BÌNH KHÚC NGÂM PHÚT CHIA LY
- Hồ Mỹ Duyên
Cảnh biệt li tiễn chồng ra trận của người chinh phụ sao mà sầu não, bi thương; kẻ ra đi, người ở lại sao mà da diết một nỗi sầu. Người chinh phụ đứng nhìn đoàn quân đang chìm dần cuối chân trời, còn vọng lại mơ hồ những âm thanh, những mong manh hình ảnh…
Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng,
Hàng cờ bay trông bóng phất phơ,
Chàng đi rồi, chỉ còn lại nàng nơi đây lòng ngẩn ngơ, trống trải dõi theo bóng chàng. Nơi đây chỉ còn nàng lẻ loi, nhỏ bé cùng với không gian mênh mông, xa vắng, tiếng địch chỉ còn đồng vọng và lá cờ chỉ còn là một bóng mơ hồ, phất phơ. Đó là cảnh đoàn quân đã xa hẳn, sự ồn ào náo nhiệt không còn nữa, chỉ còn văng vẳng tiếng địch thổi từ cánh đồng xa nghe sao não nùng, thiết tha…Tiếng địch ấy dường như lắng đọng cùng tâm trạng nàng, đang ngóng trông theo bóng chàng đã khuất theo từng lớp mây đưa. Nàng đứng lại một mình, lúc này tâm hồn thực trống trải, thực bơ vơ. Tình cô đơn, tâm hồn bàng hoàng, ngập ngừng, ngơ ngẩn trước cảnh vật đang khêu gợi nỗi nhớ nhung man mác, nàng thả lòng bâng khuâng theo bóng chàng :
Dấu chàng theo lớp mây đưa,
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.
Khung cảnh thiên nhiên bao la đã che lấp một mối tình mờ mờ. Mối tình ấy giờ đã bị không gian vũ trụ chia lìa đôi ngã. Nhưng dù sao đi chăng nữa, tình chàng ý thiếp vẫn luôn vẹn nguyên, sắc son chung thuỷ; dù cho lớp mây kia đưa đẩy, rặng núi kia trở thành vách ngăn thì tình chàng ý thiếp vẫn luôn hướng về nhau, không bao giờ chia cách. Chàng - thiếp luôn sóng đôi, luôn kề cập bên nhau ấy vậy mà giờ chàng đã ra đi, chinh chiến nơi cõi xa mưa gió, để lại thiếp ngẩn ngơ một mình bên buồng cũ chiếu chăn. Nỗi sầu, nỗi nhớ xa cách như dâng tràn cùng năm tháng, nỗi mòn mỏi mong chờ giờ đã trải ngàn núi xanh. Hai người tuy xa cách, mỗi người mỗi cảnh nhưng vẫn còn lưu luyến quay lại nhìn nhau để rồi nhận thấy sự chia lìa đau đớn :
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Tiêu Tương – Hàm Dương, hai địa danh cách xa trùng trùng nhằm để diễn tả cho sự xa cách của đôi chinh phu, chinh phụ. Tuy xa cách nghìn trùng như vậy nhưng lòng chàng ý thiếp vẫn hoà làm một, vẫn sóng đôi bên nhau, cùng mong mỏi về một ngày đoàn tụ, vợ chồng sum họp. Dù là vậy, nhưng hiện thực bi thương vẫn cứ tồn tại, nỗi xa cách, mối sầu liên miên vẫn cứ dây dưa cùng người chinh phụ. Nỗi buồn mênh mông giờ đã chiếm lĩnh lòng nàng khi nàng đứng trước cảnh ngàn dâu bao la và xanh ngắt :
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu,
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Chàng – thiếp gặp nhau, đồng điệu cùng nhau trong tâm tư, tình cảm nhưng thật sự thì cả hai đang cách xa muôn trùng. Cùng một lúc, từ hai phương trời xa cách, hai con người cùng ngoảnh lại nhưng sầu thay, trước mắt họ chỉ là một màu xanh ngắt của ngàn dâu. Màu xanh – màu của sự cô đơn, tương tư, trống trải bao phủ, đè nén tâm trạng càng khiến cho người chinh phụ sầu hơn. Nỗi sầu ấy như dâng tràn, bật thành lời Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? Một câu hỏi tu từ khép lại khúc ngâm như tô đậm, khẳng định tâm tư người chinh phụ: Buồn thương, tiếc nuối, sầu hận…./.
- Văn viết có cảm xúc, biết cách dùng từ diễn đạt ý!
Trả lờiXóa- Có phải tiếng địch từ "cánh đồng xa" không? (Đồng vọng = cùng ngóng trông)
- Xem lại chính tả (sắc son? d6áu hỏi, ngã)
- Ý cuối chưa đạt, còn hiểu trên bề mặt! (ngàn dâu => nỗi niềm bãi bể nương dâu)