- LÊ THỊ THANH QUYỀN
Tinh hoa văn học của nhân loại nào cũng cần được khám phá và tái khám phá. Mỗi tác phẩm lớn là một sự kỳ diệu và mỗi lần ta tìm đến là thực hiện những cuộc phiêu lưu hoan lạc. Đến với tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” là chúng ta đang bước vào cánh cửa thứ nhất của Tủ sách tinh hoa văn học - cánh cửa với những tuyệt tác không thể lãng quên và như nhà văn Nguyễn Đình Thi đã nói: “Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sức sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”. Tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Watanabe Dzunichi mà ở đó có lẽ tác giả đã để lại một dấu ấn nghệ sĩ rất riêng của mình trong lòng độc giả. Cuốn tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” của nhà văn Nhật Bản này viết về bệnh viện Oriental- một bệnh viện tư ở Tokyo. Nhưng nhà văn không đơn thuần chỉ kể về đời sống của một bệnh viện với những bác sĩ tận tâm trong công việc và tấm lòng “lương y như từ mẫu” của họ giống như những tác giả khác mà thông qua hình ảnh của một bệnh viện nằm ở trung tâm thanh phố, tác giả đã tái hiện chân thực về đời sống thường ngày ở Nhật Bản với những tính cách sinh động, từ vợ chồng ông chủ - bác sĩ trưởng cho đến những bác sĩ, những y tá và những khách hàng của bệnh viện: từ số phận của những người minh tinh đang mùa ăn khách... Đó là đời sống kinh doanh, trục lợi, ăn chơi phè phỡn của ông bà chủ. Đó là số phận của những người dân nghèo Nhật Bản, không chốn nương thân như ông già Isikura, như vợ chồng cụ già Uênô - họ thật thà trung hậu và cũng thật đáng thương đến những bác sĩ thực tập xuât thân trong một gia đình lao động…Tác giả cũng không quên khắc họa hình ảnh của nhân vật chính đó là bác sĩ Naoe, một bác sĩ đã bước qua ngưỡng cửa 30,đẹp trai, hào hoa, vô cùng tài giỏi trong công việc phẫu thuật, làm việc cho một trường đại học danh tiếng bậc nhất ở Tokyo. Anh đã và đang trong quá trình nghiên cứu về bệnh ung thư cột sống - một căn bệnh nan y chưa có phương pháp điều trị. Điểm đặc biệt của căn bệnh này là những tế bào ung thư nhanh chóng ăn sâu vào trong các tế bào thần kinh của tủy sống, gây ra những cơn đau đớn khốc liệt và rồi làm người bệnh trở nên bại liệt dần dần. Một ngày kia, anh choáng váng khi nhận ra rằng, không ai khác, mà chính là anh, đang là nạn nhân của căn bệnh quái ác ấy. Những tấm ảnh chụp X-quang cho thấy là ổ ung thư ở tủy sống của anh đã phát triển đến giai đoạn cuối. Điều đó lý giải cho những cơn đau đớn khốc liệt đã chợt xuất hiện để hành hạ anh. Biết sức khỏe của mình không còn cho phép mình hoàn thành tốt công việc ở trường đại học, anh đã xin từ việc và về làm cho bệnh viện tư nhân Oriental cũng ở trung tâm thành phố Tokyo. Ở đó, anh đã gặp một người con gái, cô y tá Noriko, yêu anh với một tình yêu thắm thiết vô điều kiện. Nhưng anh thật khó hiểu, anh sống thu mình vào vỏ ốc, dường như dửng dưng với mọi sự nhưng lại chẳng bao giờ che dấu sự thu hút của mình... Anh lạnh lùng với hầu hết mọi người kể cả Noriko song lại không từ chối bất kỳ cô gái nào đến với anh. Có những lúc anh thật tàn nhẫn với người bị thương cần anh giúp, có khi anh lừa dối cả bệnh nhân của mình..Và có khi anh lại sử dụng cả ma túy để chống lại với căn bệnh quái ác đang hành hạ mình từng ngày từng giờ. Còn đối với nhân vật Noriko, dường như nhà văn đã dành cho nhân vật này một tình cảm thật đặc biệt. Ông đã miêu tả một Noriko với một tấm lòng bao dung, nhân hậu. cô y tá dịu dàng, hiền lành, nhẫn nhục đến mức gần như yếu đuối. Suốt cả câu truyện, cô đuổi theo một tình yêu gần như vô vọng đối với Naoe. Rất ít những âu yếm chiều chuộng anh dành cho cô nhưng lại nhiều vô cùng những hoài nghi, hờn ghen, dằn vặt. Cô đã chịu đựng, chăm sóc anh để đổi lấy thái độ lắm khi dửng dưng, lạnh lùng. Biết anh có người khác, cô đau khổ rồi lại tự tha thứ, chưa bao giờ dám trách móc...Cô không biết rằng Naoe có thực sự yêu mình hay không hay anh chỉ đến với cô giống như những cô gái khác? Mặc dù thái độ dửng dưng của Naoe đối với cô, dù chỉ là cả hai nói chuyện qua chiếc điện thoại đi nữa thì Naoe vẫn vậy, vẫn cái lạnh lùng, băng giá, cảm giác xa lạ ấy nhưng chưa bao giờ cô oán trách hay hối hận về tình yêu mình đã dành cho anh.