa, giàu cảm xúc, khơi gợi âm điệu cảm thương.
      Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn là tác phẩm được viết bằng chữ Hán gồm 477 câu, được Đoàn Thị Điểm dịch ra chữ Nôm. Toàn bộ tác phẩm là nỗi lòng của người chinh phụ có chồng đi lính phương xa. Đề tài chiến tranh, chinh phu, chinh phụ vốn là một đề tài phổ quát và truyền thống của nhiều nền văn học Trong văn học Việt Nam, tiếng nói oán trách chiến tranh đã vang lên từ những câu ca dao trữ tình đầy oán hận. Từ thế kỷ XV, nhà thơ Thái Thuận cũng từng đặt bút với Bài thơ Chinh phụ ngâm. Thế kỉ XVII, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã viết về đề tài này. Thơ Đường đã xuất hiện những nhà thơ chuyên khai thác  đề tài này như Sầm Thang, Vương Xương Linh…
      Có thể tìm thấy trong Chinh phụ ngâm những công thức mang tính ước lệ về việc diễn tả thời gian: lấy sự việc thiên nhiên diễn tả bước đi của năm tháng:
Thưở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
Thưở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại rã bên sông ba xòa…
(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn)
       Hình ảnh những chim oanh, quyên, én chỉ mùa thu, mùa hạ, mùa xuân đã diễn tả bước đi theo chu kỳ của thời gian đồng thời thể hiện tâm trạng chờ mong mỏi mòn của người chinh phụ với lời hứa của chồng.
      Tâm trạng cô đơn mòn mỏi đợi chờ , sự thất vọng, lời oán trách lẫn nỗi lòng bức bối của người cung nữ trong Cung oán ngâm được Nguyễn Gia Thiều diễn tả trong không gian cung cấm lạnh lẽo, thâm nghiêm với “lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ, gác thừa lương thức ngủ thu phong.
      Ước lệ về thời gian không gian này xuất phát từ quan niệm thời gian tuần hoàn, không gian bất biến trong văn học trung đại.
      Tính ước lệ trong hai tác phẩm Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm còn được thể hiện ở việc xây dựng những mẫu hình nhân vật. Theo Trần Hà Nam trong bài viết “ Tính ước lệ trong văn học trung đại” đăng trên blog cá nhân : “ Con người thời trung đại có tinh thần hướng thượng, coi trọng những giá trị cộng đồng, những phẩm chất chung mà khó chấp nhận sự thay đổi lề thói hoặc những cá tính tự do… Nói về gương quân tử thì phải gắn với phẩm chất cao quí “nhân nghĩa lễ trí tín”, phụ nữ thì soi mình vào “công dung ngôn hạnh”, cuộc sống ẩn sĩ thì phải gắn với “ngư tiều canh mục”, phẩm chất tài hoa thì phải “cầm kỳ thi hoạ”, “phong hoa tuyết nguyệt…” Hình ảnh người chinh phu và cả chinh phụ trong Chinh phụ ngâm không nằm ngoài công thức này. Xuất phát từ ý thức về nghĩa vụ, quan niệm về công danh, danh dự của một trang hòa kiệt  hình ảnh người chinh phu trong mắt người chinh phụ trong buổi tiễn đưa là hình ảnh đẹp, rực rỡ, uy nghi:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
      Bên cạnh nỗi buồn, lưu luyến, sầu muộn của buổi tiễn đưa, chinh phụ đã khẳng khái “ phép công đã trọng, niềm tây sá gì”
       Tính ước lệ còn được thể hiện ở việc sử dụng điển tích điển cố trong tác phẩm. Có thể thấy trong đoạn trích “Nỗi sầu oán của người cung nữ - Trích Cung oán ngâm” lượng điển tích được sử dụng khá nhiều: “giấc mai, hồn bướm, dương xa, nguyệt lão” . Việc sử dụng điển tích, điển cố vừa thể hiện tính uyên thâm, trình độ học vấn của tác giả (theo quan niệm của những người cầm bút trong văn học trung đại) vừa diễn tả được nỗi lòng oán hận, khát vọng bứt phá của người cung nữ:
Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ
Xe thế này có dở dang không
Dang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”
(Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều)
      Hay trong Chinh phụ ngâm: 
Hẹn cùng ta lũng Tây Nham ấy
Sớm đã trông nào thấy hơi tăm
Hẹn nơi nao Hán Dương cầu nọ
Chiều lại tìm nào có tiêu hao…”
Lũng Tây Nham, cầu Hán Dương đều là những địa danh có tính chất ước lệ cho nơi chốn gặp gỡ, nhằm bày tỏ sự trông chờ, nỗi thất vọng của người chinh phụ chứ không nhằm chỉ một nơi chốn cụ thể.
