CHÀO MỪNG

Chào mừng bạn đến với blog Học Văn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định - Mọi thông tin liên hệ, đóng góp bài vở, xin gửi về vankhoa11@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với lớp trưởng Chuyên Văn khoá 11 Đỗ Lê Bảo Duyên - LPHT Trần Thái Diễm Chi

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Hành hương về nguồn cội


Hành hương về nguồn cội…
• Trần Hà Nam
Những ngày đầu xuân Tân Mão 2011, thầy trò lớp chuyên 11 Văn – Anh Lê Quý Đôn Bình Định chúng tôi đã làm một chuyến hành hương về nguồn cội ở hai huyện Tây Sơn và An Nhơn. Trời nắng đẹp, dọc theo lộ trình, hai bên đường sắc lúa đông xuân xanh mơn mởn, và sắc mai vàng đến giờ mới bừng tươi…
Điểm đến đầu tiên là cụm tháp Dương Long thuộc xã Tây Bình (Tây Sơn), di tích văn hóa Chàm đẹp bậc nhất Bình Định đang được trùng tu. Cụm tháp có mỹ danh là Tháp Ngà sừng sững trên khu đồi, dấu tích thời gian hoen trên màu gạch. Những khối đá lặng câm nhưng chứa đựng bao nhiêu huyền tích một thuở của nền văn hóa Chàm rực rỡ. Các phù điêu trên đá bị bào mòn, bị hủy hoại khá nhiều nhưng vẫn lộ ra nét chạm khắc tinh xảo. Không có người thuyết minh, thầy đành phải huy động hết những hiểu biết hạn hẹp về văn hóa Chàm, những kiến thức thu lượm từ thời sinh viên đã từng được nghe chính người địa phương kể lại để chỉ cho học trò biết các biểu tượng tâm linh: rắn thần Naga, tục thờ sinh thực khí qua dấu tích Yoni còn khá nguyên vẹn, kỹ thuật xây tháp của người Chiêm Thành... Lòng mong mỏi một ngày nào đó quay lại sẽ chứng kiến một công trình được phục chế tương đối vẹn nguyên, không có quá nhiều dấu ấn của thời hiện đại can thiệp làm mất đi nét hoang sơ nguyên thủy của di tích.
Từ Tây Bình, xe đưa chúng tôi đến thẳng bảo tàng Tây Sơn ở xã Bình Thành. Quần thể di tích liên quan đến Tây Sơn tam kiệt càng lúc càng được tôn tạo khang trang, thể hiện lòng kính ngưỡng của mọi người với anh em nhà Tây Sơn. Nhà thơ Trần Viết Dũng, một người Tây Sơn chính gốc đã chờ khá lâu, để thân chinh làm người hướng đạo cho các cháu biết rõ về nguồn cội Đất Vua. Cả đoàn vào điện thờ Tây Sơn tam kiệt, kính cẩn dâng hương các ban thờ. Chính giữa điện là tượng của ba Ngài: Thái Đức hoàng đế bên trái, Quang Trung hoàng đế chính giữa và Đông Định vương bên phải. Các pho tượng được dát một lớp vàng mỏng, sáng rỡ uy nghi. Bình thường, các học trò hiếu động là thế, nhưng khi đứng trước các bậc tiền nhân làm rạng danh xứ sở, tất cả đều trang nghiêm thành kính. Những tượng thờ văn thần võ tướng được tạc sống động, tạo nên không khí như một buổi thiết triều nghiêm cẩn. Thầy trò đã đến được với mảnh đất thiêng, được uống nguồn nước trong mát ngọt lịm từ giếng Tiên không bao giờ cạn mạch, được ngồi dưới bóng cây me cổ thụ hơn 300 năm, lòng chợt thấy nhẹ nhàng khoan khoái như tan biến hết cảm giác mệt mỏi. Bảo tàng Tây Sơn được bố trí khá khoa học, nhiều hình ảnh hiện vật quý giá và các sa bàn, mô hình được trưng bày phong phú giúp cho du khách có thể hình dung toàn cảnh về thời đại Tây Sơn: từ họ Hồ cùng gốc gác với nữ sĩ Hồ Xuân Hương đất Nghệ An phát triển thành nhánh vào miền Trung, dừng chân ở miền đất Bình Khê để rồi thành ba anh em nhà Nguyễn Tây Sơn, ứng câu sấm Trạng Trình “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. Những di tích biết nói, để các thế hệ hậu sinh hiểu thêm về truyền thống