CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Tràng giang- Bài viết của Hồ Minh Tú

   “Ông không làm mê ta bằng màu sắc và âm điệu;ông có một sức quyến rũ lạ lùng hơn, khó hiểu hơn; là mùi thơm…;thơ ông không phải là rượu rót vào chén, thơ ông là men đương lên,…”- cái men thơ Huy Cận đã từng làm say ông hoàng thơ tình Xuân Diệu.Thi sĩ xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam lúc ấy làm chếnh choáng bao tâm hồn khao khát đồng điệu. Huy Cận đã mang cái hương vị rất riêng của ông vào trong thơ, cái “hồn buồn Á Đông” man mác, mà thấm thía trong từng dòng chảy “Tràng Giang”.
     Người sinh ra trong thế kỉ đau buồn của dân tộc. Cũng như bao lớp người trẻ tuổi lúc đó, trước thực tại bế tắc, thi sĩ không khỏi hoang mang, mất niềm tin vào cuộc đời. Người đã trút mọi nỗi niềm vào thơ ca, nên mỗi tác phẩm đều là mỗi lời tâm tình tha thiết, từ đáy lòng vang ra, dội ngược vào trong đáy lòng- cái thế giới cô đơn đầy ám ảnh của ông. Có lẽ bởi đồng cảnh ngộ, tâm thế chung của các nhà thơ Mới đã thấm thía một cách đầy đủ trong ông nhưng không phải vì thế mà ông trở nên mờ nhạt , tiêu tan. Đã từng có một Xuân Diệu “sôi nổi, bồng bột”; một Chế Lan Viên “kì dị’’, một Hàn Mặc Tử “đau thương” đến điên cuồng, một Nguyễn Bính bình dị, chân quê,… làm rung chuyển nền móng thơ vốn cũ kỹ, sáo mòn trước kia, thay vào đó là những cảm xúc mới mẻ, tinh vi.        Huy Cận không là ai nhưng cái tôi trữ tình trong thơ ông có dấu ấn đậm nét đối với người đọc, mà nói như Hoài Thanh, đó là sức mạnh kì lạ của một tâm hồn “ảo não như Huy Cận”. Cùng một số bài thơ khác trong phong thơ Mới,Tràng Giang để lại ấn tượng khó phai  theo thời gian, tưởng chừng bây giờ vẫn còn nguyên vẹn cái hồn buồn não nề ấy, tha thiết gọi về.
    Xưa kia, trên bến Tràng Giang, bao li khách sắp sửa ra đi mà lòng không khỏi bồi hồi, xao xuyến bởi cảnh sông nước xa xăm kia gợi lại. Nay, đứng trên bến con sông Hồng quê nhà, không phải đi xa nhưng dường như Huy Cận cũng mang tâm trạng của li khách thuở
nào, mà nhớ thương, mà luyến tiếc một nỗi niềm không tên. Những tình cảm ấy dâng đầy trong ông, để tứ thơ cứ miên man chảy mãi:
                           “Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp,
                             Con thuyền xuôi mái nước song song,
                             Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
                             Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
    Ngay từ khổ đầu đã thấy hiện lên những hình ảnh đầy u buồn. Dòng sông, con thuyền, cành củi khô quen thuộc trong cổ thi lại hiện về nhưng không thấy những ước lệ sóng đôi về con thuyền- bến nước,… như xưa. Thay vào đó là sự hiện hữu rời rạc của cảnh vật. Những con sóng không buồn nhấp nhô, hòa mình vào sông lớn mà cứ chậm rãi từng gợn nhẹ, từng gợn nhẹ, rồi biến mất trong dòng chảy mênh mông. Nhịp điệu buồn tẻ ấy cứ lặp đi lặp lại, “điệp điệp” , làm nỗi sầu như kéo dài thêm, triền miên, vô tận. Con