Để rồi khép lại những trang truyện về những con người ở trong bệnh viện ấy, khép lại tình yêu mà Noriko đã dành cho Naoe cùng với những nỗi đau đớn mà Naoe đã chịu là lúc anh mời Noriko đi du lịch cùng anh ở hồ Sikotsu, đó cũng là lúc mà Naoe kết thúc cuộc đời của mình bằng cách trầm minh xuống đáy hồ và hình ảnh một Noriko đứng lặng giờ lâu nhìn thấy Naoe đang từ từ chìm xuống và lá thư anh để lại cho cô mà anh đã viết trong giây phút cuối đời. Tất cả những vật ấy, tôi cảm thấy mình đã từng gặp họ ở đâu đó trong cuộc sống. Họ là những mảnh ghép rời rạc, những nét chấm phá của tác giả để cố gắng vẽ nên một bức tranh chân thực nhất của ngành Y.Qua sự miêu tả chuẩn xác của tác giả trong từng chi tiết đã làm lộ rõ một bức tranh sinh động về đời sống ở một bệnh viện, nơi mà những con người hàng ngày đang ra sức cứu chữu cho từng bệnh nhân của mình nhưng có khi họ không thể là người thầy thuốc cho chính bản thân. Phải chăng thành công của Dzunichi trong tác phẩm này chính là vì ông chính là một bác si y khoa? Chắc hẳn rằng không phải ai làm công việc cứu người thì đều có thể viết nên một tác phẩm nghệ thuật hay đến như vậy. Phải có một sự mẫn cảm đặc biệt đối với nghề nghiệp thì ông mới hiểu rõ được từng tính cách của mỗi nhân vật.Không những vậy với một óc quan sát tinh tế và nhạy bén cùng với một trí tuệ sắc sảo Dzunichi đã cài bẫy trong việc miêu tả sự phát triển của tính cách Naoe, chờ đến lúc kết thúc thì những thắc mắc của người đọc về những bí ẩn của nhân vật này mới được cởi nút... Và chính nhờ sự sáng tạo độc đáo và cần thiết đó của mình mà người đọc cảm thấy mình như được sống với từng nhân vật trong tác phẩm, từ lúc mở đầu câu chuyện là câu hỏi “Hôm nay ai trực?” dường như đã mở ra một khung cảnh của một bệnh viện và cuối cùng là hình ảnh Noriko đứng chờ Naoe trong tuyệt vọng như để bám víu lại một cái gì còn sót lai giữa hai người đã khiến cho người đọc không khỏi rơi nước mắt. Bằng những tình cảm quan sát được từ những điều trong cuộc sống và trí tưởng tưởng của nhà văn ta nhận ra rằng ở đó không chỉ là kể về người, về việc mà còn là nét độc đáo về những cảnh thiên nhiên kì lạ và rợn ngợp không gian của một thành phố sầm uất và còn là cảnh hồ Sikotsu, nơi Naoe đã ra đi cũng thật tuyệt vời "mặt hồ gợn lên những làn sóng lăn tăn trông như làm bằng chì, mờ mờ sáng lên" nhưng là một cái "hồ rất sâu và rất đáng sợ". Và quan niệm "đời người một nhúm tro bay" mà tác giả đã gửi gắm đến người đọc đã lý giải đủ đầy cho sự đối mặt với nỗi đau và cái chết một cách bình thản và hiên ngang của anh, lý giải cho cái chết đẹp và buồn như một bài thơ của anh, cho tấm lòng yêu thương con người bao la, rộng lớn của anh. Nó truyền tải đến chúng ta một thông điệp là: Khi nào mà con người không quá coi trọng mạng sống của mình, thì khi ấy những giá trị tinh thần được gìn giữ và chắt chiu như của báu, con người thương yêu nhau hơn, đối xử với nhau tử tế hơn và nhất là biết sống và chết đẹp hơn gấp bội phần. Tác giả đã để cho nhân vật chính ra đi để tăng thêm tính chân thực, tự nhiên và giúp cho nhân vật không phải sống trong sự đau đớn, mặc dù Naoe ra đi khi chưa thể tìm ra được thuốc để chữa cho căn bệnh của mình nhưng cái chết ấy cũng thật đẹp khi những công trình nghiên cứu còn đang dở dang của anh sẽ được mọi người tiếp tục và phát triển. Chắc chắn rằng nhà văn không muốn nhân vật của mình kết thúc như vậy nhưng nếu để cho nhân vật được sống và được hạnh phúc thì câu chuyện sẽ không hợp lí và có vẻ như thiên về tình cảm chủ quan của tác giả, làm cho người đọc khộng có ấn tượng sâu sắc. Vì vậy với một cá tính trong phong cách viết văn và một trí tuệ sáng suốt, tác giả đã dẫn chúng ta đến từng không gian, từng mảng trắng đen của cuộc sống. Với một tư chất nghệ sĩ vốn có của mình, lòng nhân ái, sự khách quan và sinh động trong miêu tả, tài dụng nhân vật và viết đối thoại đậm đà, giản dị... tất cả đã làm cho cuốn tiểu thuyết Nhật Bản này gần gũi với người đọc Việt Nam.Một phút để chúng ta nhìn nhận bản thân của mình, một cách thức nào đó để ta nhìn ngắm lại cuộc sống một cách khách quan nhất để thấy được một sự thật, một sự thật trần trụi như thân thể con người ta dưới ngọn đèn không hắt bóng của phòng mổ vậy và có thể thấy hình ảnh của bệnh viện Oriental ở đâu đó trong bất cứ bệnh viện nào mà ta có dịp ghé qua. L.