ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA NĂM 2007
Câu 1 (8,0 điểm)
Trong việc nhận thức, F. Ăng-ghen có phương châm: “Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”, C. Mác thì thích câu châm ngôn: “Hoài nghi tất cả”.
Anh/Chị hiểu thế nào về những ý tưởng trên?
Câu 2 (6,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu.
Anh/Chị hãy bình luận ý kiến đó.
Câu 3 (6,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn văn sau đây trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam:
“Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng.”
(Sách Văn học 11, Tập một, Nxb Giáo dục Hà Nội, 2002, tr.160)
Hướng dẫn chấm thi
Câu 1 (8,0 điểm)
Đối với câu này, thí sinh có quyền tự do lựa chọn thể loại để trình bày cách hiểu của mình. Tuy nhiên, cần phải đạt được hai nội dung căn bản sau đây :
1. Giải thích (4,0 điểm)
Câu của Ăngghen : Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn phải nghi ngờ nó suốt đời.
Ý căn bản : đối với con người, thà vất vả tìm hiểu trong một thời gian ngắn (suốt đêm) để có được một nhận thức rõ ràng, khai thông được tư tưởng cho mình về một vấn đề nào đó, còn hơn là cứ để nó tồn đọng như một việc chưa được giải quyết, khiến cho mối nghi ngờ về nó luôn đè nặng mình trong thời gian dài (suốt đời).
Câu C.Mác thích : Hoài nghi tất cả.
Ý căn bản : cần phải tỉnh táo khi tiếp nhận mọi điều, chớ thụ động, cả tin vào những gì mà chính mình chưa suy xét, kiểm chứng.
2. Bình luận (4,0 điểm)
Thí sinh cần thấy mỗi ý tưởng ấy đều hợp lí. Bề ngoài chúng có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng bên trong lại thống nhất. Mỗi câu nhấn mạnh vào một khía cạnh của vấn đề nhận thức, các khía cạnh ấy bổ sung cho nhau.
a. Câu của Ăngghen:
- Sự thật là những chân lý khách quan. “Tìm hiểu sự thật” là mục đích quan trọng đối với việc nhận thức. Nếu không nắm được sự thật thì sẽ gây khúc mắc và ngờ vực, nghi hoặc. Nghi ngờ là một trạng thái tinh thần tiêu cực bất lợi đối với đời sống.
- Phương châm của Ăngghen là đúng đắn. “Thà mất công tìm hiểu sự thật suốt đêm” là giải pháp tích cực. Còn để trạng thái nghi ngờ đè nặng mình suốt đời là tiêu cực. Mất công trước mắt mà có được lợi ích lâu dài vẫn luôn là lựa chọn khôn ngoan của con người nói chung, của việc tìm hiểu khoa học nói riêng.
b. Câu C.Mác thích:
- Cần phân biệt hoài nghi khoa học và thói đa nghi. Hoài nghi khoa học là phẩm chất tích cực. Nó là thái độ tỉnh táo, cẩn trọng trong tìm hiểu và tiếp nhận. Còn đa nghi là một căn bệnh tiêu cực. Nó khiến người ta không tin vào bất cứ điều gì.
- “Hoài nghi” ở đây là theo nghĩa tích cực. Trong cuộc sống cũng như trong tìm hiểu khoa học, luôn có thái độ hoài nghi như thế là điều cần thiết. Nó giúp con người có được sự cẩn trọng và chắc chắn trong hiểu biết, tránh được những hồ đồ, cả tin dễ dẫn tới sai lạc, lầm lẫn. Châm ngôn C.Mác thích cũng là một ý tưởng đúng đắn.
c. Sự bổ sung:
- Câu C. Mác thích thì nhấn mạnh vào sự cần thiết của thái độ hoài nghi khoa học như một tiền đề gợi cảm hứng cho con người tìm kiếm sự thật.
- Còn câu của Ăngghen thì nhấn mạnh vào việc tích cực dấn thân tìm kiếm sự thật để hoá giải mối nghi ngờ.
- Cả hai đều là những phương châm đúng đắn và cần thiết đối với việc nhận thức của con người.
Câu 2 (6,0 điểm)
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng phải đạt được một số yêu cầu sau:
1. Giải thích (2,0 điểm)
Thí sinh cần phải xác định ý kiến này thực chất là đề cập đến vấn đề tiếp nhận văn học. Nó đề cao vai trò của chủ thể tiếp nhận là người đọc. “Khi tác phẩm kết thúc” là khi tác giả hoàn tất và khi người đọc đã đọc xong tác phẩm ; “ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu” nghĩa là, lúc bấy giờ tác phẩm mới thực sự sống đời sống của nó trong tâm trí người đọc, tác phẩm mới thực sự nhập vào đời sống thông qua người đọc.
2. Bình luận (2,0 điểm)
- Khẳng định đây là một ý kiến đúng đắn. Nó đã chỉ ra được mối liên hệ thực tế giữa nghệ thuật và đời sống, giữa sáng tạo và tiếp nhận. Nó đề cập được vấn đề cốt lõi của vòng đời tác phẩm. Nó nhấn mạnh vai trò của người đọc tri âm và là người đồng sáng tạo, người quyết định đến đời sống thực sự của tác phẩm nghệ thuật.
- Khẳng định đây là một ý kiến súc tích, chứa đựng những ý tưởng sắc sảo với hình thức diễn đạt gây ấn tượng.
3. Chứng minh (2,0 điểm)
Để làm sáng tỏ và tăng tính thuyết phục cho việc giải thích và bình luận của mình, thí sinh cần phải minh hoạ bằng các tác phẩm văn học mà mình nắm vững.
Câu 3 (6,0 điểm)
Thí sinh được tự do trong việc cảm nhận. Có thể cảm nhận về toàn thể, có thể về một khía cạnh nào đó của đoạn văn cũng được. Tuy nhiên, dù cảm nhận theo hướng nào cũng không được thoát ly văn bản.
1. Dưới đây là một số đặc sắc căn bản của đoạn văn mà thí sinh có thể cảm nhận :
- Vẻ đẹp của tâm hồn nhân vật Liên. Một tâm hồn trong trẻo vừa mẫn cảm đối với ngoại giới vừa giàu mơ ước về một cuộc sống tươi vui tràn đầy âm thanh và ánh sáng. Nó hiện ra trong những cảm nhận tinh tế, những quan sát tinh vi và một nỗi niềm kín đáo đầy ắp buồn nhớ và mơ tưởng.
- Vẻ đẹp của văn chương Thạch Lam. Ngôn ngữ giàu chất thơ, giọng điệu tâm tình đầy thương cảm, chi tiết và hình tượng nghệ thuật bình dị giàu sức gợi, bút pháp tương phản nhuần nhị. Qua đó, có thể thấy một tấm lòng trắc ẩn mênh mông mà thấm thía dành cho những con người nhỏ bé trong cuộc sống nhọc nhằn ở những miền đời bị quên lãng.
2. Đây là dạng đề tương đối mở. Thí sinh không nhất thiết phải đề cập tất cả những đặc sắc của đoạn văn. Để cho điểm thích hợp, giám khảo cần căn cứ vào tình hình cụ thể và chất lượng cụ thể của từng bài.
Lưu ý chung:
- Chấp nhận cả những cách làm bài khác với đáp án của thí sinh, nhưng phải được trình bày có lí lẽ và căn cứ.
- Cần trừ điểm đối với những lỗi về diễn đạt, hành văn, ngữ pháp, chính tả.
- Cần khuyến khích những sáng tạo của thí sinh cả về nội dung lẫn hình thức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét