CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Bình giảng đoạn trích cảnh chia ly

CHINH PHỤ NGÂM KHÚC


Đề bài : Bình giảng đoạn trích “ cảnh chia ly “
                                                           Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng
                                                           Hàng cờ bay trông bóng phất phơ
                                                           Dấu chàng theo lớp mây đưa ,
                                                           Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà .
                                                           Chàng thì đi cõi xa mưa gió ,
                                                           Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
                                                           Đoái trông theo đã mấy cách ngăn
                                                           Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh
                                                           Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
                                                           Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
                                                           Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
                                                           Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
                                                           Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
                                                           Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
                                                           Ngàn dâu xanh ngắt một màu
                                                           Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?





BÀI LÀM :


     Đến với “Chinh phụ ngâm khúc “ ta nhận ra được nỗi khổ của con người trong chiến tranh , thấm thía cái khát vọng mong manh về hạnh phúc lứa đôi . Mỗi câu thơ hiện hữu hay cũng là nỗi niềm người chinh phụ ngân lên trong từng cung điệu sâu thẳm , trầm lắng . Ngay từ khoảnh khắc chia ly _ thời khắc bắt đầu cho những tâm trạng u sầu , mòn mỏi về sau _ta đã cảm nhận được điều đó nhờ sự diễn tả một cách vô cùng tinh vi , sâu sắc nỗi lòng con người của nhà thơ .
     Những cuộc chia ly bao giờ cũng buồn , cũng nặng trĩu tâm tình kẻ ở , người đi . Nhà thơ đã khéo léo đưa vào tiếng sáo như một âm thanh đồng vọng , xốn xang :
Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng
Hàng cờ bay trông bóng phất phơ .
Tiếng sáo như mang theo nỗi lòng của con người hòa vào không gian . Cả một khoảng trời chỉ có tiếng sáo vi vu còn con người thì lặng đi trong nỗi buồn . Tiếng sáo ấy nói hộ lòng người trong phút chia ly _ cái giờ phút vốn không dễ nói nên lời ! Người ta xa nhau , bất chợt nghe tiếng sáo mà như cảm được lòng nhau vậy . Không gian hiện lên với âm thanh của sáo , với bóng của cờ ,…, là ngọn cờ ra trận ! Đằng sau bóng cờ phất phơ kia thấp thoáng đôi mắt , ánh nhìn của người chinh phụ . Dường như nàng muốn tìm , muốn mãi dõi theo dấu chân của người chinh phu . Còn nhìn thấy nhau là họ vẫn còn ở gần nhau , đủ để lòng nàng vợi bớt cô đơn . Cái cảm giác chơi vơi , trống vắng tràn ngập khắp không gian . Xa nhau rồi mà lòng vẫn hướng về nhau , mà sao đôi mắt vẫn không thể quay đi , vẫn cứ đăm đắm tìm một bóng hình :    
                     Dấu chàng theo lớp mây đưa                           
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà .
     Còn lại là gì sau đôi mắt đang mãi nhìn theo kia ? Khoảng cách ngày càng xa , bóng hình người chinh phu cũng trở nên mơ hồ , chìm hẳn vào không gian , biến mất nơi chân trời . Thu vào tầm mắt chỉ có núi , có cỏ cây . Để rồi cũng từ ấy người chinh phụ cảm thấy “ngẩn ngơ”. Một đôi mắt phải nhìn rất lâu , rất chăm chú mới trở nên ngẩn ngơ đến vô hồn như vậy . Mặc khác cũng có thể người chinh phụ có tâm trạng đó vì nghĩ về cảnh gia đình xa cách . “Nỗi nhà” sẽ càng trở nên vắng lặng hơn khi thiếu vắng người mình yêu thương . Người chinh phu rời nhà ra đi mà phía sau lưng là bao nỗi đợi chờ , bất an :
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã mấy cách ngăn
Tuôn màu mây biếc , trải ngàn núi xanh