thuyền cũng không buồn lái, để mặc xuôi theo dòng nước lặng lờ. Ngay cả dòng nước trong bản thân con sông cũng không thiết đến nhau, cứ âm thầm mà chảy ‘:song song”, vờ không quen biết nhau trong đời. Từ những hiện tượng tưởng như vô tri vô giác đó, Huy Cận đã khiến người đọc hình dung ra một thế giới có thật của sông nước với tình cảm dửng dưng như con người. Là bởi con mắt nhà thơ nhạy cảm quá, nên thấy đâu cũng một tình cảnh như mình. Không những vậy, đối với chia li, người lại có dự cảm tinh tế hơn. Người thấy trong dòng nước,mà ta có thể tạm liên tưởng đến dòng đời kia, sự cách biệt không thể nào tránh khỏi. Đến một lúc nào đó, trên cuộc hành trình của mình, chỉ còn nước mải miết trong cô độc. Vốn lòng sông đã rộng thênh thang, nay lại thêm dài ra, rộng ra bởi nỗi “sầu trăm ngả” của dòng nước. Trơ trọi lại càng thêm trơ trọi , rời rạc lại nối tiếp rời rạc, cành củi khô một mình lạc lõng giữa dòng chảy, không biết đi đâu về đâu gợi nỗi chua xót thân phận xiết bao! Không phải là một “bông hoa tím biếc” “mọc giữa dòng sông xanh”(Thanh Hải) mà là nhành củi khô ráo hoảnh sự sống, một nhành củi rỗng ruột, vô vọng. Nó thay lời tác giả với cuộc đời, như khúc ru buồn vẫn tiếp tục điệu nhạc réo rắt, thê lương của nó:
                                  “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
                                    Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
                                    Nắng xuống, trời lên sâu chót vót.
                                    Sông dài, trời rộng bến cô liêu.”
     Đến đây, bài thơ mới thấy xuất hiện những âm thanh đầu tiên. Nhưng trước hết phải nói đến khung cảnh nơi mà âm thanh đó được lắng nghe: trên cồn đất nhỏ, xung quanh không có một sự trỗi dậy nào to lớn hơn. Bốn bề không gian bát ngát với núi non hùng vĩ, sự tồn tại của gò đất càng thêm cô độc, lẻ loi . Sở dĩ ta có thể nhìn được toàn cảnh vậy là vì Huy Cận đã phát huy hết mọi giác quan của mình để đặc tả “cồn đất”,từ đó gợi lên sự rợn ngợp của không gian. Nhà thơ có lần bộc bạch rằng chữ “đìu hiu” là học được từ Chinh phụ ngâm: “Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”. Đến Huy Cận, nó phảng phất nét cổ điển nhưng cũng mang cảm giác hắt hiu, đơn côi của cái tôi thi sĩ trước thời cuộc. Trạng thái “lơ thơ” cho thấy vẻ tiêu điều, xơ xác đã phủ trùm lên cảnh vật và chiếm lĩnh thế giới nội tâm nhà thơ. Ta thấy rất rõ cảm quan về không gian vũ trụ vô tận của tác giả, mà trong đó sự sống bé nhỏ càng thêm đơn độc hơn, như bị bỏ rơi giữa cuộc đời. Điều đó cắt nghĩa rằng, trong thế giới của riêng mình, Huy Cận không phải đã xóa sạch những dấu ấn của thơ xưa, mà vẫn giữ lại những nét đẹp, những nét thi vị để giãi bày tâm tư. Đặc biệt là thủ pháp “lấy động tả tĩnh” được thi sĩ đan cài khéo léo vào thơ mình, tạo cho cảnh vật nét gần gũi và đượm tình hơn . Ấy là “tiếng làng xa” vọng về, thứ âm thanh mơ hồ của một phiên chợ đã vãn theo gió lan xa mãi. Nhưng ở nơi “đâu” thì tác giả không xác định được. Những âm vang yếu ớt ấy rồi cũng chìm và cảnh chiều hư vô, càng gợi thêm sự vắng vẻ, hiu quạnh nơi đây. Không gian trở nên tịch mịch, u uất . Nó trái hẳn với tiếng “lao xao” thuở nào Nguyễn Trãi ẩn dật nơi thôn quê lắng nghe được. Nó mồ côi, trống vắng. Để lại trong lòng người đọc cảm giác rờn rợn khó hiểu. Có người cho rằng Huy Cận dễ buồn quá, lại đứng trong cảnh chiều buồn nên mới sinh ra những câu thơ âu sầu vậy. Nhưng tôi tin là tự trong lòng người đã chất chứa đầy nỗi buồn nên nó thấm vào cả từng cảnh vật, lan ra bao phủ khắp không gian. Mọi sự cũng buồn theo. Bởi vậy mà trong những hình hài tưởng như rất mới mẻ, vui tươi, người lại thấy nỗi buồn: “ Nắng xuống, trời lên sâu chót vót”. Thật vậy, nắng không ủ rũ, trời không ủ dột nhưng chính sự vận động của chúng tạo nên một khoảng cách không thể nào lấp đầy. Bình thường, đáng lẽ là chiều cao, cao vời vợi nhưng nhà thơ đã tài tình biến nó thành chiều sâu, sâu chót vót để chứa đựng nỗi sầu não vô biên của mình. Người lại thấy bến đợi của một mình mình, mất hút giữa cái rộng lớn khôn cùng của trời đất, mang tên cô liêu. Người cho ta đi mãi, đi mãi để rồi lại gặp người cô quạnh, và người tự bắt gặp mình… Nơi đó cảnh thật đẹp, nhưng buồn và lạnh lẽo quá, nên càng gặp mình thi sĩ lại càng run sợ và ớn lạnh hơn. Cuộc nói chuyện với lòng mình trong hoàn cảnh cô đơn chẳng khác nào dày vò tâm hồn thêm đau đớn. Nó trăn trở không ít lần trong Huy Cận, khiến cho nhiều bài thơ khác của người cũng mang dáng dấp của “Tràng Giang”, đẹp nhưng lạnh lẽo:
                                       “Ngập ngừng mép núi quanh co
                                 Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang.
                                          Vi vu gió hút nẻo vàng;
                                  Một trời thu rộng, mấy hàng mây nao.”
      Cảnh vật thiếu vắng tình người, không có một chút sự xuất hiện của con người. Bà Huyện Thanh quan trước kia chạnh lòng vì cảnh thung lũng hoang vắng, cũng còn nhận thấy sự hiện diện của con người dù là thưa thớt “Lom khom dưới núi tiều vài chú- Lác đác bên sông chợ mấy nhà”(Qua đèo Ngang). Còn với Huy Cận thì tuyệt nhiên chỉ có cảnh với cảnh, ngay cả cái “quán dựng” cũng chẳng hi vọng được thấy sự sống, dù chỉ là mong manh. Chỉ có những nét vẽ quanh co của tạo hóa, với gió, với mưa và bầu trời ăm ắp mây hòa quyện trong một bức tranh hữu tình. Nhưng cảnh đẹp chỉ để gió và thời gian bào mòn mà không có người thưởng thức thì liệu có còn ý nghĩa gì nữa? Phải chăng, Huy Cận đã mượn những nỗi buồn vẩn vơ đó để gửi tâm sự gì kín đáo sâu bên trong, mà một tâm hồn đầy phức tạp như ông không thể nào diễn tả hết bằng lời?
      Nhưng chưa dừng lại ở đó, cái tôi của thi sĩ còn đi sâu hơn nữa vào ngọn nguồn của sự cô đơn:
                                    “ Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
                                       Mênh mông không một chuyến đò ngang.