Kinh – Thượng một lòng, về sức mạnh của những dân nghèo tập hợp dưới ngọn cờ Nguyễn Nhạc, từ thượng đạo tới hạ đạo Tây Sơn phát triển thành phong trào nông dân mạnh như vũ bão, đánh tan thù trong giặc ngoài, chói sáng tên tuổi người anh hùng bách chiến bách thắng Quang Trung hoàng đế về sau. Nhà thơ Trần Viết Dũng say sưa giảng giải về những vũ khí chứng tỏ sức sáng tạo của quân đội Tây Sơn làm kinh hoàng bạt vía kẻ thù: súng điểu thương, hỏa hổ, thần công… Còn đây, bút tích của vị hoàng đế tài ba gửi cho danh sĩ Bắc Hà là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, còn đây lời hịch vang dậy hào khí: “Đánh cho để dài tóc – Đánh cho để đen răng – Đánh cho nó chích luân bất phản – Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn – Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!”. Một thời đại ngắn ngủi nhưng đã kịp ghi lại những thành tựu văn hóa – kinh tế: tượng La Hán chùa Tây Phương, tiền Quang Trung thông bảo,…Thời gian ngắn ngủi không cho phép nán lại lâu, khi ra về, thầy trò ngắm mãi phiên bản bức tượng vua tôi Quang Trung hoàng đế tại chùa Bộc (Hà Nội), càng ngắm càng khâm phục thần thái của người anh hùng áo vải đã được nghệ nhân lưu mãi lại với thời gian: nét phong trần của người xông pha trận mạc, vẻ giản dị không ngờ đậm chất quê kiểng Bình Định. Dưới tượng đài Quang Trung, trước phút chia tay, nhà thơ Trần Viết Dũng lại làm sống dậy hình ảnh Quang Trung qua bài thơ “Vua và Em” của anh – một quân vương đa tình, hào hoa mà mộc mạc, chân tình: “Xưa hoàng đế để ria con kiến – Rất thời trang và rất phong trần – Nên chi con gái thăng Long ấy – Cứ phập phồng ngực công chúa Ngọc Hân…”
Từ Phú Phong xuôi về An Nhơn, điểm dừng chân cuối cùng của thầy trò chúng tôi là di tích thành Hoàng Đế của người anh cả trong tam kiệt: Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc. Cung điện đã hoang tàn, chỉ còn trơ nền gạch cũ, nhưng còn đó cặp voi đá trên đường vào thành nội, còn những con nghê đá như chứng tích một thuở hào hùng. Dấu ấn của lần khai quật di chỉ gần nhất làm lộ ra nền cung điện, hồ bán nguyệt lẫn vào nền đất khiến người viếng thăm không khỏi xót xa về sự hủy hoại, trả thù tàn khốc của nhà Nguyễn Gia Miêu muốn xóa sạch chứng tích Tây Sơn trong lòng người Bình Định. Nhưng lòng tôn kính của người dân đất này vẫn bền chặt, bắt rễ vào mạch đất, vững chãi như những cây sung, cây bồ đề cổ thụ từ thuở xa xưa vẫn sống vững chãi, bất chấp sự tàn phá. Trớ trêu thay, cũng chính tại nơi đây, lăng mộ của Võ Tánh vẫn còn nguyên, như chứng tích cho tinh thần mã thượng của người chiến thắng – danh tướng Trần Quang Diệu nhà Tây Sơn. Mới thấy, tướng lĩnh Tây Sơn dẫu xuất thân từ chốn thôn dã, vẫn có sẵn tinh thần nhân văn và thượng võ, đối đầu quyết liệt nơi chiến trường nhưng vẫn rất tôn trọng đối phương vì lòng tận trung với chúa. Hai thái độ ứng xử, lịch sử còn để lại bao bài học hay!
Một chuyến dã ngoại ngắn ngủi, thầy trò chúng tôi được tận mắt chứng kiến những dấu tích trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Những hình ảnh lưu lại khoảnh khắc khó quên sẽ giúp các em tự hào hơn về quê hương mến yêu, hiểu thêm về đất và người Bình Định.
14.2.2011
T.H.N
Ảnh: https://picasaweb.google.com/Namlqd/DuXuan2#

1 nhận xét:

  1. Hôm đó không đi cùng lớp được, tiếc quá :( Khi nào có dịp thầy lại dẫn lớp đi nữa nhé thầy :)

    Trả lờiXóa