     Chiến tranh khiến con người ta đang hạnh phúc phải xa nhau . Một người ra đi đến chiến trường xa xôi với bao nguy hiểm rình rập , bao vất vả gian nan . Còn một người phải ở lại , quay về chốn buồng cũ chiếu chăn _ nơi ghi dấu hạnh phúc lứa đôi mà giờ đây sao cô đơn vắng lặng , một người một bóng vò võ ngóng trông . Trong sự mường tượng về cảnh cô đơn mỏi mòn ấy ta nhận ra tấm lòng của một người vợ lo lắng cho chồng trước con đường đầy khó nhọc , hiểm nguy mà chàng sắp đi qua .
     Và dường như thiên nhiên bao la đã được đưa vào để lấp đầy khoảng trống xa cách giữa hai người . Lấp đầy hay cũng là tạo thành một vách ngăn cản trở những đôi mắt chan chứa yêu thương muốn níu giữ bóng hình người kia . Nỗi lòng của người chinh phu và chinh phụ trong giờ phút ly biệt được tác giả diễn tả song song . Mỗi một lần tâm hồn người chinh phụ dâng trào cảm xúc cũng là lúc người chinh phu ngổn ngang bao nỗi đa đoan . Cùng với màu mây biếc , màu núi xanh là sự hiện hữu của cả không gian bao la . Ở đó con người càng lúc càng đơn độc , nhỏ bé . Trời cao , đất rộng mà không còn người để sẻ chia , phải lạc lõng , bơ vơ.Lúc này có lẽ người chinh phụ còn đang đứng lặng ngẩn ngơ …!!!
     Giữa người chinh phu và chinh phụ như có một sợi dây ràng buộc , níu kéo họ lại với nhau . Chân bước đi mà đầu còn ngoảnh lại . Ngoảnh lại để thấy con đường mình đã đi qua , để nhìn thấy đâu là nơi mình đã ra đi hay để tìm hình bóng người vợ yêu dẫu biết là không thể . Cả hai , một người ngoảng lại , một người trông sang , đối lập nhau trong cấu trúc hai câu thơ nhưng chung quy lại cũng đều mong được nhìn thấy nhau . Tiêu Tương , Hàm Dương là khoảng cách ước lệ xa xôi mà chính bản thân Tiêu Tương đã hàm chứa sự ly biệt , buồn thương . ( Tiêu Tương là nơi rẻ nhánh thành hai con sông nên được xem như biểu trưng cho sự chia ly) :
                                                        Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
                                                        Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
                                                        Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
                                                        Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
     Bằng những hình ảnh tương phản phối hợp với các điệp từ và đảo vị trí của 2 địa danh tác giả muốn chia đều cảm xúc của hai người nhấn mạnh nỗi sầu xa cách. Đọc 4 câu thơ này, ta thấy tình cảm nhớ nhung cứ tăng dần, tăng dần. Điều đó cho thấy sự chia ly ở đây là sự chia ly về cuộc sống và thể xác, còn trong tình cảm tâm hồn hai vợ chồng ấy vẫn gắn bó thiết tha. Họ vẫn hướng về nhau, dõi theo để tìm nhau, nhìn thấy nhau. Nhưng càng hướng về nhau thì không gian và thời gian càng đẩy họ xa nhau. Do đó lời thơ không chỉ biểu hiện nỗi sầu chia ly mà còn nhấn mạnh sự oái oăm, nghịch chướng: gắn bó mà phải chia xa, càng dõi nhìn nhau càng không thấy nhau.“Cùng trông” mà “cùng chẳng thấy “ . Không thấy được nhau nhưng tâm hồn họ đã tìm gặp được nhau , thấu hiểu cho tâm trạng của nhau. Có cái gì đó luyến tiếc mơ hồ trong khoảng cách . Tính từ “xanh xanh” được đảo ngữ đặt lên phía trước làm rõ hơn cho cái không gian chỉ có một màu xanh tâm trạng :
                                                        Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
                                                        Ngàn dâu xanh ngát một màu
                                                        Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?
     Hai câu thơ diễn tả màu xanh được lặp lại là cách mà nhà thơ đưa nỗi buồn tăng tiến lên đến tầng tầng lớp lớp trong lòng người chia tay . Thật sự con người đang trong một hoàn cảnh buồn đau đến vô cùng . Để rồi đến cuối đoạn trích người chinh phụ thốt lên một câu hỏi mơ hồ :” Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”
    Câu hỏi ấy tạo cho ta cảm giác lơ lửng, chơi vơi . Nó vừa như bỏ dỡ mà thật sự đã khép lại, thâu tóm toàn bộ nỗi lòng con người . Một chữ “sầu” thôi nhưng sức ảnh hưởng của nó thì rất lớn. Chia ly, ai chẳng buồn chẳng sầu? Nhưng sao vẫn thấy cái nỗi sầu của người chinh phụ khác quá đỗi, nó nặng trĩu tâm tư . Phải chăng ly biệt cũng là vĩnh biệt . Biết đâu đây lại là lần cuối cùng họ được nhìn thấy nhau . Bỡi lẽ chiến tranh có mấy ai sống sót quay về ? Hỏi đấy nhưng cũng là khẳng định đấy thôi !  




   Trần Thái Diễm Chi _ 10 Văn K11

1 nhận xét:

  1. Văn giàu cảm xúc nhưng cần phải gọt giũa lại câu chữ gọn hơn cho sắc nét câu văn (ví dụ: nỗi lòng con người = lòng người...)
    - Cần lưu ý cấu trúc đăng đối trong các câu thơ, để thấy ý nghĩa tương phản, mối quan hệ chinh phu - chinh phụ. (Xem thêm nhận xét bài HMD)

    Trả lờiXóa