      Tuy nhiên việc sử dụng tính ước lệ trong hai tác phẩm Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm mang tính sáng tạo rất lớn. Chinh phụ ngâm khúc – Đặng Trần Côn có phần tìm thi hứng từ những trang sách cổ, tuy nhiên cảm hứng của cả tác giả lẫn dịch giả đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Tư tưởng đòi quyền sống quyền hạnh phúc của con người – tư tưởng chủ đạo của văn học giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII, đã khiến hình mẫu nhân vật đã thay đổi. Người chinh phụ từ việc coi trọng “niềm công” qua bao ngày tháng khắc khoải xa chồng, đã có sự thay đổi về nhận thức. Không hề phủ nhận lý tưởng công danh nhưng nàng cũng đã hiểu chiếc ấn công hầu không có ý nghĩa bằng hạnh phúc đôi lứa:
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
      Tư tưởng này còn có giá trị phản chiến sâu sắc. Điều này đã lý giải vì sao sử dụng bút pháp ước lệ nhưng Chinh phụ ngâm vẫn phản ánh chân thực cuộc sống, phản ánh những vấn đề cơ bản và tâm lý con người  của thời đại.
      Khát vọng của người cung nữ trong Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều không chỉ là khát vọng về hạnh phúc tinh thần mà còn mang cả màu sắc nhục cảm. Đây là một nét mới trong văn học trung đại.
      Đoạn trích “ Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” (Trích Cung oán ngâm – Đặng Trần Côn) là một kiệt tác về việc miêu tả tâm lý và khả năng Việt hóa hệ thống điển tích và từ Hán Việt. Gạt đi những hình ảnh mang tính chất ước lệ “non Yên, sắt cầm, dây uyên, phím loan, gió đông…) thì nhiều ý tứ trong nguyên tác đã được chuyển dịch, nâng cấp thành những lời thơ thật sự giàu chất thơ:
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa
Được lấy nguyên tác từ hai câu thơ chữ Hán “Sầu tự hải, Khắc như niên” (Sầu như biển, Khắc như năm) nhưng trong Chinh phụ ngâm được chuyển dịch thành nội tâm của người chinh phụ, gợi được cảm giác thời gian chờ đợi tương ứng với nỗi sầu vô hạn, khơi gợi âm điệu cảm thương.
      Trong đoạn trích tác giả đã khai thác và sử dụng hết sức hợp tình, hợp cảnh hàng loạt những từ láy: gà eo óc, hòa phất phơ, khắc giờ đằng đăng, sầu dằng dặc, hồn mê mải, lệ châu chan, trời thăm thẳm, nhớ đau đáu…cùng với việc phát huy một cách tài tình nhạc điệu trữ tình của thể thơ lục bát nhằm diễn tả chân thực sâu sắc thương nhớ của người chinh phụ trong tình cảnh lẻ loi đơn chiếc.
      Trong đoạn trích “ Nỗi sầu oán của người cung nữ” (Trích Cung oán ngâm – Nguyễn Gia Thiều) những từ Hán Việt được đặt cạnh những từ nôm na, với dụng ý làm nổi bật sự đối lập giữa cuộc sống âm thầm, cô quạnh của người cung nữ với cảnh xa hoa tráng lệ nơi cung cấm:
Trong cung quế âm thầm chiếc bóng
Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ
Gác thừa lương thức ngủ thu phong
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng…

      Tính ước lệ trong văn học trung đại nói chung và trong tác phẩm Cung oán ngâm và Chinh phụ ngâm là một đặc điểm nghệ thuật của văn học trung đại. Việc sử dụng sáng tạo tính ước lệ đã đem văn chương gắn với đời sống, thể hiện tài năng và tấm lòng của các tác giả trong việc thể hiện ý thức dân tộc, xây dựng nền văn chương nước nhà.