                                       Không cầu gợi chút niềm thân mật,
                                       Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”
     Những cánh bèo nối nhau trôi lênh đênh trên dòng chảy vô định. Không phải vô lí khi cho rằng nhà thơ có chút tủi hờn, oán trách số mệnh. Cũng như bèo kia, thân phận của những con người sinh ra phải chịu chung kiếp nô lệ của dân tộc mình, đất nước mình chẳng mong một tiền đồ tươi sáng. Đau khổ, nhục nhã nhưng bất lực trước thời cuộc rối ren, người trẻ tuổi dễ cảm thương những kiếp sống như mình, “bèo dạt mây trôi”. Huy Cận còn thấy sâu trong đó, cái toàn cảnh của cuộc đời: tất cả mối dây liên lạc đều bị cắt đứt, mọi sự liên hệ chỉ còn là ảo ảnh, quá khứ. Dòng sông rộng vô cùng nhưng không có lấy một con đò, một chiếc cầu để nối liền giữa hai bờ. Cho đến đây, bài thơ đã lần lượt dẫn dắt người đọc đến những khung cảnh đẹp nhưng càng về sau càng buồn, càng trống trải. Giả sử bài thơ đơn thuần chỉ vẽ nên những bức tranh như thế và chấm hết tại đây thì khó lòng gây được dư vị sâu sắc trong lòng người đọc. Khổ cuối cũng chính là khổ thơ hé mở cho người đọc biết điều gì thật sự ẩn sau trái tim đa sầu đa cảm ấy của nhà thơ:
                                    ‘ Lớp lớp mây cao đùn núi bạc’
                                      Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
                                      Lòng quê dợn dợn vời con nước,
                                      Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
    Có thể nói cảnh vật hiện lên ở khổ cuối là cảnh vật cô đọng nhất nhưng cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa nhất. Tầng tầng lớp lớp những áng mây chồng chất lên nhau như chất chứa cả nỗi niềm ẩn khuất của nhà thơ. Động từ “đùn” diễn tả trạng thái hoạt động tràn đầy sức sống, ánh sáng chiếu vào lấp lánh như màu bạc. Cả bài thơ chỉ có mỗi dòng này le lói sự sống tươi mới, rực rỡ. Nhưng ngay câu thơ sau lại lên cảnh khác trái ngược hẳn: bóng chiều buông xuống đè nặng lên cánh chim bé nhỏ, lạc lõng giữa bầu trời rộng thênh thang. Dường như có nét gì tương đồng với những lớp mây dày trên kia, cánh chim có thể hiểu như hình tượng ám chỉ những thân phận chơ vơ giữ dòng xoáy cuộc đời, mà nhà thơ là một trong số đó. Trách nhiệm, bổn phận và những nỗi lo âu như bóng chiều của ngày tàn khiến cho cánh chim mỏng mảnh như chao nghiêng vì sức mạnh. Dầu là những dựu cảm mù mịt về tương lai nhưng ít ra nó cũng gợi cho nhà thơ mối liên hệ với cuộc đời dường như chỉ chứa đựng toàn mâu thuẫn kia. Cũng vì vậy, nó cho ta chiếc chìa khóa khám phá sự thật đang diễn ra trong lòng nhà thơ: tấm lòng yêu nước kín đáo. Chẳng vậy, dầu đang đứng ngay trên mảnh đất quê hương mình, mà tác giả vẫn nhớ thương quê nhà, có lẽ là một khung cảnh bình yên trong quá khứ. Vì chưng giờ đây dấu chân giặc đã giày xéo trên mồ mả cha ông, tấm lòng nào còn trọn vẹn thủy chung thì chỉ còn biết giữ cho mình một nỗi nhớ thương. Cái nỗi niềm “ dợn dợn” ấy của thi sĩ mới thật tinh nhạy và đáng quý biết bao. Kết thúc bài thơ nhưng dư âm cứ mở ra mãi bởi làn “khói hoàng hôn” không có thật, mà trong lòng người lại thấy hiện lên thật cái cảm giác đau buồn, nhung nhớ. Câu trả lời đến đây mới sáng rõ, cái tôi tưởng như muốn xa lánh cuộc đời ấy lại là một cái tôi khao khát gắn bó với đời biết bao nhiêu. Huy Cận thi sĩ thật khéo léo khi cất giấu cái tình tràn đầy của mình vào nỗi sầu câm lặng, triền miên vô bến.
    Có đọc hết những bài thơ khác trong tập Lửa thiêng của Huy Cận mới thấu rõ cái buồn ấy không phải là nhất thời. Trong phong trào Thơ Mới, người là thi sĩ ôm nỗi buồn nhiều nhất: sầu thương, sầu nhớ, sầu đau. Với người thời gian kéo dài tới “vạn kỷ”, “ngàn xưa”, cái thời gian của quá khứ để ghi dấu cho những tình cảm bất biến, vĩnh hằng. Thế nhưng, hiện tại vẫn cứ phơi bày, càng trốn tránh thi sĩ càng vấp váp sự đời, tình đời. Cho nên cái buồn của người là buồn thiên cổ, luông thường trực đến não nề. Bất cứ khi nào hồn buồn của người va chạm với cảnh vật, thì tình lại tuôn trào:
                                   “ Tai nương nước giọt mái nhà,                    
                            Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.”
                                                                            (Buồn đêm mưa)
   Người lắng nghe tiếng nước nhỏ giọt trên mái nhà, từng tiếng một rơi chậm rãi, nặng nề mà liên tưởng đến ngay trời xanh kia cũng chung một nỗi niềm u ám, thì quả là người dễ mẫn cảm với nỗi sầu. Câu thơ như kéo chùng xuống bởi điệp từ hai lần xuất hiện, nhân đôi tình người chất chứa bên trong. Bao giờ ta cũng thấy thiên nhiên trong thơ người tự đã mang vẻ hiu hắt, lặng thầm, như ấp ủ điều gì trước cả con người. Đó là bởi nét bút tài hoa của thi sĩ, người luôn tạo dựng, kết hợp chúng với nhau theo phong cách của riêng mình, bày tỏ hộ tấm lòng người.Dẫu rằng cái tôi buồn, cô đơn, yếu đuối và nghạo nghễ là cái dấu vết mà bất kì nhà Thơ Mới nào cũng từng hằn lên thơ mình, nhưng với Huy Cận thì rõ ràng, cái buồn được thiên vị hơn, ưu ái hơn.Đến nỗi chẳng cần phân bua, giải thích gì, thi sĩ cũng được người đời gán cho phong độ buồn… đến não nuột. Lắm khi thấy người buồn vô cớ nhưng tâm thì vẫn cứ bất động, không để lộ một cử chỉ gì quá khích ,dù là một cái nhíu mày, một nét mặt chán nản. Thay vào đó là những ánh nhìn khắc khoải hơn, có nhìn sâu vào trong mới phát hiện được. Ấy vậy mà đôi lúc không kìm nén được người đã thảng thốt bật ra lời ai oán đầy chua xót của mình:
                                      “Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!
                                        Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường
                                        Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương’
                                        Sương hay chính bụi phai tàn lả tả.”
                                                                                    (Nhạc sầu)
     Đặt câu hỏi hòng vơi lấp nhưng thi sĩ che sao nỗi yếu đuối đang bóp thắt con tim người. Tự vấn hay để thấy đời bi lụy đến chừng nào? Một thi sĩ khéo giấu tâm sự tâm sự riêng như Huy Cận mà cũng có lúc bi quan đến thế. Bởi lẽ, nỗi thương cảm của nhà thơ với đồng loại dường như vô nghĩa với riêng người khi ngoài kia vẫn tiếp tục những số phận khổ đau, yếu ớt chống cự với cuộc đời. Tâm sự đó khiến cho một buổi chiều vô hình trở thành hữu hình, có thân phận nhưng là thân phận thiệt thòi: mồ côi. Trong con mắt thi sĩ, cái nghĩa lí của cuộc đời đã băng giá, vì tình người cũng thiếu vắng, lạnh lùng như tiết trời giá rét kia. Lại một lần nữa, ta thấy cảnh “đìu hiu” xuất hiện trong thơ Huy Cận. Nhưng giờ đây nó lại ghi dấu chiêm nghiệm cay đắng của tác giả, dù chỉ rất mờ ảo. Người đã khám phá ra qui luật phai tàn của cuộc đời. Một ngày kia, “màu đá cũ” sẽ bị khuất lấp mất giữa muôn trùng cơn bão cát thời gian. Đâu đấy, người ta dễ liên tưởng đến cái ngắn ngủi của kiếp người, đột ngột tan biến mất.Phải chăng Huy Cận buồn vì lẽ đó?r Đúng nhưng vẫn chưa đủ, cái mà người thật sự sợ không phải là cái chết mà là sự lãng quên.Vì thế sự phai tàn tong mắt người là mất đi ý nghĩa đối với người khác trong đời. Sợi dây mỏng manh duy nhất níu kéo thi sĩ trở về chính là ân tình còn vương vấn ở đời. Vì chưng không phải hết thảy thực tại đầu là điều xấu xa, bạc bẽo mà vẫn còn xót lại những tâm hồn dạt dào mãi cô liêu như người. Đó là đôi phút hiếm hoi, người tìm thấy nét đáng yêu đời ban tặng : tình yêu trong sáng, thánh thiện:
                                      “Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong
                                        Hôm xưa em đến mắt như lòng.
                                        Nở bừng ánh sáng.Em đi đến
                                        Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.”
                                                                                    (Áo trắng)
    Huy Cận khi yêu cũng rụt rè, e  thẹn như ai. Những rung động đầu đời khiến cho người tình thi sĩ trở nên rực rỡ, đẹp lộng lẫy hơn bao giờ hết. Màu áo trắng trong như tình em. Mỗi bước đi của em tỏa hương thơm ngát, dịu dàng mà gieo vào lòng anh bao xuyến xao. Ai có ngờ được “ chàng Huy Cận khi xưa hay buồn lắm” lại tươi trẻ thế trong tình yêu. Cái vẻ ông cụ non, già đời biến đâu mất. Chỉ còn Huy Cận hết lòng với tình yêu, yêu chân thành, nâng niu từng giây phút. Không rạo rực băn khoăn như bạn thơ Xuân Diệu , mà tình Huy Cận đằm thắm, e ấp. Người không đòi hỏi được ôm trọn tình yêu mà chỉ lặng thầm yêu bởi . Người sợ rồi tình yêu sẽ không bền vững, nên càng tha thiết thì càng đau đớn lúc vỡ tan. Ngay cả khi còn yêu, người cũng thấy vời vợi nỗi xa cách, cắt chia:
                                    “Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm
                                       Vạn lí sầu lên núi tiếp mây”
                                                                        (Vạn lí tình)
    Thế nhưng vẫn không sao tránh khỏi bùi ngùi, xót xa khi đối mặt với sự thật phũ phàng:
                                    “ Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu.”
                                                                        (Đi giữa đường thơm)
    Những lời thơ tưởng như rất bình thường, thản nhiên nhưng lại ẩn chứa nhiều đau thương nhức nhối nhất. Chẳng cần khóc lóc, kêu gào thảm thiết mà có những vết thương cắt sâu hơn nữa, quặn thắt, nuốt ngược nỗi đau vào bên trong. Có thể đã chạm phải quá nhiều tổn thương ở cuộc đời mà người khiến lòng mình như tĩnh lặng bằng nỗi sầu miên man. Kì thực là để đau thương không còn dậy sóng. Nhưng sao trách được cái hồn đầy yêu thương của người, thi thoảng gợn dậy mối đồng cảm sâu xa.
    Có thể nói, giải mã hết những bí ẩn của hồn thơ Huy Cận quả là điều không dễ dàng chút nào. Nhưng ít nhất, đọc người , ta cũng hiểu được mình và đời hơn. Thơ người thấp thoáng phong vị Đường thi trong những đường nét cổ điển mềm mại, uyển chuyển nhưng cũng tiếp thu cái mới trong hình thức câu chữ, cấu tứ phóng khoáng, tự do của thi ca hiện đại. Cái tôi của người vừa ẩn vừa hiện, vừa như tan ra mênh mang khắp cảnh vật. Bên cạnh những hình ảnh quen thuộc của ca dao, thơ xưa,thi sĩ còn sáng tạo ra những hình tượng mới mẻ, sự kết hợp mới lạ: chiếc áo trắng tượng trưng cho tình yêu đầu, nắng xuống- trời lên,… Tất cả kết tinh lại trong nỗi sầu nhiều màu nhiều vẻ làm nên hồn thơ khó quên của thi s Huy Cận. Êm đềm, dịu dàng mà ám ảnh mãi bởi những tâm tư sâu kín bên trong.
    Với Lửa Thiêng, Huy Cận đã đóng góp cho thơ Mới một viên ngọc quý, đêm bầu bạn cùng những tâm hồn đang rơi vào tuyệt vọng, bế tắc lúc bấy giờ. Để nhận ra rằng ta cô đơn nhưng không mình ta giữa cuộc đời này, mà có bao hồn khác cũng ước mơ yêu thương như ta. Dẫu rằng có phần tiêu cực, yếm thế nhưng Thơ Mới nói chung, thơ Huy Cận nói riêng đều là tiếng nói tha thiết của người con dân tộc, đau nỗi đau quê hương.Bởi vậy vai trò tiền đề đối với nền thơ ca Cách mạng sau này là không thể phủ nhận, góp phần làm phong phú,dồi dào hơn cho dòng chảy văn học Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét